Cách sơ cứu và chữa trị các loại bỏng da từ nhẹ đến nặng

(VOH) - Bỏng da là một tai nạn rất thường gặp, ngoài gây đau rát, nếu không xử lý đúng cách, vết bỏng có thể bị nhiễm trùng và nguy hại cho sức khỏe. Vậy khi bị bỏng nên làm gì để an toàn nhất?

Bỏng hay phỏng là một loại chấn thương đối với da hoặc các mô khác do nhiệt, điện, hóa chất, ma sát hay bức xạ. Bạn có thể bị bỏng nóng hoặc bỏng lạnh, nhưng phổ biến nhất là bị bỏng nóng (bỏng do nhiệt nóng từ chất lỏng, chất rắn hoặc cháy).

Các cấp độ của bỏng

Dựa vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương mô, người ta chia bỏng thành những cấp độ sau:

cach-so-cuu-va-chua-tri-cac-loai-bong-da-tu-nhe-den-nang-voh

Bỏng có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng (Nguồn: Internet)

  • Bỏng cấp độ 1

Cấp độ này chỉ ảnh hưởng đến lớp da ngoài cùng, lớp biểu bì da, gây đau và đỏ. Trường hợp bị cháy nắng thường là bị bỏng cấp độ 1.

  • Bỏng cấp độ 2

Cấp độ này ảnh hưởng đến lớp thứ 2 của da (lớp hạ bì), gây đau, đỏ và rỉ dịch mụn nước.

  • Bỏng cấp độ 3

Tổn thương tất cả các lớp da và có thể lan rộng đến xương, cơ và dây chằng bên dưới. Các vị trí tổn thương có thể trông nhợt nhạt hoặc cháy đen. Vì bỏng lan rộng đến các dây thần kinh nên nạn nhân thường không thấy đau. Những vết bỏng độ 3 cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

  • Bỏng cấp độ 4

Đây là mức độ nghiêm trọng nhất vì bỏng ảnh hưởng từ da đến cơ, xương và có thể cả dây thần kinh. Trường hợp này cũng cần phải được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Những nguyên nhân gây bỏng thường gặp

Một số nguyên nhân có thể gây bỏng gồm:

  • Bỏng nhiệt: Do lửa, hơi nước nóng (bỏng hơi nước), các vật nóng (ví dụ bỏng bô xe) hoặc các chất lỏng nóng (ví dụ như bị bỏng dầu sôi, bỏng nước sôi) gây ra.
  • Bỏng lạnh: Do tiếp xúc với những điều kiện ướt, gió hoặc lạnh.
  • Bỏng điện: Do tiếp xúc với nguồn điện hoặc bị sét đánh.
  • Bỏng hóa chất: Do tiếp xúc với các hóa chất ở nhà hoặc hóa chất công nghiệp. Hóa chất này có thể dạng lỏng, rắn hoặc khí (ví dụ như bỏng cồn, bỏng axit, bị bỏng keo 502,…). Thực phẩm tự nhiên như ớt, chứa chất gây kích ứng cho da cũng có thể gây ra cảm giác bỏng rát (trường hợp này gọi là bị bỏng ớt).
  • Bỏng bức xạ: Gây ra bởi ánh nắng mặt trời, máy nhuộm da, tia cực tím, tia X hoặc xạ trị trong điều trị ung thư.
  • Bỏng ma sát: Do tiếp xúc với bất kỳ bề mặt cứng nào như đường, thảm hoặc các sàn, phòng tập thể dục.

Cách sơ cứu khi bị bỏng

Dù bỏng nặng hay nhẹ thì bạn cũng cần trị bỏng, nhưng trước tiên bạn cần biết cách sơ cứu vết thương trước khi điều trị. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), khi bị bỏng, bạn cần nắm rõ những bước sơ cứu theo gợi ý sau:

cach-so-cuu-va-chua-tri-cac-loai-bong-da-tu-nhe-den-nang-voh

Nước lạnh là cách sơ cứu bỏng tại chỗ nhanh và an toàn nhất (Nguồn: Internet)

Bỏng cấp độ 1

  • Ngâm vết bỏng vào nước lạnh ít nhất 5 phút, sau đó thoa lên vết bỏng một lớp kem dưỡng da có tác dụng bảo vệ, làm lành da như lô hội, thuốc mỡ kháng sinh, vaseline,…
  • Sử dụng băng gạc nhẹ nhàng quấn lỏng quanh vết bỏng.

Bỏng cấp độ 2

  • Ngâm vết bỏng vào nước ít nhất 15 phút. Có thể đắp vải ướt nhúng nước lạnh lên vết bỏng nhỏ 2 – 3 phút mỗi ngày, sau đó thoa thuốc mỡ kháng sinh.
  • Sử dụng băng gạc khô băng vết bỏng, thay băng mỗi ngày một lần. Lưu ý, rửa sạch tay trước khi rửa vết bỏng.
  • Kiểm tra vết bỏng xem có xuất hiện những dấu hiệu như sưng đau, đỏ hay không. Lưu ý, không lột da từ vết bỏng để tránh nhiễm trùng.
  • Sử dụng kem chống nắng trước khi ra ngoài vì vết bỏng rất nhạy cảm với ánh nắng trong vòng 1 năm.

