Chờ...

Táo bón - cần hiểu đúng nguyên nhân để chọn đúng cách chữa

(VOH) - Táo bón là tình trạng mà ai cũng đã từng trải qua, nó gây cảm giác khó chịu, bứt rứt trong người,…Vậy táo bón là gì? tình trạng này có đáng lo không? hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Táo bón là gì?

PGS.TS Bs Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, táo bón được định nghĩa khi người bệnh quá 3 ngày chưa đi cầu hoặc 1 tuần chỉ đi cầu 2 lần. Bên cạnh đó, tình trạng táo bón còn được đánh giá qua chất lượng phân như phân khô cứng, vón thành cục, rắn, khó di chuyển ra ngoài, khi đi cầu người bệnh phải rặn mạnh.

tao-bon-nguyen-nhan-va-cach-chua-hieu-qua-voh-1

Táo bón là tình trạng đã quá 3 ngày vẫn chưa đi cầu được (Nguồn: Internet)

Dấu hiệu nhận biết táo bón

Ngoài việc dựa vào thời gian đi cầu và chất lượng phân thì bạn có thể nhận biết tình trạng táo bón qua các triệu chứng như:

  • Đau bụng, cảm giác khó chịu, bứt rứt trong người.
  • Khi đi cầu phải rặn nhiều lần vì phân khô, cứng, khó di chuyển ra ngoài.
  • Sau khi đi cầu thì mệt lã người.
  • Đau hậu môn.
  • Có cảm giác muốn đi cầu nhưng khi vào nhà vệ sinh thì không đi cầu được.

Nguyên nhân gây táo bón

Táo bón là do sự vận động “chậm chạp” của ruột già và sự tích lũy của phân bên trong. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như:

  1. Táo bón chức năng

Táo bón chức năng không phải do một tổn thương nào bên trong mà xuất phát từ thói quen sinh hoạt, ăn uống thiếu khoa học hoặc do người bệnh sử dụng một số loại thuốc gây mất nước. Cụ thể:

  • Táo bón do thói quen nhịn đi cầu: Việc nhịn đi cầu có thể khiến phân tích trữ nhiều bên trong ruột già, lâu ngày sẽ dồn nén lại tạo thành khối phân cứng và gây ra tình trạng táo bón. 
  • Do ăn uống thiếu khoa học: Chế độ ăn thiếu chất xơ, uống ít nước, ăn nhiều thức ăn có vị cay nóng, uống nhiều rượu bia, chất kích thích,…là nguyên nhân dẫn đến táo bón.
  • Thói quen ngồi nhiều: Ngồi nhiều một chỗ, ít vận động sẽ tạo áp lực cho vùng hậu môn trực tràng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón.
  • Do stress, rối loạn lo âu: Bác sĩ Bay cho biết, những người bị rối loạn tâm thần, stress, rối loạn lo âu quá nhiều rất dễ mắc chứng táo bón.
  • Do thuốc: Một số loại thuốc điều trị bệnh cũng có thể gây mất nước, làm cho nhu động của ruột già kém. Đây cũng là nguyên nhân gây táo bón thường gặp.
  1. Táo bón thực thể

Táo bón thực thể do những cản trở trên đường đi của phân, khiến phân không tống xuất được ra ngoài. Những cản trở đó có thể do khối u trực tràng, đại tràng hay những tổn thương bẩm sinh như phình đại tràng hoặc do nứt hậu môn, bệnh trĩ.

Bác sĩ Bay cho biết, phụ nữ mang thai ở những tháng cuối thai kỳ, thai to sẽ chèn ép vào trực tràng, tiểu khung nên dễ bị táo bón. Ngoài ra, những trường hợp phẫu thuật bên trong có thể làm dính hệ thống dây chằng sau mổ, tình trạng viêm, xung huyết có thể làm co hẹp đại trực tràng khiến phân khó tống xuất ra ngoài, gây nên tình trạng táo bón.

