Cẩn thận với bệnh u nguyên bào men răng 

(VOH) - Khoa Răng hàm mặt - Bệnh viện quận Thủ Đức đã tiếp nhận và phẫu thuật kịp thời bệnh nhi 11 tuổi có khối u nguyên bào men răng dạng nang hiếm gặp.

Ngày 15/10/2017, bệnh nhân N.Q.C (11 tuổi, trú tại quận Thủ Đức) được phát hiện và chẩn đoán có khối u nguyên bào men răng dạng nang khi khám tại phòng khám Răng hàm mặt – Bệnh viện quận Thủ Đức do vùng dưới mặt trái ngày càng sưng to, mặt bất cân xứng. 

Trước đó bệnh nhân thỉnh thoảng có đau, các triệu chứng khác không rõ ràng. Qua thăm khám, bác sĩ cho biết bệnh nhi có khối sưng làm phồng ngách hành lang vùng răng số 33 – 36, các răng số 73, 74, 75 lung lay.

Hình ảnh X-quang cho thấy bệnh nhi có 01 vùng thấu quang ở vùng xương hàm dưới trái, thấu quang một hốc, kích thước 04 x 07 cm, từ chóp răng số 33 – 36, bờ trên và dưới là viền xương mỏng do tiêu xương, răng số 35 bị đẩy lệch tới sát bờ dưới xương hàm dưới, răng số 34, 75 bị tiêu chân răng, răng số 33 đang mọc nhưng chân răng cũng bị lệch.

Các bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt của Bệnh viện đã quyết định thực hiện phẫu thuật mở thông, khâu lộn túi bao nang, nhổ răng 36 ngầm thay vì phẫu thuật xâm lấn thông thường là Cắt đoạn xương hàm dưới. Sau hơn 01 giờ, ca phẫu thuật thành công. 

Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy thành phần chủ yếu của u là tế bào biểu mô nguồn gốc từ cơ quan tạo men răng. Bệnh nhân ổn định và xuất viện sau đó vài ngày.

Theo Bs Trần Tiểu Trang – khoa Răng hàm mặt, bệnh viện quận Thủ Đức: U nguyên bào tạo men dạng nang (Cystic ameloblastoma) là một bệnh hiếm gặp, khối u không gây đau, tiến triển âm thầm, rất khó được phát hiện cho tới khi có biến dạng hoặc phồng xương… 

Bệnh chủ yếu gặp ở thanh thiếu niên 20 – 40 tuổi, hàm dưới nhiều hơn hàm trên. Hiện nguyên nhân của bệnh là do sự còn sót lại các tế bào tạo men răng, là một loại u có nguồn gốc từ răng. 

Khi u lớn phát triển chèn ép xương thì xương hàm cũng bị tiêu xương, đẩy lệch dây thần kinh, điều trị rất khó khăn và và để lại di chứng bởi phương pháp điều trị thường là phẫu thuật cắt nguyên khối hoặc cắt đoạn xương hàm.
  
Hình ảnh X – quang khối u nguyên bào men răng voh.com.vn

Hình ảnh X – quang khối u nguyên bào men răng của bệnh nhân N.Q.C

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân khám bệnh định kỳ có thể phát hiện bệnh sớm qua chụp phim X-quang thì phẫu thuật đơn giản, tiên lượng tốt, còn khi bệnh nhân đến trễ thì khó điều trị, tỉ lệ tái phát cao, thậm chí để lại nhiều di chứng cho các răng và hàm liên quan như lệch lạc răng, răng ngầm, mất răng, cản trở chức năng nhai, hoặc tháo khớp xương hàm,…

Để phòng ngừa u răng phát triển âm thầm và những bệnh lý khác của răng hàm mặt, tốt nhất người dân nên đi khám và chụp X-quang răng định kỳ mỗi 06 tháng hoặc 01 năm.