Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sốt thương hàn và mức độ nguy hiểm của bệnh

(VOH) - Sốt thương hàn là bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây lan mạnh và có thể bùng phát thành dịch lớn. Vậy làm sao để nhận biết kịp thời cũng như phòng ngừa bệnh đúng cách?

1. Sốt thương hàn là gì?

Sốt thương hàn hay gọi đơn giản là thương hàn, là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Vi khuẩn này có thể lây lan từ người này sang người khác qua con đường ăn uống hoặc tiếp xúc gần gũi với người nhiễm khuẩn.

Bệnh thương hàn phổ biến ở hầu hết các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới như châu Á, châu Phi, Trung Đông, châu Đại Dương, Trung và Nam Mỹ. Ở Việt Nam, bệnh thường bùng phát nhiều sau các mùa mưa lũ.

Sốt thương hàn có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên bệnh thường gặp ở những người trong độ tuổi từ 15 đến 30 tuổi.

sot-thuong-han-va-muc-do-nguy-hiem-cua-benh-voh

Sốt thương hàn do nhiễm vi khuẩn Salmonella (Nguồn: Internet)

2. Vi khuẩn gây bệnh sốt thương hàn tồn tại ở đâu?

Sốt thương hàn là do trực khuẩn thương hàn Salmonella typhi gây ra. Salmonella có sức sống và sức đề kháng tốt, chịu được lạnh. Trong nước đá, vi khuẩn này vẫn sống được 2 – 3 tháng, trong nước thường là hơn 1 tháng, trong rau quả từ 5 – 10 ngày, trong phân thì 1 đến vài tháng.

Salmonella bị tiêu diệt ở nhiệt độ 550 độ C trong 30 phút hoặc 1000 độ C trong 5 phút. Các chất khử trùng thông thường cũng có thể tiêu diệt được vi khuẩn này dễ dàng.

Vi khuẩn thương hàn có trong phân, nước tiểu, chất nôn, mủ,…của người bệnh, trong đó lượng vi khuẩn có trong phân là nguồn nhiễm bệnh quan trọng nhất. Ngay cả khi bệnh đã lui thì trong giai đoạn hồi phục vẫn có khoảng 20% bệnh nhân vẫn tiếp tục thải vi khuẩn qua phân trong 2 tháng.

Đa số các trường hợp mắc bệnh sốt thương hàn là do dùng thực phẩm, nguồn nước bị nhiễm trùng. Cụ thể:

  • Do ăn phải thực phẩm, uống nước bị nhiễm khuẩn mà không được nấu chín. Đây là con đường chủ yếu khiến bệnh phát triển thành dịch lớn. Trong các loại thực phẩm, thường bắt gặp vi khuẩn thương hàn trong các sản phẩm sữa, thịt. 
  • Ngoài ra, tiếp xúc với bệnh nhân sốt thương hàn nhưng không vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn cũng có thể bị lây bệnh. 

3. Triệu chứng của bệnh sốt thương hàn

Triệu chứng của sốt thương hàn sẽ biểu hiện khác nhau qua từng thời kỳ của bệnh, cụ thể:

3.1 Thời kỳ ủ bệnh

Thời gian ủ bệnh giao động từ 3 – 21 ngày (trung bình là 7 – 14 ngày) và thường không có triệu chứng gì đặc biệt.

3.2 Thời kỳ khởi phát

Người bệnh sốt liên tục trong 5 – 7 ngày đầu của bệnh. Bên cạnh đó còn kèm theo các triệu chứng như nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, đau cơ các chi, mất ngủ, đau bụng, buồn nôn và nôn, táo bón, chảy máu cam (thường gặp ở trẻ em), ho khan, tức ngực,…

3.3 Thời kỳ toàn phát

Từ tuần thứ 2 và kéo dài 2 – 3 tuần, người bệnh có các biểu hiện sau đây:

  • Sốt cao liên tục, từ 39 – 40 độ C, kèm theo nhức đầu, mệt mỏi, rét run từng cơn và đổ mồ hôi.
  • Dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân nặng như môi khô, má đỏ, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, bệnh nhân không tỉnh táo rồi chuyển sang hôn mê.
  • Đi ngoài phân lỏng, trướng bụng, gan to, lách to.
  • Lưỡi có màu trắng bẩn, cạnh lưỡi và đầu lưỡi đỏ.
  • Loét vòm họng.

3.4 Thời kỳ lui bệnh

Nếu không có biến chứng, bệnh sẽ chuyển sang thời kỳ lui bệnh vào tuần thứ 3 – 4. Bệnh nhân sẽ hạ sốt, các triệu chứng từ từ thuyên giảm và dần hồi phục.

4. Sốt thương hàn nguy hiểm như thế nào?

Nếu sốt thương hàn không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng sau đây:

  • Xuất huyết tiêu hóa, do tổn thương tại đoạn cuối ruột non, có thể gặp ở 15% số bệnh nhân.
  • Thủng ruột non ở đoạn xa hồi tràng, đây là biến chứng cực kỳ trầm trọng và thường xuyên gây tử vong. Nó có thể xảy ra mà không có triệu chứng cảnh báo cho đến khi nhiễm trùng huyết và viêm phúc mạc lan tỏa bắt đầu.
  • Gây viêm não.
  • Gây mủ ở các cơ quan khác, viêm túi mật, viêm nội tâm mạc tim, viêm xương.

Nhìn chung, sốt thương hàn là một bệnh nguy hiểm, cần được nhận biết sớm và chữa trị kịp thời. 

5. Chữa sốt thương hàn bằng cách nào?

Nếu sốt thương hàn nhẹ, người bệnh không cần dùng thuốc vì hầu hết bệnh tự khỏi trong vòng 24 đến 48 tiếng. Khi đó, người bệnh cần được cách ly hoặc sử dụng nhà tắm riêng. 

sot-thuong-han-va-muc-do-nguy-hiem-cua-benh-voh

Khi bị sốt và kèm theo những triệu chứng của sốt thương hàn thì bạn nên đi khám ngay (Nguồn: Internet)

Nếu bị sốt cao và nhiễm trùng nặng, người bệnh cần phải điều trị bằng thuốc kháng sinh và thuốc hạ sốt. Bên cạnh đó phải uống nhiều nước hoặc bổ sung các chất điện giải. Trong giai đoạn điều trị, người bệnh cần ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, đủ calo…Những sản phẩm từ sữa có thể làm triệu chứng tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn, vì vậy, người bệnh nên tránh uống hoặc ăn các sản phẩm từ sữa trong vài ngày. Nếu tiêu chảy nặng có thể cần truyền dịch.

6. Biện pháp phòng bệnh sốt thương hàn

Sốt thương hàn là bệnh nguy hiểm, vì vậy hãy học cách phòng tránh hàng ngày bằng cách:

  • Đảm bảo vệ sinh môi trường sống, sử dụng nguồn nước sạch, xử lý phân tốt.
  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng đồ ăn đã ôi thiu, héo úa, các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
  • Thực hiện ăn chín, uống chín.
  • Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Cách ly với bệnh nhân sốt thương hàn.
  • Tích cực diệt ruồi, nhặng, gián.
  • Khi có dấu hiệu sốt thương hàn thì cần đến bệnh viện thăm khám để được chỉ định điều trị kịp thời và phù hợp.
Bình luận