Theo bản tin của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, tính đến 6 giờ ngày 9/2, Việt Nam có tổng cộng 1163 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 470 ca.
Tính từ 18 giờ ngày 8/2 đến 6 giờ ngày 9/2: 3 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
3 ca mắc mới (BN2051-BN2053) là các ca cộng đồng tại Quảng Ninh.
Ca bệnh số 2051 (BN2051): nữ, 34 tuổi, địa chỉ tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, là công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn POYUN, được cách ly từ 29/1/2021. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 08/02/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí.
Ca bệnh số 2052 (BN2052): nam, 61, tuổi, địa chỉ tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh (thông tin dịch tễ đang được điều tra bổ sung). Kết quả xét nghiệm ngày 08/02/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí.
Ca bệnh số 2053 (BN2053): nữ, 60, tuổi, địa chỉ tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, là vợ bệnh nhân BN2052 (thông tin dịch tễ đang được điều tra bổ sung). Kết quả xét nghiệm ngày 08/02/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 89.782, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 529; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 19.879; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 69.374. 4.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 16 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 7 ca; số ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2 là 5 ca. Số ca tử vong: 35 ca. Số ca điều trị khỏi: 1.472 ca.
Liên quan đến diễn biến phức tạp tại TPHCM, chiều 8/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19. Theo Thủ tướng, việc xuất hiện các ca mới ở TP.HCM là nghiêm trọng mà theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, nếu xét nghiệm diện rộng thì số ca tại thành phố lớn này sẽ tăng trong những ngày tới.
Thủ tướng nhất trí việc Bộ Y tế chỉ đạo xét nghiệm diện rộng một số khu vực dễ lây nhiễm để truy vết, xử lý nhanh. Tất cả các địa phương, đặc biệt ngành y tế, tham mưu đề xuất chuẩn bị nguồn lực, kể cả sinh phẩm, vật tư y tế, lương thực thực phẩm, bệnh viện dã chiến ở một số nơi để đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra.
Một số địa phương trọng điểm, nhất là các thành phố, chuẩn bị các kịch bản có thể xảy ra. Không chỉ vận động thực hiện nghiêm Thông điệp 5K mà yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm.
TPHCM, Hà Nội có phương án xử lý riêng với cách làm phù hợp, Thủ tướng lấy ví dụ như thực hiện chỉ thị 15, chỉ thị 16, giãn cách xã hội ở một số khu vực mà địa phương thấy cần thiết như giãn cách xã hội ở một số khu phố, quận, địa bàn có ca lây nhiễm khi thấy tình hình xấu có thể xảy ra.
Xuất cấp hóa chất khử khuẩn phòng, chống dịch COVID -19
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế xuất cấp không thu tiền 15 tấn Chloramine B và 15 triệu viên sát khuẩn nước từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Hải Dương, Gia Lai, Quảng Ninh và Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Bộ Y tế để cấp cho các đơn vị phòng, chống dịch COVID – 19.
Cụ thể, xuất cấp cho tỉnh Hải Dương 3 tấn Chloramine B và 3 triệu viên sát khuẩn nước Aquatabs 67mg; tỉnh Gia Lai 3 tấn Chloramine B và 2 triệu viên sát khuẩn nước Aquatabs 67mg; tỉnh Quảng Ninh (2 tấn Chloramine B và 3 triệu viên sát khuẩn nước Aquatabs 67mg); Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) (3 tấn Chloramine B và 2 triệu viên sát khuẩn nước Aquatabs 67mg); Bộ Y tế (4 tấn Chloramine B và 5 triệu viên sát khuẩn nước Aquatabs 67mg để cấp cho các cơ sở y tế phòng, chống dịch COVID-19).
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo. UBND các tỉnh: Hải Dương, Gia Lai, Quảng Ninh; Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) và Bộ Y tế tiếp nhận, quản lý và sử dụng số hóa chất khử khuẩn nêu trên theo quy định hiện hành.