Bộ Y tế hướng dẫn cách 'thoát' khỏi vấn đề về giọng nói và ho dai dẳng hậu COVID-19

(VOH) - Hậu COVID-19, người mắc có thể bị đau họng, ho khó chịu và cảm giác chất nhầy đọng lại trong cổ họng, do đó cảm thấy cần phải hắng giọng thường xuyên.

Theo Hướng dẫn Phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc COVID-19 (hậu COVID-19) của Bộ Y tế COVID-19 cho thấy, hậu COVID-19 có thể gây đau họng, ho khó chịu và cảm giác chất nhầy đọng lại trong cổ họng, do đó người mắc COVID-19 cảm thấy cần phải hắng giọng thường xuyên.

Giọng nói của bạn có thể bị yếu, bị hụt hơi hoặc khàn giọng, đặc biệt nếu trước đó bạn được thở máy (đặt ống thở) trong bệnh viện.

Bạn có thể cảm thấy cổ họng/đường hô hấp trên nhạy cảm hơn với môi trường xung quanh so với trước khi bị bệnh. Ví dụ: bạn có thể bị ho, cảm giác thắt cổ họng hoặc khó thở nếu bạn tiếp xúc với một mùi hương nồng. Nếu các triệu chứng của bạn không thuyên giảm theo thời gian, vui lòng tham khảo ý kiến của chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

hau-covid-19-voh.com.vn-anh1
Có khoảng 50- 70% những người mắc COVID-19 có triệu chứng là ho khan. (Ảnh minh họa: SK&ĐS)

Theo đó, Bộ Y tế đưa ra các lời khuyên cho các vấn đề với giọng nói:

- Cố gắng uống đủ nước. Nhấp nước thường xuyên, liên tục trong ngày để giữ cho dây thanh âm của bạn mềm mại, đảm bảo hoạt động của dây thanh âm.

- Đừng căng giọng, cao giọng hoặc la hét vì điều này có thể làm căng dây thanh quản của bạn. Đừng thì thầm vì điều này có thể làm trùng dây thanh quản của bạn làm giọng nói không bình thường.

- Xông hơi nước (trùm khăn lên đầu và hít vào với hơi nước từ bát nước sôi) trong 10 -15 phút có thể giúp cấp ẩm cho đường thanh âm.

- Trào ngược dạ dày dễ làm cho họng bị rát, khó chịu gây ảnh hưởng dây thanh âm, giọng nói thay đổi, vì vậy bạn nên tránh các loại thức ăn khó tiêu, tránh ăn khuya.

- Bỏ hút thuốc lá; không uống rượu.

- Sử dụng các cách giao tiếp khác, chẳng hạn như viết, nhắn tin hoặc sử dụng cử chỉ, nếu việc nói chuyện khó khăn hoặc không thoải mái.

Lời khuyên khi bị ho dai dẳng:

- Thử thở bằng mũi thay vì miệng để tránh kích thích niêm mạc họng, niêm mạc miệng gây ho.

- Thử ngậm đồ ngọt đun sôi (ít đường)

- Thử "Bài tập ngừng ho". Khi bạn cảm thấy muốn ho, hãy ngậm miệng và dùng tay che lại (LÀM DỊU cơn ho). Đồng thời, tự NUỐT cơn ho. DỪNG thở - tạm dừng. Khi bạn bắt đầu thở lại, hãy hít vào và thở ra bằng mũi một cách NHẸ NHÀNG.

- Nếu bạn bị ho về đêm do trào ngược dạ dày, hãy thử nằm nghiêng về một bên hoặc dùng gối kê cao đầu (cổ).

Theo thống kê, có khoảng 50- 70% những người mắc COVID-19 có triệu chứng là ho khan. Hầu hết những người mắc COVID-19, có thể ho khoảng 19 ngày. Thậm chí, ho kéo dài 4 tuần hoặc trong nhiều tháng.

Ho là phản xạ cần thiết bảo vệ chống lại nhiễm trùng. Bình thường, khi phát hiện ra virus hoặc những vật thể lạ, các dây thần kinh cảm giác sẽ kích hoạt cảm biến ho ở vùng tủy của não, từ đó kích hoạt các cơ xung quanh đường hô hấp để đẩy vật thể lạ ra ngoài.

Ở bệnh nhân COVID-19, virus có thể trực tiếp hoặc gián tiếp nhắm mục tiêu vào các dây thần kinh cảm giác, như một phần của bệnh nhiễm trùng, do đó, gây nên những cơn ho.

* Theo Bộ Y tế cho biết, đến nay hơn 9,43 triệu người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi bệnh; hiện còn hơn 1,24 triệu người đang theo dõi, điều trị. Cách 'thoát' khỏi vấn đề về giọng nói và ho dai dẳng hậu COVID-19...

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, ngày 27/5 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.239 ca nhiễm mớ đều là ca bệnh trong nước (giảm 36 ca so với ngày trước đó) tại 46 tỉnh, thành phố (có 1.057 ca trong cộng đồng).

Hà Nội vẫn là địa phương có số mắc cao nhất cả nước với 297 ca COVID-19 mới. Đây là con số thấp nhất trong khoảng gần nửa năm qua của Hà Nội. Ở giai đoạn cao điểm nhất, có ngày Hà Nội ghi nhận hơn 30.000 ca COVID-19 mới.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 1.305 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.715.247 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.237 ca nhiễm).

Theo Bộ Y tế, tại nước ta, dịch bệnh vẫn đang được cơ bản kiểm soát trên phạm vi cả nước, mấy ngày gần đây, cả nước ghi nhận trên 1.000 ca trong cộng đồng mỗi ngày và rải rác 1, 2 ca tử vong mỗi ngày (có ngày không ghi nhận ca tử vong nào).

Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Các địa phương tiếp tục nâng cao năng lực thu dung, điều trị; giảm tối đa các trường hợp tử vong; chủ động, sẵn sàng các các biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tăng cường theo dõi, giám sát sức khỏe người nhiễm vi rút để kịp thời liên hệ với cơ sở y tế ngay khi có nhu cầu.