Chờ...

Làm củ cải trắng ngâm chua ngọt đúng cách và không hăng

(VOH) - Củ cải trắng vừa là thực phẩm ngon vừa là dược liệu phòng và chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu chúng ta ăn củ cải trắng với hình thức ngâm chua thì liệu có phát huy được tác dụng của nó hay không?

Củ cải trắng là một giống cây cải củ, vị thanh mát và giòn như cà rốt, khá dễ ăn nên có khá nhiều món ăn ngon từ củ cải trắng như: thịt kho củ cải trắng, canh củ cải trắng,... hay phổ biến nhất là món củ cải trắng ngâm chua ngọt. Thông thường, nhiều bà nội trợ sẽ có thói quen kết hợp ngâm củ cải trắng cùng cà rốt để món ăn có màu sắc bắt mắt, nhưng đây là điều không nên.

Theo PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) enzym có tên gọi là axit ascorbic trong cà rốt sẽ làm mất tác dụng hàm lượng lớn vitamin C có trong củ cải trắng. Do đó, để nhận được tối đa những dưỡng chất mà món ăn củ cải trắng ngâm chua ngọt mang lại bạn chỉ nên ngâm duy nhất củ cải trắng.

Cùng tìm hiểu cách làm củ cải trắng ngâm chua ngọt đúng chuẩn để bữa cơm gia đình thêm hấp dẫn và vẫn đảm bảo bổ sung đủ dưỡng chất.

1. Hướng dẫn cách làm củ cải trắng ngâm chua ngọt

Chỉ với vài nguyên liệu gần gũi và dễ tìm kiếm, bạn hoàn toàn có thể tự “sản xuất” cho gia đình một hũ củ cải trắng ngâm chua ngọt tuyệt ngon.

lam-cu-cai-trang-ngam-chua-ngot-dung-cach-va-khong-hang-voh-0
Từ những nguyên liệu đơn giản có thể làm củ cải ngâm chua ngọt (Nguồn: Internet) 

1.1 Nguyên liệu

  • 500 g củ cải trắng (khoảng 3 – 4 củ) 
  • 100g muối
  • 700ml giấm
  • 500g đường

1.2 Cách làm

  • Củ cải trắng không cần gọt vỏ vì trong phần vỏ có chứa rất nhiều chất xơ. Những chỗ nào có vết thâm, khúc mắc, có râu tua ra thì bạn dùng dao bào bỏ đi những chỗ đó. Sau đó rửa sạch, cắt củ cải làm đôi theo chiều dọc rồi thái thành lát mỏng với độ dày khoảng 0.5cm.
  • Dùng 50g muối pha với nước để ngâm rửa củ cải trắng. Thời gian ngâm khoảng 2 – 3 tiếng đồng hồ để muối có thể ngấm vào trong củ cải, đồng thời giảm bớt vị hăng của nó.
  • Vớt củ cải trắng ra và để cho ráo nước. Dùng 700ml giấm pha với 500g đường 50g muối, bắc lên bếp nấu cho hỗn hợp nước này sôi lên, tắt bếp và để nguội.
  • Cho củ cải trắng  đã ráo nước vào lọ thủy tinh, tiếp tục cho hỗn hợp nước giấm đường đã nấu vào trong lọ đến khi ngập hết củ cải, nếu không ngập thì bạn có thể dùng đũa ép cho nó xuống. Đậy nắp lọ thủy tinh lại, ngâm trong vòng 2 – 3 ngày là có thể ăn được. 

