Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em là bệnh gì?

(VOH) – Xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là ở lứa tuổi từ 2 – 9 tuổi. Vì thế, việc nắm được nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị sẽ rất cần thiết cho các bậc phụ huynh.

Tiểu cầu là thành phần của máu giúp tạo thành cục máu đông để làm ngưng chảy máu (khi mạch máu bị tổn thương), nếu thiếu tiểu cầu sẽ gây ra tình trạng không hình thành cục máu đông được. Đây là một vấn đề khá nghiêm trọng, bởi khi lượng tiểu cầu trong cơ thể còn quá ít, người bệnh sẽ tự nhiên xuất huyết ồ ạt không cầm được và dẫn đến nguy hiểm cho tính mạng.

1. Xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh gì?

Xuất huyết giảm tiểu cầu là tên gọi tắt của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, là một loại bệnh lý miễn dịch.

Bình thường, khi cơ thể bị vật lạ xâm nhập, ví dụ như vi trùng, virus, ký sinh trùng... tế bào bạch cầu sẽ tạo ra một chất gọi là kháng thể để chống lại các vật lạ này. Khi mắc bệnh tự miễn, cơ thể nhận diện lầm một cơ quan, bộ phận nào đó trong cơ thể là “vật lạ” và tự sinh ra kháng thể để chống lại cơ quan, bộ phận đó.

Tương tự, trong trường hợp bị xuất huyết giảm tiểu cầu, cơ thể người bệnh tự sinh ra kháng thể để chống lại tiểu cầu. Các kháng thể này gắn vào tiểu cầu và làm tiểu cầu bị phá hủy ở lách, hậu quả là giảm số lượng tiểu cầu trong máu, khiến cơ thể dễ bị chảy máu dù chỉ với một tác động nhẹ.

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là ở trẻ em. Với những biểu hiện bên ngoài là tình trạng xuất huyết dưới da (dạng chấm, dạng mảng bầm, có thể rải rác hay lan rộng toàn thân), xuất huyết niêm mạc (chảy máu mũi, chảy máu chân răng). Trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng (đi tiêu ra máu) hoặc xuất huyết não (tỷ lệ chỉ chiếm 1% nhưng rất nguy hiểm).

2. Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em do nguyên nhân nào gây ra?

Xuất huyết giảm tiểu cầu là bệnh không di truyền. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng tập trung nằm ở hai nhóm nguyên nhân lớn là: tăng phá hủy tiểu cầu ở ngoại vi và giảm tiểu cầu ở tủy xương.

2.1 Tăng phá hủy tiểu cầu ở ngoại vi

Là tình trạng tiểu cầu ở ngoại vị bị phá hủy trong khi đó ở tủy xương đang có vấn đề nên không thể sản sinh thêm tiểu cầu.

Thường do các bệnh khác nhau gây ra như: đông máu trong lòng mạch cấp tính và mãn tính gây tiêu thụ lớn tiểu cầu, các u máu lớn ở các vị trí khác nhau của cơ thể, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm virus nặng gây giảm tiểu cầu hoặc các bệnh có kháng thể kháng lại tế bào máu như tan máu tự miễn kèm theo giảm tiểu cầu.

xuat-huyet-giam-tieu-cau-o-tre-em-la-benh-gi-voh

Xuất huyết giảm tiểu cầu thường do nhiều nguyên nhân gây ra (Nguồn: Internet)

2.2 Giảm tiểu cầu ở tủy xương

Gồm một số bệnh lý ở tủy xương gây giảm các mẫu tiểu cầu như bệnh suy tủy toàn bộ, suy một dòng mẫu tiểu cầu hay các bệnh ác tính ở tủy xương như: ung thư di căn tủy, lơ-xê-mi cấp…

Đôi khi, tình trạng xuất huyết giảm tiểu cầu còn do bị các loại bệnh nhiễm trùng nặng như: nhiễm trùng huyết, thương hàn, nhiễm ký sinh trùng (sốt rét...), nhiễm siêu vi trùng (cúm, sởi, quai bị, viêm gan siêu vi...).  Hoặc các trường hợp giảm tiểu cầu do thuốc như: thuốc cảm cúm, thuốc an thần, hạ nhiệt... và các loại chất độc.

Ngoài ra, trường hợp giảm tiểu cầu không xác định được nguyên nhân còn gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.

3. Nhận diện triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu

Bình thường, trong 1µl máu chứa 140.000 đến 440.000 tế bào tiểu cầu. Nếu số tiểu cầu thấp hơn 50.000 tế bào/µl, triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu sẽ xuất hiện. Trẻ bị xuất huyết giảm tiểu cầu thường có những triệu chứng sau đây:

3.1 Giai đoạn nhẹ

Xuất huyết dưới da dưới dạng chấm đỏ li ti, dạng nốt như muỗi đốt hoặc thành đám, mảng lớn, khu trú ở một vài nơi hoặc rải rác khắp cơ thể, thường không có tính chất đối xứng ở hai chi.