Bỏng cấp độ 3 và 4

  • Loại bỏ vải vóc, trang phục,…dính ở khu vực vết bỏng, không nhúng vết bỏng vào nước hay bất cứ loại thuốc nào bôi lên vết bỏng.
  • Thông thường, các trường hợp bị bỏng nặng sẽ không tự sơ cứu vết thương mà cần sự giúp đỡ của những người xung quanh. Khi đó, người hỗ trợ hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được chăm sóc y tế đúng cách.

Lưu ý: Các trường hợp bị bỏng điện, bỏng hóa chất thì buộc phải đưa vào bệnh viện nhanh chóng vì để lâu có thể gây tổn thương nghiêm trọng tới các bộ phận trong cơ thể.

Cách chữa bỏng từ nhẹ đến nặng

Trường hợp bỏng nhẹ:

Thông thường, khi bị bỏng cấp độ 1 và 2 thì bạn có thể sơ cứu và tự điều trị tại nhà. Bôi thuốc là cách để bạn điều trị vết bỏng nhanh chóng. Vậy bị bỏng bôi gì?

cach-so-cuu-va-chua-tri-cac-loai-bong-da-tu-nhe-den-nang-voh

Bôi thuốc chữa bỏng (Nguồn: Internet)

Trường hợp bị bỏng nhẹ, sau khi sơ cứu bằng nước lạnh, nếu thấy nốt phồng bị vỡ thì thấm khô chất dịch, sau đó bôi một lớp betadine. Tiếp tục, dùng gạc vô khuẩn bôi một lớp vaseline pure rồi đặt lên vết thương và băng lại. Thay băng mỗi ngày. Chú ý, hãy quan sát sự tiến triển của vết thương mỗi ngày để kịp thời xử lý khi có nhiễm trùng.

Trường hợp bỏng nặng:

Đối với bỏng nặng, thuốc và các sản phẩm khác có thể hỗ trợ trong việc điều trị bỏng, bao gồm:

  • Liệu pháp nước: Gồm các kỹ thuật như liệu pháp sương siêu âm kích thích và làm sạch các mô tổn thương.
  • Truyền dịch: Chẳng hạn như truyền tĩnh mạch (IV) các chế phẩm dịch để tránh mất nước và suy cơ quan.
  • Thuốc giảm đau và lo lắng: Như morphine và thuốc chống lo âu vì việc điều trị bỏng có thể gây đau đớn.
  • Kem và thuốc mỡ: Các sản phẩm bôi này giúp giữ vết thương ẩm, giảm đau, ngăn ngừa nhiễm trùng và làm vết thương mau lành.
  • Gạc: Giúp tạo ra môi trường ẩm ướt, chống lại nhiễm trùng và giúp vết bỏng mau lành.
  • Các thuốc chống nhiễm trùng như kháng sinh tiêm tĩnh mạch.
  • Vắc xin uốn ván: Bạn nên chích ngừa uốn ván sau khi bị bỏng nặng.
  • Vật lý trị liệu và lao động trị liệu: Nếu các khu vực bị bỏng lớn, đặc biệt là vết bỏng đi qua khớp, các bài tập vật lý trị liệu sẽ giúp căng da và làm các khớp linh hoạt. Các bài tập khác có thể cải thiện sức mạnh và sự dẻo dai của cơ bắp. Nếu bạn gặp khó khăn với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, bác sĩ sẽ đề nghị lao động trị liệu.

Một số lưu ý khi sơ cứu và chữa trị bỏng

  • Khi bị bỏng nhiệt, nước lạnh là cách cấp cứu tại chỗ hiệu quả nhất vì nước lạnh sẽ thu ngay số nhiệt hiện hữu trong tổn thương, ngăn không cho nó lan rộng. Nước lạnh còn giúp nạn nhân dễ chịu, giảm đau rát. Tuy nhiên, tuyệt đối không dùng nước đá vì tình trạng lạnh đột ngột có thể khiến nạn nhân bị co mạch, có thể gây bỏng lạnh.
  • Tuyệt đối không dùng kem đánh răng, nước mắm,…để bôi lên chỗ bị bỏng theo cách dân gian. Các cách này không chỉ khiến vết bỏng lâu lành mà còn có nguy cơ nhiễm khuẩn.
  • Khi vết bỏng có dấu hiệu nhiễm trùng cần phải đến bệnh viện thăm khám để được chăm sóc y tế đúng cách.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trang suckhoedoisong.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế
  2. Trang Wikipedia - Bách khoa toàn thư mở
  3. Trang hellobacsi.com
  4. Trang soha.vn