Chờ...

Cách đảm bảo an toàn khi di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng trong mùa dịch COVID-19

(VOH) - Khi dịch COVID-19 vẫn diễn biễn phức tạp, người dân cần tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo, đặc biệt là khi di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng.

Dưới đây là một số điều người dân cần chú ý để đảm bảo an toàn sức khỏe và phòng tránh lây nhiễm COVID-19 khi di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng và các phương tiện di chuyển như máy bay, xe khách, tàu hỏa.

Trước khi di chuyển

Hiện nay, hoạt động vận chuyển hành khách tiếp tục bị hạn chế, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. 

Đối với hàng không, đường bay Hà Nội - TPHCM và ngược lại, tổng tần suất có 20 chuyến bay khứ hồi/ngày. Các đường bay Hà Nội, TPHCM đi Đà Nẵng và ngược lại với tần suất khai thác 6 chuyến khứ hồi/ngày/đường bay. Đối với các đường bay từ TPHCM, Hà Nội đi các địa phương khác, mỗi hãng sẽ được khai thác 1 chuyến bay khứ hồi/ngày/đường bay…

Đối với vận tải liên tỉnh, xe cố định chỉ hoạt động tối đa đến 30% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ, và tối đa đến 50% theo biểu đồ đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp (tối thiểu không nhỏ hơn 1 chuyến/tuyến).

Đối với xe hợp đồng, xe du lịch, hoạt động tối đa đến 30% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ, và tối đa đến 50% theo tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp (tối thiểu không nhỏ hơn 1 xe/đơn vị kinh doanh vận tải).

Đối với lĩnh vực đường sắt, tuyến Hà Nội đi TPHCM chỉ khai thác tối đa 3 đôi tàu khách/ngày (3 chuyến Hà Nội đi TPHCM và 3 chuyến ngược lại). Các tuyến đường sắt còn lại duy trì mỗi tuyến 1 đôi tàu khách/ngày (1 chuyến đi và 1 chuyến ngược lại)…

Do tần suất vận chuyển hành khách giảm, số chuyến xe cũng giảm nhiều so với trước đây nên nếu có việc quan trọng cần di chuyển xa từ tỉnh này sang tỉnh khác, hay di chuyển bằng phương tiện công cộng để đi làm, đi học - người dân cần có kế hoạch cụ thể để mua vé hoặc đặt vé trước, đến bến đúng giờ để tránh việc tụ tập đông người, chờ đợi xe.

đeo khẩu trang

Hãy đeo khẩu trang cả khi chờ xe lẫn trong suốt hành trình di chuyển (Ảnh: HL)

Trong quá trình di chuyển

Để đảm bảo an toàn sức khỏe, người dân khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng cần thực hiện theo các quy định an toàn của đơn vị vận tải như đeo khẩu trang trong suốt hành trình di chuyển, thường xuyên diệt khuẩn tay…

Ngoài ra, người dân cần chú ý:

  • Luôn mang theo dung dịch rửa tay chứa cồn (>60%) để sử dụng khi đang di chuyển.
  • Hạn chế, bám hay chạm vào vị trí tay vịn hay các vị trí có nhiều người động chạm vào bởi đây là nơi nhiều vi khuẩn trú ngụ do nhiều người sử dụng mỗi ngày.
  • Trong khi di chuyển, tránh hoặc hạn chế tối đa việc chạm vào mắt, mũi và miệng.
  • Che miệng bằng khăn giấy khi ho và hắt hơi. Nếu có thể hãy dùng cánh tay để che miệng, mũi nhằm hạn chế vi khuẩn, virus văng đi quá xa.
  • Tránh nói chuyện và tránh bắt tay khi tham gia phương tiện giao thông công cộng. Đặc biệt cố gắng tránh tiếp xúc gần với những người không khỏe (ho, hắt hơi, hỉ mũi...)…
  • Nên rửa tay/sát khuẩn tay càng sớm càng tốt sau khi rời xe buýt, xe khách, tàu hỏa hoặc máy bay.
  • Người dân cũng cần lưu ý về việc giữ khoảng cách với người xung quanh khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Chẳng hạn, hiện các tuyến xe buýt tại TPHCM đều có quy định cụ thể về việc sắp xếp vị trí ngồi cho hành khách. Theo đó, hành khách sẽ được bố trí ngồi giãn cách 1 ghế (mỗi chuyến không được chở quá 50% sức chở phương tiện) hoặc đảm bảo cách nhau tối thiểu 1 mét. Riêng nhóm hành khách sống chung cùng một gia đình có thể không phải thực hiện giãn cách. Khi đi xe buýt mà tài xế không sắp xếp vị trí ngồi giãn cách cho hành khách, hành khách có thể yêu cầu sắp xếp chỗ để đảm bảo an toàn cho mình.

Hãy ở nhà khi cảm thấy không khỏe

Một số nghiên cứu cho thấy, SARS-CoV-2 có thể không gây triệu chứng hoặc gây ra các triệu chứng nhẹ có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Do đó, nếu bạn cảm thấy không khỏe hãy ở nhà. Khi tham gia giao thông công cộng trong tình trạng này bạn có thể lây nhiễm bệnh cho người khác hoặc ngược lại, bạn dễ lây nhiễm bệnh từ người khác hơn so với những người khỏe mạnh.

Ngoài ra, đối với những người từ 60 tuổi trở lên và đặc biệt là những người từ 80 tuổi trở lên hay những người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn (tiểu đường, bệnh tim và bệnh phổi) nên hạn chế di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng - bởi đây là môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao virus, vi khuẩn.

Cập nhật dịch COVID-19 ngày 27/4: TPHCM điều trị cho 3 ca bệnh, trong đó 2 ca dương tính trở lại - Theo Trung tâm báo chí TPHCM, vào 17 giờ chiều nay (27/4), Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TPHCM đã tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa ...

Cả nước có 112 phòng xét nghiệm có năng lực phát hiện virus SARS-CoV-2 - Sáng 27/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo.