Hai vợ chồng anh L.V.M và chị T.T.V (trú tại Quảng Yên, Quảng Ninh) nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, mệt xỉu.
Người bệnh cho biết, ngày hôm trước, do mất điện, gia đình đã chạy máy phát điện để gần phòng ngủ từ tối đến nửa đêm thì tắt máy.
Sáng hôm sau ngủ dậy thì trong người khó chịu, đau đầu, chóng mặt nhiều nên đã đến viện.
Bác sĩ Dương Đức Mạnh – Khoa Cấp cứu Bệnh viện cho biết, 2 hai trường hợp trên nếu thời gian sử dụng máy phát lâu hơn và phát hiện trễ rất có thể sẽ rơi vào hôn mê, ngưng hô hấp tuần hoàn, suy đa tạng dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Mạnh khuyến cáo, nhiễm độc khí CO rất nguy hiểm. Mức độ trung bình, người bệnh cảm thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau quặn bụng, tiêu chảy, bị tê nhiều nơi trên cơ thể, ngất, thậm chí có thể tử vong nếu mức độ ngộ độc này kéo dài.
Trường hợp nạn nhân bị nhiễm độc nồng độ CO tăng dần biểu hiện cũng trầm trọng tăng lên, gây ói mửa và khó thở, nhức đầu dữ dội, nhịp tim nhanh, có thể bất tỉnh.
Nếu hơi thở dồn dập, hoặc ngưng thở, khi đó nạn nhân sẽ bất tỉnh, tổn thương não vĩnh viễn, tim ngưng đập và tử vong.
Do vậy, người dân cần tự phòng tránh ngộ độc khí CO bằng cách sử dụng các loại bếp đốt than, củi, khí gas hoặc các động cơ như máy phát điện sử dụng xăng dầu, khí gas trong các khu vực rộng rãi, thoáng khí…