Các nốt hoặc mảng tụ máu có thể tự nhiên xuất hiện hoặc do va đập nhẹ, thường là ở chân tay, mặt. Những vết cào xước nhẹ ở cổ, thân mình, chân tay cũng gây ra những dải xuất huyết. Trong một số trường hợp, còn xuất huyết niêm mạc như chảy máu nướu răng, chảy máu cam, giác mạc.

3.2 Giai đoạn nặng

Có thể xuất huyết ở bất kỳ nơi nào như chảy máu đường tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục...

4. Xuất huyết giảm tiểu cầu có nguy hiểm không?

Đối với trẻ em tình trạng xuất huyết nhiễm tiểu cầu thường do nhiễm siêu vi là chủ yếu và bệnh thường tự giới hạn trong khoảng 1 – 2 tuần, nhiều trường hợp không cần điều trị đặc hiệu.

Tuy nhiên có một số trường hợp nếu không được nhập viện điều trị, số lượng tiểu cầu trong máu giảm nặng, sẽ có nguy cơ xuất huyết ồ ạt, nguy hiểm nhất là xuất huyết não, có thể gây tử vong hoặc đưa đến những di chứng suốt đời.

Do đó, đứng trước các biểu hiện xuất huyết giảm tiểu cầu được miêu tả như trên, các bậc cha mẹ cần sớm đưa trẻ tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

5. Hướng điều trị đối với bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu

Chẩn đoán tình trạng giảm tiểu cầu chính xác nhất là bằng xét nghiệm đếm số lượng tiểu cầu trong máu ngoại vi hoặc làm tủy đồ qua kim sinh thiết.

Ở trẻ em, bệnh khởi phát đột ngột sau khi nhiễm siêu vi vài tuần trước, thường là tình trạng nhẹ và tự giới hạn. Trên 70% các trường hợp bệnh tự hồi phục cho dù có hoặc không điều trị. Chỉ khoảng 20% trở thành mãn tính, số lượng tiểu cầu thấp kéo dài hoặc tái diễn, mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp điều trị.

xuat-huyet-giam-tieu-cau-o-tre-em-la-benh-gi-1-voh

Trẻ em bị xuất huyết nhiễm tiểu cầu thường do nhiễm siêu vi và bệnh thường tự giới hạn khỏi bệnh (Nguồn: Internet)

Vì vậy, việc cần thiết là đưa trẻ đến các chuyên khoa huyết học để khám và theo dõi, tránh tiêm các thuốc hoặc làm các thủ thuật gây chảy máu hoặc tụ máu thêm cho trẻ.

Nguyên tắc của điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu là dựa vào cơ chế miễn dịch của bệnh. Corticosteroid là lựa chọn điều trị hàng đầu đối với bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu.

Đối với các trường hợp mãn tính thì việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Những bệnh nhi này cần được theo dõi tốt, tránh các biến chứng do xuất huyết. Mặt khác, cần hạn chế sử dụng corticosteroid liều cao, kéo dài làm ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. 

Gần đây, nhiều bệnh viện đã áp dụng các chất kháng lymphoB điều trị các thể điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu mãn tính, nhất là ở trẻ lớn. Trong các trường hợp có tiểu cầu giảm nặng, nguy cơ xuất huyết nội tạng hoặc não cao thì cần truyền tiểu cầu.

Ở trẻ gái đến tuổi có kinh nguyệt thường có biểu hiện rong kinh, đôi khi gây thiếu máu nặng. Điều trị các trường hợp này cần sự phối hợp giữa huyết học với sản khoa và nội tiết để điều trị.

5.1 Một số lưu ý cho người bị xuất huyết giảm tiểu cầu

Trể em được chẩn đoán bị xuất huyết giảm tiểu cầu cần phải ghi nhớ một số điều sau đây:

  • Hạn chế vận động mạnh, hạn chế chơi những môn thể thao có tính đối kháng và va chạm nhiều.
  • Khi bị một bệnh lý khác như huyết khối tĩnh mạch, nhồi máu cơ tim... người bệnh cần sử dụng thuốc kháng đông thì phải khai báo rõ tình trạng xuất huyết giảm tiểu cầu và thuốc đang sử dụng.
  • Trong những trường hợp trẻ cần làm thủ tục xâm lấn, phẫu thuật hoặc cần nhổ răng cũng cần phải khai rõ tiền sử bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu với bác sĩ.
  • Những trẻ bị xuất huyết giảm tiểu cầu cần tránh tiêm bắp, cắt lể, sử dụng các thuốc làm giảm chức năng tiểu cầu như Aspirin, thuốc kháng viêm không steroid.

Với những thông tin về bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vừa chia sẻ, hi vọng sẽ giúp các bậc phụ huynh nắm được cơ bản những kiến thức cần thiết trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bé yêu của mình.