Các yếu tố nguy cơ tim mạch gồm những yếu tố không thể thay đổi được như tuổi tác, giới tính, di truyền và các yếu tố có thể thay đổi được như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì... Dưới đây là các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch.
Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được
Tuổi tác
Tuổi già là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Càng lớn tuổi, hoạt động của tim càng kém hiệu quà.
Thành tim dày lên, các động mạch cứng lại khiến cho quá trình bơm máu cũng trở nên khó khăn, đó là lý do vì sao nguy cơ mắc bệnh tim mạch gia tăng theo tuổi.
Giới tính
Nhìn chung, nam giới có nguy cơ bị đau tim nhiều hơn phụ nữ. Tuy nhiên ở phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh, nguy cơ sẽ tăng cao hơn và sau tuổi 65, nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở nam giới và phụ nữ là như nhau.
Di truyền
Nếu trong gia đình có tiền sử bệnh tim mạch, ví dụ như cha mẹ hoặc anh chị em của bạn đã từng gặp phải các vấn đề về tim mạch trước tuổi 55, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhiều hơn bình thường.
Ngoài ra những yếu tố rủi ro dẫn đến nguy cơ tim mạch như cao huyết áp, tiểu đường và béo phì cũng có thể mang tính di truyền.
Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được
Huyết áp cao
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, huyết áp cao là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim. Đây là tình trạng bệnh lý xảy ra khi áp lực của máu trong động mạch và các mạch máu khác quá cao.
Huyết áp cao nếu không được kiểm soát có thể ảnh hưởng đến tim và các cơ quan chính khác của cơ thể, bao gồm cả thận và não.
Huyết áp cao thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì nó thường không có triệu chứng. Cách duy nhất để biết bạn có bị huyết áp cao hay không là đo huyết áp.
Bạn có thể hạ huyết áp bằng cách thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc để giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đau tim.
Đái tháo đường
Insulin là loại hormone được tạo ra trong tuyến tụy giúp di chuyển glucose từ thực phẩm tiêu thụ đến các tế bào của cơ thể để lấy năng lượng.
Nếu mắc bệnh tiểu đường, cơ thể không sản xuất đủ insulin, không thể sử dụng insulin của chính nó tốt như bình thường hoặc cả hai.
Bệnh tiểu đường khiến đường tích tụ trong máu. Nguy cơ tử vong do bệnh tim ở người lớn mắc bệnh tiểu đường cao hơn so với người lớn không mắc bệnh tiểu đường.
Cholesterol trong máu cao
Một trong những yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim là cholesterol trong máu cao. Cholesterol, một chất giống như chất béo có trong máu của bạn, được tìm thấy trong tất cả các tế bào của cơ thể bạn.
Gan của bạn sản xuất tất cả cholesterol mà cơ thể bạn cần để hình thành màng tế bào và tạo ra một số kích thích tố.
Béo phì và thừa cân
Việc thừa cân sẽ góp phần gia tăng tổng mức cholesterol trong máu, đồng thời mang đến nguy cơ huyết áp cao và bệnh mạch vành.
Nếu ở cấp độ béo phì, lượng cholesterol sẽ tăng vọt, huyết áp đặc biệt cao và kéo theo bệnh tiểu đường.
Trong nhiều trường hợp, chứng béo phì chịu trách nhiệm cho hầu hết các bệnh tật liên đới, trong đó đa phần là bệnh tim mạch.
Có thể nói béo phì là một yếu tố nguy cơ mang đến nhiều yếu tố nguy cơ khác có thể gây ra bệnh tim mạch.
Cholesterol dư thừa đi vào cơ thể bạn khi bạn ăn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật (thịt, trứng và các sản phẩm từ sữa) hoặc có nhiều chất béo bão hòa.
Quá nhiều lipoprotein mật độ thấp (LDL hoặc “cholesterol xấu”) trong máu khiến mảng bám hình thành trên thành động mạch, bắt đầu một quá trình bệnh gọi là xơ vữa động mạch.
Khi mảng bám tích tụ trong động mạch vành cung cấp máu cho tim, bạn sẽ có nguy cơ bị đau tim cao hơn.
Ít hoặc không hoạt động thể chất
Ít vận động là yếu tố nguy cơ lớn đối với bệnh tim mạch. Người ít hoặc không vận động thể chất thường xuyên có thể bị tăng cân, béo phì, giảm khả năng điều hòa huyết áp và đường huyết của cơ thể.
Ngoài ra, tình trạng này còn làm giảm sức co bóp của cơ tim và làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Uống quá nhiều rượu
Tiêu thụ rượu quá mức có thể gây ra nhiều tác hại cho tim mạch bao gồm: tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim và làm suy tim.
Rượu cũng làm tăng lượng calo nạp vào, có thể dẫn đến tăng cân và béo phì, là những yếu tố nguy cơ tim mạch khác.
Ngoài ra, uống nhiều rượu có thể làm tăng triglyceride trong máu, góp phần gây ra bệnh động mạch vành.
Có thể thấy phần lớn nguyên nhân dẫn tới bệnh lý tim mạch thuộc về nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được.
Do đó, để duy trì một trái tim mạnh khỏe của mình bạn hãy thực hiện chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh đồng thời kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên để phát hiện sớm các bệnh lý nếu có.