2. Củ cải trắng ngâm chua ngọt có tác dụng gì?

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay cho biết, bản thân củ cải trắng chứa các thành phần và chất dinh dưỡng như chất xơ, canxi, photpho, sắt, vitamin B1, vitamin B2, vitamin PP, vitamin C,…Nhờ đó mà củ cải trắng đem lại nhiều lợi ích sức khỏe  như chống táo bón, tăng sức đề kháng cho cơ thể, phòng cảm lạnh, giảm thiếu máu, điều chỉnh huyết áp, tốt cho người bệnh hen suyễn, giữ cho thận khỏe mạnh, giảm cân,…

lam-cu-cai-trang-ngam-chua-ngot-dung-cach-va-khong-hang-voh-1
Củ cải trắng đem lại nhiều lợi ích sức khỏe (Nguồn: Internet) 

Đặc biệt, trong củ cải trắng còn có chất Glycosid – chất xúc tác, tác động lên một số hormone trong cơ thể, nhất là tác động vào phytochemical và antosianin. Đây là những thành phần chống ung thư, chống gốc tự do, đồng thời cũng ngăn chặn được sự tiến triển của tế bào ung thư và sự hình thành các gốc tự do trong cơ thể.

Xem thêm: Chất chống oxy hóa trong thực phẩm cùng tác dụng chống ung thư và ngăn ngừa lão hóa mà ít ai biết đến

Nhiều người cho rằng, ăn củ cải trắng ngâm chua ngọt và đã lên men sẽ gây nóng trong người, tuy nhiên, theo bác sĩ Bay, khi chế biến theo cách này ngoài tác dụng góp phần cho món ăn được ngon miệng thì nó còn có thêm những giá trị về mặt sức khỏe như:

  • Chữa bệnh lý dạ dày: Hàm lượng vitamin C cao trong củ cải trắng sẽ thúc đẩy bài tiết và tiêu hóa các chất ứ đọng trong dạ dày, đồng thời giúp cơ thể hấp thụ tinh bột tốt hơn, hạn chế tình trạng viêm loét dạ dày. 
  • Hỗ trợ tiêu hóa: Củ cải trắng ngâm chua còn giúp tiêu thực tốt, hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi hơn, từ đó phòng ngừa được chứng táo bón.
  • Hỗ trợ cho các bệnh ở gan và mật: Trong quá trình oxy hóa, củ cải ngâm chua sẽ tạo ra một loại enzym, loại enzym này có tác dụng hỗ trợ chữa các bệnh ở gan và mật, nhất là các trường hợp có men gan tăng nhẹ. 

Xem thêm: Bạn nên biết: Tăng men gan có thể làm bệnh viêm loét dạ dày trầm trọng hơn

3. Một số lưu ý khi sử dụng củ cải trắng ngâm chua ngọt 

Sau khi đã hoàn thành công đoạn chế biến món củ cải trắng ngâm chua ngọt, hãy thực hiện những lưu ý sau đây để sử dụng cũng như bảo quản món ăn này thật hiệu quả.

3.1 Ăn kèm với món ăn khác 

Củ cải ngâm chua ngọt có thể ăn kèm với các món thịt kho, cá kho hay thịt luộc chấm mắm tôm,…vị chua chua ngọt ngọt của món ăn sẽ giảm cảm giác ngán ngấy.

Mỗi lần ăn, bạn nên dùng đũa sạch và khô để gắp củ cải ra khỏi lọ thủy tinh, không nên dùng tay hoặc muỗng đũa bẩn vì điều này có thể làm phát sinh nấm, vi khuẩn bên trong lọ.

3.2 Không sử dụng khi nổi váng màu vàng

Nếu quan sát thấy lọ củ cải ngâm đã nổi váng màu vàng thì buộc phải bỏ ngay vì váng vàng là dấu hiệu cho thấy thực phẩm đã bắt đầu mốc, tức là có vấn đề của nấm. Nguyên nhân nổi váng có thể do bạn dùng đũa bẩn để lấy hoặc sau khi lấy không đậy nắp lại, tạo điều kiện cho ruồi, kiến bám vào.  

Như vậy, củ cải trắng ngâm chua ngọt không chỉ là món ăn phụ góp phần tạo nên vị ngon cho món ăn chính mà nó còn mang lại những lợi ích không nhỏ cho sức khỏe chúng ta. 

Bạn có thể nghe lại chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: