Bệnh nhân C.V.B, làm nghề lao động tự do, địa chỉ tại xã Định Bình, thành phố Cà Mau. Ngày 19/2, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nên đi khám, điều trị tại một phòng khám đa khoa tư nhân, được cho thuốc uống 3 ngày nhưng tình trạng không giảm.
Bệnh nhân được hướng dẫn đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, tại đây, bác sĩ Khoa Da liễu thăm khám, hướng dẫn lên Bệnh viện Da liễu Cần Thơ. Sau khi đến khám và điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Da liễu Cần Thơ, được chẩn đoán nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ.
Về dịch tễ, gia đình bệnh nhân có 5 người, cha mẹ đi nước ngoài mới về khoảng 3 ngày và 2 người em đang sinh sống ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, ngành Y tế tăng cường công tác khử khuẩn, điều tra dịch tễ đối với người tiếp xúc gần nhằm phát hiện sớm ca mắc mới, kịp thời cách ly, điều trị.
Trung tâm tăng cường giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; đồng thời phối hợp truyền thông phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ tại cộng đồng bằng nhiều hình thức.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có công văn hỏa tốc chỉ đạo tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, theo đó chủ động giám sát, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, kiểm soát dịch kịp thời, không để bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn toàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các huyện, thành phố Cà Mau, ngành chức năng theo dõi chặt chẽ, cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh, chủ động biện pháp phòng, chống, điều trị kịp thời, hiệu quả và xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế tối đa số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Đối với Sở Y tế, khi ghi nhận trường hợp bệnh đậu mùa khỉ, khẩn trương điều tra kỹ tất cả người tiếp xúc để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch, không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng…