Chờ...

Nhiễm trùng máu và những điều nên biết về loại nhiễm trùng nguy hiểm này

(VOH) - Nhiễm trùng máu là loại nhiễm trùng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nếu không chữa kịp thời. Tuy nhiên, nếu hiểu rõ nguyên nhân và nhận biết sớm thì bạn tránh khỏi cơn nguy kịch.

1. Nhiễm trùng máu là gì?

Nhiễm trùng máu còn có nhiều tên gọi khác nhau như nhiễm khuẩn máu hay nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm trùng, đây là biến chứng phức tạp của tình trạng nhiễm trùng và có khả năng đe dọa tính mạng. Bệnh xảy ra do vi khuẩn hay virus, nấm giải phóng những hóa chất vào máu để chống lại các phản ứng viêm. Những phản ứng này tạo ra hàng loạt các thay đổi trong cơ thể dẫn đến tổn thương các cơ quan như gan, thận và khiến cơ thể suy yếu nhanh.

nhiem-trung-mau-va-nhung-dieu-nen-biet-ve-loai-nhiem-trung-nguy-hiem-nay-voh-1

Nhiễm trùng máu là tình trạng máu bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn, nấm hoặc virus (Nguồn: Internet)

2. Yếu tố nguy cơ và nguyên nhân nhiễm trùng máu

2.1 Nguyên nhân nhiễm trùng máu

Nguyên nhân nhiễm trùng máu là do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Trong thực tế, nhiễm trùng máu do virus rất khó xác định. Đối với vi khuẩn và nấm có rất nhiều nguyên nhân có thể gây nhiễm trùng máu như:

  • Xuất phát từ ổ nhiễm khuẩn ban đầu (áp xe, chấn thương có tổn thương phần mềm, nhiễm khuẩn các cơ quan,…).
  • Do thao tác y tế không vô trùng (tiêm, truyền dịch, nhổ răng,…).
  • Do dụng cụ y tế không tuyệt đối vô khuẩn dùng trong các thao tác phẫu thuật hoặc thủ thuật (nong niệu đạo, nong cổ tử cung, phẫu thuật điều trị các bệnh lý khác nhau,…).

Vi khuẩn gây nhiễm trùng máu rất đa dạng, bao gồm vi khuẩn gram âm, vi khuẩn gram dương và vi khuẩn kỵ khí.

  • Vi khuẩn gram âm chủ yếu là vi khuẩn đường ruột họ Enterobacteriacae như: E.coli (Escherichia coli), Salmonella, Klebsiella, Serratia và các vi khuẩn Enterobacter... Ngoài ra còn có trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa), Burkholderia pseudomallei.
  • Vi khuẩn gram dương thường gặp là tụ cầu, liên cầu, não mô cầu, phế cầu...nguy hiểm nhất là tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), đặc biệt là loại tụ cầu kháng Methicilin (MRSA: Staphylococcus aureus kháng methicillin). Loại tụ cầu vàng kháng methicilin, ở trên da, chúng thường vô hại nhưng nếu chúng xâm nhập vào cơ thể qua vết thương, sẽ gây bệnh và rất dễ xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn máu.
  • Vi khuẩn kỵ khí thường gặp là Clostridium perfringensBacteroides fragilis.

2.2 Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng máu

Trên thực tế, có một số yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến bệnh lý nhiễm trùng máu bao gồm:

nhiem-trung-mau-va-nhung-dieu-nen-biet-ve-loai-nhiem-trung-nguy-hiem-nay-voh-2

Điều trị các ổ áp xe không đúng cách có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng máu (Nguồn: Internet)

  • Người cao tuổi.
  • Trẻ sơ sinh, trẻ sinh non.
  • Người có sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc corticoid kéo dài, thuốc chống thải ghép.
  • Đang điều trị hóa chất và tia xạ.
  • Mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, nhiễm HIV/AIDS, xơ gan, bệnh van tim và tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn tính, suy thận mạn tính.
  • Người đã cắt lách.
  • Người nghiện rượu, có bệnh máu ác tính, giảm bạch cầu hạt.
  • Người có sử dụng các thiết bị hoặc dụng cụ xâm nhập cơ thể như đóng đinh nội tủy, đặt ống dẫn truyền, đặt ống nội khí quản,…

3. Cách nhận biết dấu hiệu nhiễm trùng máu

3.1 Các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng máu thường gặp là:

  • Thân nhiệt trên 38 độ C hoặc dưới 36 độ C.
  • Nhịp tim nhanh trên 90 nhịp/phút.
  • Nhịp thở nhanh trên 20 nhịp/phút.

