Chữa tai biến mạch máu não bằng cách nào?

(VOH) - Tai biến mạch máu não là một căn bệnh nguy hiểm, nếu không cấp cứu kịp thời và chữa trị đúng cách có thể dẫn đến nhiều di chứng nặng nề. Vậy bị tai biến mạch máu não nên làm gì?

Hãy cùng theo dõi những chia sẻ dưới đây của PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) để biết cách phòng tránh cũng như khắc phục những biến chứng của tai biến mạch máu não.

1. Thắc mắc của thính giả:

Chào bác sĩ!

Em bị tai biến mạch máu não đã 4 năm rồi, cơ thể em hay bị tê, co giật và có cảm giác nặng người. Năm nay em đã 50 tuổi, bị xuất huyết não, đi khám thì bác sĩ bảo em bị xuất huyết não vùng thần kinh, không mổ được, nếu mổ là nguy hiểm đến tính mạng nên bác sĩ chỉ chích và cho thuốc uống để tan máu đông. Em cũng có uống thuốc cho tan khối máu đông nhưng vẫn bị tê, nặng người nửa bên trái, tay chân vẫn bị yếu, uống thuốc thần kinh của bệnh viện Bình Thạnh mà càng ngày càng thấy tê buốt. Em muốn hỏi bác sĩ nên chữa như thế nào cho hiệu quả? 

Thính giả: tên Đăng, ở phường 2, quận Bình Thạnh, TPHCM

2. PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) giải đáp:

Anh đã đi khám ở Bệnh viện Bình Thạnh thì rất là tốt, Bệnh viện Bình Thạnh hiện nay là một bệnh viện phát triển rất tốt về chuyên môn. Đối với bệnh của anh, theo tôi anh nên làm những việc sau đây:

  • Về huyết áp, anh phải thường xuyên theo dõi huyết áp và dùng thuốc để huyết áp ổn định. 
  • Về tình trạng mỡ trong máu, bác sĩ có thể sẽ theo dõi mỡ trong máu của anh để xem anh có bị rối loạn chuyển hóa mỡ trong máu hay không. Nếu có rối loạn chuyển hóa mỡ máu thì anh phải trị cho nó giảm xuống, bởi mỡ trong máu cao là một trong những yếu tố nguy cơ có thể khiến bệnh tái phát hoặc anh bị tai biến lần nữa.

Ngoài ra, anh đã bị tai biến mạch máu não 4 năm nay rồi mà chưa phục hồi hoàn toàn, tay chân vẫn còn yếu và tê bì, nặng nề nửa người bên trái như anh mô tả, thì theo tôi tình trạng của anh có thể đã có những di chứng trong quá trình xuất huyết não nhưng người ta đã cấp cứu kịp thời để không ảnh hưởng đến sinh mạng của anh. Thế nhưng, hiện tại anh vẫn gặp những di chứng thì thông thường trong quá trình phục hồi trong 6 tháng đầu, những di chứng này sẽ được người ta chú ý và tìm cách làm sao để có thể phục hồi hoàn toàn. Tôi không biết trong giai đoạn 6 tháng đầu này, anh có được điều trị trong bệnh viện hay ở trung tâm phục hồi chức năng hay không nên rất khó kết luận anh gặp những di chứng như anh kể là do đâu. 

chua-tai-bien-mach-mau-nao-bang-cach-nao-voh

Tê bì tay chân do tai biến mạch máu não phải làm sao? (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, tình trạng tê bì nặng nó rất khó chịu, do đó, theo tôi anh nên đi khám lại và nên nói với bác sĩ về tình trạng tê buốt của mình để các bác sĩ chú ý và tìm ra nguyên nhân. Nếu tất cả các yếu tố khác làm nặng nề hơn tình trạng vốn đang có thì người ta sẽ hướng dẫn các phương pháp tập luyện, điều trị đúng mức.

3. Cách điều trị tai biến mạch máu não

Thực tế, anh có thể tự tập luyện tại nhà để giúp phục hồi phần nào đó. Anh hãy chú ý tập vận động mỗi ngày bằng cách đi, đứng, làm các động tác, thao tác,…để cho cơ lực của mình mạnh lên. Ví dụ như anh kéo xà, tập phương pháp hít đất hay phương pháp nằm co duỗi chân.

Và quan trọng là thở sao cho đúng (anh có thể nghe lại chương trình kỳ rồi vì tôi có hướng dẫn cách thở). Thở là phải thở bụng tức là hít bằng mũi, phình thót bụng, hít vào thì bụng phình ra, thở ra bằng mũi, bụng thót lại. Khi anh làm những động tác như vậy không chỉ giúp xoa bóp vùng ngực, vùng bụng, cơ hoành hoạt động, phổi giãn ra, mà nó còn tác động lên hệ thần kinh và làm mạnh dần hệ thần kinh của anh.

Bên cạnh đó khi anh hít thở sâu rồi thì anh có thể làm thêm các động tác như vừa co chân lên thì hít vào, tức là khi anh hít vào, anh co chân sao cho chân thẳng góc với giường. Khi chân anh thẳng góc với giường và ép vào thành bụng thì vô hình chung anh làm cho áp lực của bụng bị dồn ép, khi đó cơ lực anh sẽ được vận động, hệ thần kinh anh được vận động và nội tạng anh cũng được vận động.

Như vậy, anh hãy chú ý vấn đề tập luyện gồm đi bộ, chạy bộ, vận động, kéo xà, tập các động tác cho cơ lực nó giãn. Ví dụ trên bàn tay, anh lấy ngón cái và ngón trỏ bấm thật chặt vào đầu ngón tay đến khi ngón tay trắng lại, rồi thực hiện với các ngón còn lại như ngón giữa, ngón áp út và ngón út. Thực hiện cả 2 bàn tay. Còn ngón chân cũng vậy anh co duỗi tối đa, co duỗi tất cả các ngón chân. Thực hiện các động tác như vậy anh sẽ vận động cơ lực từng khớp một, từ đó sẽ góp phần giảm nhẹ các triệu chứng nặng nề anh đang có. 

Bạn có thể nghe lại chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: