Chờ...

Cha mẹ cần làm gì khi nhận thấy các dấu hiệu trẻ bị viêm lợi?

(VOH) – Viêm lợi là một bệnh khá phổ biến trong số các bệnh về răng miệng. Trẻ bị viêm lợi do nhiều nguyên nhân gây ra, hiểu rõ về bệnh sẽ giúp cha mẹ có được biện pháp khắc phục phù hợp.

1. Như thế nào được gọi là viêm lợi?

Viêm lợi là tình trạng các mô bao quanh có tác dụng nâng đỡ và hỗ trợ răng bị nhiễm trùng. Đây là bệnh khá phổ biến trong các bệnh về răng miệng, đặc biệt thường xảy ra nhiều ở trẻ em. Trẻ bị viêm lợi nếu không được chăm sóc kỹ càng sẽ khiến nướu răng bị tổn thương trầm trọng, xuất hiện mủ quanh cổ chân răng dẫn đến tình trạng tiêu xương hàm, làm tổn thương toàn bộ các tổ chức xung quanh răng.

Không những vậy, tình trạng này còn có thể khiến nướu bị tụt, xương ổ răng bị tiêu làm răng lung lay, cuối cùng dẫn đến tình trạng rụng răng. Vì vậy, nếu thấy trẻ có các triệu chứng bị viêm lợi, cha mẹ nên đưa trẻ đến nha sĩ để được kiểm tra nhanh chóng.

2. Triệu chứng viêm lợi ở trẻ em

Bệnh viêm lợi ở trẻ em được chia thành 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ có các triệu chứng khác nhau:

2.1 Giai đoạn đầu

Biểu hiện của giai đoạn đầu là lợi của trẻ bị sưng đỏ và rất dễ chảy máu, nhất là khi trẻ đánh răng.

Nếu phát hiện sớm và có biện pháp điều trị sớm trẻ bị viêm lợi giai đoạn này sẽ được chữa khỏi rất nhanh.

cha-me-can-lam-gi-nhan-thay-cac-dau-hieu-tre-bi-viem-loi-voh

Viêm lợi ở trẻ em giai đoạn nặng gây đau nhức, nhiễm trùng chân răng (Nguồn: Internet)

2.2 Giai đoạn 2

Trẻ em bị viêm lợi giai đoạn 2 sẽ có thể gây ra nhiễm trùng chân răng vì thức ăn bị tích tụ vào khe răng và chân răng nhưng không được vệ sinh sạch sẽ.

Lợi bị viêm và sưng đỏ, chảy máu gây đau nhức, sưng má, miệng có mùi hôi. Nếu thức ăn bám vào kẽ răng không được lấy ra ngoài hết, lâu ngày sẽ gây biến chứng sâu răng, viêm tủy, viêm quanh cuống...

3. Nguyên nhân viêm lợi ở trẻ em là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị viêm lợi, tuy nhiên nguyên nhân phổ biến nhất vẫn là do những mảng bám trên răng. Các mảng bám này có chứa vi khuẩn có hại khi bám vào thành răng nhưng không được vệ sinh sẽ sản sinh độc tố gây kích ứng và làm hỏng nướu răng.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây viêm lợi ở trẻ em là:

  • Viêm lợi do mọc răng.
  • Viêm lợi do sang chấn cơ học như xỉa răng bằng tăm, nhai phải thức ăn cứng...
  • Viêm lợi do vi khuẩn herpes gây ra.
  • Viêm lợi do trẻ đánh răng không đúng cách. Không vệ sinh răng miệng sạch sẽ khiến thức ăn thừa bám và tích tụ dưới chân răng và kẽ răng. Hoặc do trẻ bị nhiệt vì ăn nhiều đồ nóng.

4. Cách chữa viêm lợi ở trẻ nhỏ

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu của bệnh viêm lợi, cha mẹ không nên tự ý điều trị cho trẻ bằng các bài thuốc dân gian mà nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nha khoa để được thăm khám và có phương pháp điều trị đúng đắn. Các phương pháp chữa viêm lợi ở trẻ em bao gồm:

4.1 Loại bỏ mảng bám và cao răng

Cha mẹ có thể đưa trẻ đến các phòng khám nha khoa để khám và lấy cao răng, thường thì sau khi làm sạch, các nha sĩ sẽ hướng dẫn trẻ đánh đánh răng đúng cách và sử dụng chỉ nha khoa để vệ sinh hằng ngày tránh những mảng bám ở chân răng.

cha-me-can-lam-gi-nhan-thay-cac-dau-hieu-tre-bi-viem-loi-1-voh

Trẻ bị viêm lợi cần đưa đến bác sĩ để được thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp (Nguồn: Internet)

4.2 Dùng thuốc kháng sinh

Nếu các triệu chứng viêm lợi ở trẻ trở nặng, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị cho trẻ bằng thuốc kháng sinh. Ngoài ra, trẻ cũng có thể sử dụng thuốc súc miệng hoặc nước muối để vệ sinh răng miệng hằng ngày.

Trong trường hợp trẻ bị viêm lợi chuyển sang viêm nha chu thì bác sĩ có thể sẽ đề nghị làm phẫu thuật để làm sạch cao răng hình thành sâu bên trong túi nha chu hoặc nếu mô nướu bị tổn thương nghiêm trọng (không thể điều trị được) bác sĩ sẽ tiến hành cấy ghép nướu cho trẻ.

5. Phòng ngừa viêm lợi ở trẻ em bằng cách nào?

Để phòng ngừa viêm lợi ở trẻ em cha mẹ có thể giúp bé hình thành một số thói quen sau đây:

  • Tập cho trẻ đánh răng ngày 2 lần (sau khi ăn sáng và trước khi đi ngủ), mỗi lần trong khoảng 3 – 5 phút.
  • Nhắc nhở trẻ dùng chỉ nha khoa để lấy thức ăn thừa ở kẽ răng sau khi ăn.
  • Cho trẻ sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm, thay 2 - 3 tháng /lần.
  • Sử dụng kem đánh răng có chứa fluor và các chất tốt cho răng, lợi.
  • Hạn chế cho trẻ ăn vặt và những đồ ngọt vào buổi tối trước khi đi ngủ.
  • Đưa trẻ đi để kiểm tra răng miệng thường xuyên, ít nhất 2 lần/năm.