3.2 Các trường hợp nhiễm trùng máu nặng sẽ có các biểu hiện như:

  • Lượng nước tiểu trung bình giảm mạnh.
  • Tình trạng tâm thần không ổn định như mê sảng hoặc đôi khi lơ mơ, li bì.
  • Giảm số lượng tiểu cầu.
  • Khó thở.
  • Loạn nhịp tim.
  • Đau vùng bụng.
  • Sốc nhiễm trùng.
  • Hiện tượng xuất huyết có thể bắt đầu xảy ra như xuất huyết dưới da, xuất huyết nội tạng như chảy máu đường tiêu hóa,…

nhiem-trung-mau-va-nhung-dieu-nen-biet-ve-loai-nhiem-trung-nguy-hiem-nay-voh-3

Người bị nhiễm trùng máu dễ bị rối loạn nhịp tim (Nguồn: Internet)

Để chẩn đoán nhiễm trùng máu, ngoài các triệu chứng lâm sàng, bệnh nhân cần được xét nghiệm công thức máu (hồng cầu, huyết sắc tố giảm, bạch cầu tăng cao), đặc biệt là cấy máu (xét nghiệm vi sinh) để xác định loại vi khuẩn hoặc nấm gây bệnh. Nếu có điều kiện, bệnh nhân nên tiến hành làm kháng sinh đồ để giúp bác sĩ có cơ sở chọn kháng sinh thích hợp để điều trị. Siêu âm ổ bụng, màng phổi, khớp cũng rất cần thiết.

4. Bệnh nhiễm trùng máu có nguy hiểm không ?

Hậu quả của nhiễm trùng máu là hết sức nặng nề như gây viêm nội mạc mao quản, viêm gan, lách sưng to, có thể gây nên các ổ áp xe ở phổi, tràn mủ màng phổi.

Nhiễm trùng máu cũng cũng có thể gây viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm động mạch, viêm tắc tĩnh mạch thứ phát. Biến chứng nguy hiểm từ nhiễm trùng máu nữa là gây viêm màng não, áp xe não, suy thận cấp hoặc tác động xấu đến xương khớp gây viêm tràn dịch mủ khớp, viêm tủy xương,…

Chính vì thế, việc phòng tránh nhiễm trùng máu để bảo vệ tính mạng là vô cùng cần thiết. Vậy nếu chẳng may bị nhiễm trùng máu thì điều trị bằng cách nào?

5. Phương pháp điều trị nhiễm trùng máu

Nếu nhiễm trùng máu ở giai đoạn đầu và chưa ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng thì bạn có thể sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị tại nhà. Trong trường hợp này bạn thường có thể phục hồi hoàn toàn, điều quan trọng là cần nhận biết sớm dấu hiệu bị nhiễm trùng máu.

Nếu không áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào, bệnh có thể phát triển gây sốc nhiễm trùng và thậm chí tử vong. Trong trường hợp này, bác sĩ thường sử dụng một số loại thuốc để điều trị nhiễm trùng huyết, bao gồm kháng sinh qua đường tiêm tĩnh mạch để chống nhiễm trùng, thuốc vận mạch để tăng huyết áp, insulin để ổn định đường huyết, corticosteroid để kháng viêm và giảm đau.

nhiem-trung-mau-va-nhung-dieu-nen-biet-ve-loai-nhiem-trung-nguy-hiem-nay-voh-4

Nhiễm trùng máu nặng cần truyền dịch và dùng máy thở (Nguồn: Internet)

Khi nhiễm trùng máu nặng, bạn cần được truyền dịch qua đường tĩnh mạch và dùng máy thở. Bác sĩ tiến hành lọc máu trong trường hợp bạn bị suy thận cấp bằng cách sử dụng thiết bị thay thế chức năng thận để loại bỏ chất thải nguy hại, muối và nước dư thừa từ máu.

Trong một số trường hợp, bạn cần phải phẫu thuật để loại bỏ nguồn gốc của nhiễm trùng máu như phẫu thuật hút mủ từ áp xe hay loại bỏ mô nhiễm trùng.

6. Phòng tránh nhiễm trùng máu bằng cách nào?

Nhiễm trùng máu là tình trạng nhiễm trùng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng, vì thế chúng ta nên phòng tránh loại nhiễm trùng này bằng cách:

  • Tích cực điều trị dứt điểm các ổ nhiễm khuẩn ban đầu (áp xe, mụn, nhọt, các chấn thương, vết thương nhiễm trùng,…).
  • Phải vô trùng tuyệt đối các dụng cụ y tế. Cán bộ y tế (bao gồm cả bác sĩ, phẫu thuật viên, điều dưỡng…) trước khi thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật phải tuân thủ vô trùng tuyệt đối từ khâu rửa sạch tay, sát khuẩn, đến quần, áo, mũ, khẩu trang…
  • Trong bệnh viện phải nghiêm túc thực hiện vô khuẩn tuyệt đối để không xảy ra nhiễm trùng bệnh viện.