Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Lách to có sao không, điều trị có cần phải cắt lá lách không?

(VOH) - Lá lách hoạt động như một mạng lưới bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng. Vậy khi lách to có sao không? Lách to là bình thường hay bất thường? những thông tin dưới đây sẽ làm rõ vấn đề này.

1. Lách to là bệnh gì?

Lá lách là một cơ quan nhỏ nằm ngay dưới lồng xương sườn trên bên trái. Ngoài là cơ quan trong hệ thống bạch huyết, lá lách còn là một bộ phận của hệ thống miễn dịch, tạo ra kháng thể chống lại các vi khuẩn, ký sinh trùng, virus khi chúng đột nhập cơ thể. Lá lách cũng duy trì tế bào hồng cầu và tiểu cầu khỏe mạnh.

lach-to-co-sao-khong-dieu-tri-co-can-phai-cat-la-lach-khong-voh-1

Lách to có thể do cơ thể đang bị nhiễm trùng (Nguồn: Internet)

Một lá lách bình thường có kích thước tương đương như nắm tay. Khi có bệnh, lá lách có thể sưng lên và to hơn gấp nhiều lần so với kích thước bình thường của nó.

Lá lách thường to ra khi cơ thể bạn bị nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng hoặc lách to do một số bệnh gan, bệnh về máu, ung thư các cơ quan khác di căn đến lá lách…

2. Vậy lách to có sao không?

Khi lách to có thể ảnh hưởng đến một trong các chức năng quan trọng. Ví dụ như lá lách phát triển lớn hơn, nó bắt đầu lọc các tế bào hồng cầu bình thường cũng như những bất thường, làm giảm số lượng các tế bào khỏe mạnh trong máu. Y học gọi lách là “mồ chôn” hồng cầu. Vì trong những bệnh mà hồng cầu bị vỡ nhiều thì lách sẽ to ra.

Ngoài ra, khi lách to nó cũng “bẫy” quá nhiều tiểu cầu. Cuối cùng, các tế bào hồng cầu và tiểu cầu vượt quá có thể làm tắc nghẽn lá lách, cản trở hoạt động bình thường.

Dưới đây là một số biến chứng có thể gặp khi lách to:

  • Nhiễm trùng: Lách to có thể làm giảm số lượng tế bào máu, hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu khỏe mạnh trong máu, có thể phát triển các bệnh nhiễm trùng thường xuyên. Thiếu máu và tăng tan huyết cũng có thể xảy ra.
  • Vỡ lá lách: Ngay cả lá lách khỏe mạnh mềm mại cũng dễ dàng bị hư hỏng, đặc biệt là trong tai nạn. Khi lách càng to, khả năng vỡ càng lớn. Vỡ lách có thể gây chảy máu vào ổ bụng đe dọa tính mạng.

3. Lách to nhận biết bằng cách nào?

Lách to có thể không có triệu chứng trong một số trường hợp. Một số trường hợp khác có thể có các triệu chứng như:

  • Đau hoặc có cảm giác đầy ở vùng bụng trên bên trái, có thể lan đến vai trái.
  • Cảm thấy no mặc dù không ăn hoặc sau khi ăn chỉ một lượng nhỏ do lách to ép vào dạ dày.
  • Thiếu máu.
  • Mệt mỏi.
  • Nhiễm trùng thường xuyên.
  • Dễ chảy máu.

Tuy nhiên, chỉ dựa vào các triệu chứng này thì không thể nhận biết được chính xác tình trạng lách to. Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng lách to thì bạn nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác.

Bác sĩ có thể yêu cầu bạn nằm sang bên phải để sờ xem lách có to hay không, tuy nhiên, cách chẩn đoán này gặp khó khăn với những bệnh nhân béo phì. Vì vậy, chẩn đoán bằng chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) vùng bụng hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể được thực hiện để chẩn đoán.

4. Lách to phải làm sao?

Trong hầu hết các trường hợp, điều trị nguyên nhân cơ bản của lách to có thể ngăn ngừa cắt lách. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần hạn chế các hoạt động có nguy cơ làm vỡ lá lách, chẳng hạn như thể thao đối kháng.

Một số trường hợp, lá lách to cần được phẫu thuật cắt bỏ do nó gây biến chứng nghiêm trọng. Đôi khi, xạ trị có thể thu nhỏ lá lách để có thể tránh được phẫu thuật.

lach-to-co-sao-khong-dieu-tri-co-can-phai-cat-la-lach-khong-voh-2

Phẫu thuật cắt bỏ lá lách khi lách to gây biến chứng nghiêm trọng (Nguồn: Internet)

Nếu có chỉ định phẫu thuật, bác sĩ ngoại khoa có thể cắt lách bằng kĩ thuật nội soi thay vì phẫu thuật mở. Điều này có nghĩa là việc mổ được thực hiện thông qua các vết cắt nhỏ. Phẫu thuật nội soi cho phép bác sĩ phẫu thuật quan sát qua màn hình và cắt bỏ lách.

Sau khi cắt lách, cơ thể bạn không loại bỏ được một số vi khuẩn và bạn sẽ dễ bị nhiễm khuẩn. Vì vậy, vắc-xin hoặc thuốc là cần thiết để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Bình luận