Tác hại của táo bón

Táo bón nếu không khắc phục sớm có thể gây ra những ảnh hưởng sau đây:

tao-bon-nguyen-nhan-va-cach-chua-hieu-qua-voh-2

Nên khắc phục chứng táo bón sớm để tránh các tác hại cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

  • Người bệnh bị đau tức vùng bụng, luôn cảm thấy khó chịu.
  • Táo bón gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa trên, làm giảm hấp thu thức ăn, người bệnh chán ăn, lâu ngày sẽ dẫn đến thiếu dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể. 
  • Táo bón lâu ngày có thể khiến các chất độc ứ lại bên trong, sau đó hấp thu vào máu và gây ra các tác dụng ngược như nổi mụn, ngứa ngoài da, bứt rứt khó chịu, da xám lại, tinh thần căng thẳng….
  • Nặng nề hơn, táo bón kinh niên có thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh ung thư, các bệnh nội khoa do hậu quả bít tắc bên trong.

Vì vậy, khi có triệu chứng táo bón, bạn nên tìm cách khắc phục hoặc đi thăm khám để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Chữa táo bón bằng cách nào?

Theo bác sĩ Bay, có rất nhiều cách chữa chứng táo bón, từ việc dùng thuốc đến không dùng thuốc, tuy nhiên, bạn cần phải xác định nguyên nhân táo bón là do đâu để có phương pháp chữa trị thích hợp.

Dưới đây là một số cách khắc phục chứng táo bón hiệu quả:

  1. Phương pháp không dùng thuốc

  • Ăn nhiều chất xơ như rau đay, rau mồng tơi, rau dền, đu đủ chín, xoài, khoai lang, mè,…những thực phẩm này giúp làm sạch ruột, mềm phân để phân dễ di chuyển ra ngoài hơn.
  • Uống đủ nước mỗi ngày, trung bình phải uống từ 2.5 – 3 lít nước để giúp chuyển hóa thức ăn và làm mềm phân.
  • Tập thói quen đi cầu mỗi ngày, buổi sáng hoặc buổi tối. Mỗi sáng thức dậy, hãy uống 1 ly nước ấm, sau đó đi cầu, thói quen này được duy trì sẽ giúp bạn “đẩy lùi” được chứng táo bón hiệu quả. 
  • Vận động mỗi ngày, tập thể dục, thể thao thường xuyên.
  1. Phương pháp dùng thuốc

  • Theo kinh nghiệm dân gian: Người bị táo bón có thể dùng hạt mã đề hoặc lô hội (nha đam) nấu với đậu xanh để ăn. Hoặc trong bữa cơm hàng ngày có thể thêm canh rau dền nấu với rau mồng tơi. Những món ăn này vừa giúp làm mát cơ thể, thông huyết mạch, vừa có tác dụng nhuận trường, giúp đẩy lùi chứng táo bón.
  • Dùng thuốc Đông y: Lá muồng trâu là vị thuốc Đông y có tác dụng chữa chứng táo bón hiệu quả. Tuy nhiên, lá muồng trâu cũng có tác dụng tẩy sổ nên chỉ dùng với số lượng ít. Mỗi ngày có thể hái 2 – 3 lá muồng trâu hấp với cơm rồi ăn hoặc nấu nước uống. Ngoài ra, đại hoàng cũng là vị thuốc giúp tẩy sổ cho những trường hợp bị táo bón, tuy nhiên khi sử dụng loại thuốc này cần có thầy thuốc Đông y chỉ định về liều lượng.

Như vậy, táo bón không phải là một chứng bệnh nghiêm trọng nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Do đó, hãy tập thói quen sống và ăn uống lành mạnh để phòng ngừa chứng bệnh này.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới:

Cây muồng trâu và những cách dùng chữa bệnh ngoài da, táo bón: Cây muồng trâu là loại cây được trồng và mọc lan rộng ở những nơi có thời tiết nóng. Đây cũng là vị thuốc quý có thể giúp phòng và chữa nhiều loại bệnh, trong đó có cả chứng táo bón.
Táo bón lâu ngày có nên dùng thuốc nhuận tràng?: Không đi cầu được trong nhiều ngày sẽ vô cùng khó chịu, tình trạng này cứ tiếp diễn sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe, đặc biệt là bệnh trĩ. Vậy nguyên nhân do đâu và làm sao để khắc phục?