Chờ...

Các triệu chứng bệnh thương hàn theo từng giai đoạn

VOH - Thương hàn là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ.

Bệnh được gây ra bởi vi khuẩn Salmonella typhi và có nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, nếu bệnh thương hàn được phát hiện sớm, bệnh có thể được điều trị thành công bằng thuốc kháng sinh.

Người bệnh có thể bị sốt lên đến 39 - 41 độ C – 16-7-2024

Người bệnh có thể bị sốt lên đến 39 - 41 độ C - Ảnh: Internet

Các triệu chứng và diễn biến của bệnh thương hàn

Triệu chứng bệnh thương hàn thường khác nhau theo từng diễn biến và giai đoạn bệnh. Bạn có thể căn cứ vào biểu hiện bệnh để biết tình trạng cụ thể của bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời, tránh biến chứng xảy ra. Cụ thể như sau:

Giai đoạn ủ bệnh

Thời gian ủ bệnh thường kéo dài khoảng từ 3-21 ngày, trung bình là từ 7-14 ngày. Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh cảm thương hàn.

Khi trực khuẩn thương hàn xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa sẽ được đưa đến dạ dày rồi xuống ruột và cuối cùng là vào máu.

Trong giai đoạn này, số lượng vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt dần khi qua mỗi đoạn đường và đến máu bạch huyết sẽ khu trú ở đây để phát triển và sinh sản mà gây nên bệnh. Sự sinh sản phát triển đó cũng cần thời gian và là cả một quá trình.

Do đó, trong giai đoạn này, bệnh gần như không có biểu hiện lâm sàng nào. Tuy nhiên người bệnh có thể là nguồn lây nhiễm trong giai đoạn này.

Giai đoạn khởi phát

Thường diễn biến trong 1 tuần với các triệu chứng như: Sốt tăng dần, thường có gai rét lúc đầu.

Nhiệt độ có thể tăng cao lên đến 39 - 41 độ C đến ngày thứ 7 của bệnh. Bên cạnh triệu chứng sốt kéo cao kéo dài, người bệnh thương hàn còn thường hay gặp các triệu chứng như nhức đầu, mệt mỏi, ăn ngủ kém, ù tai.

Giai đoạn toàn phát

Thường kéo dài trong khoảng 2 tuần với các triệu chứng phổ biến như: Tiếp tục sốt cao từ 39 - 41 độ C, tình trạng này kéo dài khiến tổng trạng trở nên xấu hơn.

Đi kèm sốt ở giai đoạn này bệnh thương hàn có biểu hiện như nhiễm độc thần kinh cụ thể là nhức đầu, ù tai, run tay, ngủ chập chờn và gặp ác mộng.

Điển hình của nhiễm độc thần kinh là trạng thái typhos. Khi đó, tuy người bệnh vẫn nhận biết các kích thích từ môi trường xung quanh nhưng vẫn nằm bất động, mắt nhìn đờ đẫn, vẻ mặt vô cảm. Trong một số trường hợp nặng hiếm gặp, bệnh nhân hôn mê, li bì.

Các nốt đào ban (hay hồng ban) dát nhỏ 2 - 3 mm có thể mọc ở bụng, ngực và mạn sườn. Số lượng ban ít, thường xuất hiện từ ngày 7 - 12 của bệnh.

Bệnh nhân thương hàn còn gặp các vấn đề về tiêu hóa như đi ngoài phân lỏng sệt, màu vàng nâu, khoảng 5 - 6 lần mỗi ngày. Bụng của bệnh nhân thường chướng đau nhẹ lan tỏa vùng hố chậu phải.

Ngoài ra, bệnh nhân thương hàn còn có thể gặp bệnh viêm phế quản, viêm phổi. Mạch chậm so với nhiệt độ của người bệnh thương hàn trong giai đoạn này được gọi là mạch và nhiệt độ phân ly.

Giai đoạn lui bệnh

Giai đoạn này thường kéo dài trong vòng 1 tuần. Nhiệt độ dao động mạnh rồi giảm dần. Bệnh nhân phục hồi, cơ thể đỡ mệt, ăn ngủ tốt hơn và các vấn đề về tiêu hóa cũng hết.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh thương hàn

Để phòng ngừa bệnh thương hàn hiệu quả, cần kiểm tra kỹ nguồn nước trước khi sử dụng, thực phẩm hàng ngày phải luôn tươi mới, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và trên hết là đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn.

Nên tiêm vắc-xin nếu bạn sống hoặc đang đi du lịch đến những khu vực có nguy cơ bị sốt thương hàn cao.