Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Cảnh báo cơ thể mất nước, biến chứng suy thận cấp do nắng nóng

VOH - Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) ghi nhận nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu do mất nước, dẫn đến biến chứng nguy hiểm như rối loạn điện giải, suy thận cấp… trong thời điểm nắng nóng diện rộng.

Ngay từ những ngày đầu giai đoạn nắng nóng, Khoa Thận Lọc máu – Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân bị rối loạn điện giải, suy thận cấp do cơ thể mất nước nhiều khi lao động ngoài trời nhiều giờ mà không bù đủ nước.

Điển hình như bệnh nhân L.V.T (46 tuổi, trú tại huyện Bắc Yên, Sơn La) làm nghề xây dựng, làm việc thời gian dài ngoài trời nắng nóng. Bệnh nhân đến cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng co rút các cơ toàn thân, đặc biệt vùng bắp chân, huyết áp tăng.

Trường hợp khác là bệnh nhân Đ.V.T (64 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) làm nghề đi biển, nhập viện với biểu hiện triệu chứng tê bì chân tay, chuột rút liên tục, đau cơ.

Hai trường hợp bệnh nhân trên đều có kết quả xét nghiệm máu cô đặc, tăng men gan, suy thận cấp. Các bác sĩ Khoa Thận, Lọc máu đã chỉ định điều trị truyền dịch, bù nước và điện giải.

Sau ba ngày điều trị tích cực, chức năng thận của các bệnh nhân đã ổn định, sức khỏe hồi phục tốt.

mat-nuoc-130624
Khoa Thận lọc máu - Bệnh viện Bãi Cháy điều trị cho bệnh nhân bị rối loạn điện giải, suy thận cấp do cơ thể mất nước

Bác sĩ chuyên khoa I Lương Minh Tuyến – Phó Trưởng Khoa Thận Lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: "Trong thời tiết nắng nóng, người bệnh có thể bị mất nước, rối loạn điện giải với biểu hiện triệu chứng như: nhức đầu, mệt mỏi, lả người, ù tai, hoa mắt, tụt huyết áp, buồn nôn, tim đập nhanh và mạnh, chuột rút, tay chân co quắp, co giật… Nguy hiểm hơn là biến chứng suy thận cấp, sốc nhiệt, hôn mê và có thể tử vong".

Theo bác sĩ Tuyến, những bệnh nhân nhập viện do nắng nóng ở mức độ nhẹ có thể được điều trị tại khoa thường, bù nước và điện giải, tránh suy thận cấp. Bệnh nhân nặng bị sốc nhiệt có thể phải lọc máu, điều trị hồi sức tích cực.

Làm gì để tránh bị sốc nhiệt?

Để phòng tránh tác hại nguy hiểm của nắng nóng đến sức khỏe, bác sĩ khuyến cáo:

  • Người dân nên hạn chế đi ra ngoài trong khoảng thời gian nhiệt độ tăng cao từ 10h đến 17h.
  • Người làm việc hoặc di chuyển ngoài trời phải cần trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động, các biện pháp chống nắng nóng.
  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể hàng ngày, hàng giờ để bù lượng nước mất đi. Đặc biệt những trường hợp làm việc ngoài trời có thể phải bù 3 – 4 lít nước và nên bổ sung thêm điện giải tránh biến chứng suy thận cấp do mất nước.
  • Tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm trái cây hoặc uống nước ép trái cây để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
  • Hạn chế gió quạt lùa thẳng vào người, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Nếu sử dụng điều hòa nên để nhiệt độ từ 28-29 độ C và hạn chế thay đổi môi trường đột ngột từ trong nhà điều hòa ra ngoài trời nắng nóng, hoặc ngược lại. 

Nếu phát hiện người bị say nắng cần đưa người bệnh ra khỏi môi trường nắng, đặt nằm ở nơi thoáng mát có bóng râm càng sớm càng tốt, nới lỏng quần áo, chườm mát bằng nước lạnh, bổ sung nước uống hoặc nước orezol... và chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để tránh nguy cơ, biến chứng nặng do mất nước, mất điện giải.