Tình trạng xuất huyết tiêu hóa là gì?
Xuất huyết tiêu hóa là hiện tượng máu chảy ra khỏi mạch máu vào ống tiêu hóa. Bệnh thường biểu hiện bằng 2 hình thức chủ yếu là nôn ra máu và đi cầu ra máu.
Xuất huyết tiêu hóa gặp ở cả nam lẫn nữ (nam chiếm 60% và nữ chiếm 40%) trong độ tuổi từ 20 – 50 tuổi. Tình trạng thường xảy ra sau khi người bệnh bị cảm cúm, hoặc dùng một số thuốc có chứa corticoid, thuốc aspirin, sau các sang chấn tâm lý mạnh...
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xuất huyết tiêu hóa và tình trạng này được chia thành 2 dạng đó là:
-
Nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa trên
- Nguyên nhân ở bộ máy tiêu hóa: viêm trào ngược dịch vị, hóa chất.
- Nguyên nhân ở thực quản: U thực quản, polyp thực quản, giãn tĩnh mạch thực quản, bị hóc dị vật (hóc xương, hạt...)
- Nguyên nhân ở dạ dày: Loét dạ dày – tá tràng, ung thư dạ dày, viêm dạ dày, thoát vị hoành, dị dạng mạch máu ở dạ dày.
- Nguyên nhân từ những bất thường ở tĩnh mạch như: tắc tĩnh mạch, tăng áp lực tĩnh mạch.
- Nguyên nhân ở mật: Tình trạng chảy máu đường mật gây xuất huyết tiêu hóa bắt nguồn từ bệnh ung thư gan, sỏi mật hoặc nhiễm giun lên ống mật, áp-xe đường mật, dị dạng động mạch gan.
- Những nguyên nhân khác nằm ngoài đường tiêu hóa trên bao gồm: một số bệnh về máu (bệnh bạch cầu cấp, bạch cầu mạn), bệnh suy tủy xương, bệnh máu chậm đông, suy gan... Hoặc do dùng một số loại thuốc có ảnh hưởng đến dạ dày.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất huyết tiêu hóa (Nguồn: Internet)
-
Nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa dưới
- Những nguyên nhân ở hệ tiêu hóa có thể là do có khối u ruột non, polyp, lồng ruột, viêm túi thừa Meckel.
- Nguyên nhân ở đại tràng: Có khối u đại tràng nhất là ở hồi – manh tràng, viêm loét hồi – manh tràng do thương hàn, viêm loét trực tràng chảy máu, lao đại tràng, bệnh Crohn trực tràng, dị dạng mạch máu, loét không rõ nguyên nhân....
- Nguyên nhân ở hậu môn – trực tràng: Phần lớn là do bệnh trĩ, sa niêm mạc hậu môn, táo bón, kiết lỵ, viêm hậu môn, nứt hậu môn, viêm ruột thừa...
Ngoài ra, chảy máu đường tiêu hóa còn có thể xuất hiện có các nguyên nhân khác hiếm gặp hơn, chẳng hạn như: tụy lạc chỗ, niêm mạc tử cung lạc chỗ, niêm mạc ống tiêu hóa phù nề chảy máu, dị ứng,... và đặc biệt là có thể do hội chứng Schonlein (bệnh rất dễ nhầm lẫn với viêm ruột hoại tử).
Tình trạng xuất huyết tiêu hóa nhận biết thế nào?
Tùy theo nguyên nhân mà tình trạng xuất huyết tiêu hóa có những biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, trên lâm sàng có thể nhận biết thông qua những dấu hiệu sau đây:
Nôn ra máu
Đây là triệu chứng thường gặp nhất ở người bị xuất huyết tiêu hóa. Tùy theo mức độ chảy máu mà tính chất nôn khác nhau:
- Số lượng có thể là vài chục ml máu hoặc nhiều hơn.
- Màu sắc thường là màu đỏ tươi, màu hồng do lẫn dịch tiêu hóa hoặc màu nâu sẫm.
- Tính chất máu nôn ra có thể máu tươi ra ngoài liền đông lại, có thể thành cục (bằng hạt ngô, hạt lạc), có thể chỉ là các gợn đen có lẫn với thức ăn hoặc dịch nhầy.
Đi ngoài ra máu, phân đen
Tình trạng xuất huyết tiêu hóa có thể gây đi ngoài ra máu và phân có màu đen do lẫn máu. Đại tiện ra máu có thể do tĩnh mạch trong ống tiêu hóa bị áp lực quá mức gây giãn, vỡ và chảy máu.
Mất máu
Xuất huyết tiêu hóa nặng sẽ dẫn đến mất máu với các triệu chứng thường gặp là hoa mắt, chóng mặt, người yếu ớt, xanh xao. Nhiều trường hợp còn bị ngất xỉu, tụt huyết áp, khó thở... cực kỳ nguy hiểm.
Nếu mất trên 20% thể tích máu, cơ thể người bệnh sẽ tím tái, da lạnh huyết áp giảm xuống 100 - 90 - 80mmHg, thậm chí không đo được huyết áp.
Lưu ý, khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ là xuất huyết tiêu hóa, hay khi chưa có bằng chứng nhưng nếu thấy: đau vùng thượng vị, đau bụng khi dùng thuốc có hại cho dạ dày, da xanh xao, hoa mắt, chóng mặt... thì nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xuất huyết đường tiêu hóa có nguy hiểm không?
Tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa có thể được gây ra từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Mỗi nguyên nhân đều có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Xuất huyết tiêu hóa nếu không được chẩn đoán về điều trị có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng người bệnh (Nguồn: Internet)
Một số biến chứng có thể gặp là:
- Tình trạng sốc do giảm thể tích máu đột ngột.
- Thiếu máu.
- Tử vong.
Chẩn đoán và điều trị xuất huyết đường tiêu hóa
Mặc dù, tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, nhờ có sự trợ giúp của các phương pháp y khoa hiện đại, việc chẩn đoán nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa đã trở nên nhanh và chính xác hơn rất nhiều.
Tại đây, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất, tiền sử bệnh lý và có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm phân.
- Nội soi đại tràng, viên nang...
- Nội soi hỗ trợ bóng.
- Chụp động mạch.
- Xét nghiệm hình ảnh.
- Sinh hóa gan – mật.
Việc điều trị xuất huyết tiêu hóa dù là do nguyên nhân nào thì mục tiêu chung vẫn là giúp bệnh nhân cầm máu, chống sốc, khôi phục lưu lượng tuần hoàn, điều trị nguyên nhân và triệu chứng.
Nhìn chung, tình trạng xuất huyết tiêu hóa là một cấp cứu nội khoa và ngoại khoa nguy hiểm, nếu chậm trễ và xử lý không đúng cách có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, để phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa người bệnh người nên:
- Tuyệt đối tránh xa thuốc lá và rượu bia.
- Tránh ăn các loại thức ăn gây kích ứng vết loét như: thức ăn nhiều gia vị cay, chua, nhiều dầu mỡ, thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
- Nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, tăng cường chất xơ và rau quả.
- Cần tái khám định kỳ theo quy định của bác sĩ để việc điều trị đạt hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
- Trang vinmec.com
- Trang suckhoedoisong.vn
- Trang dieutri.vn