Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Củ nén có tác dụng gì tốt cho sức khỏe và đời sống ?

(VOH ) - Củ nén (hành tăm) không chỉ là loại gia vị được sử dụng nhiều trong các món ăn, mà còn có những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Cùng tìm hiểu để biết tác dụng của củ nén là gì nhé!

1. Củ nén là củ gì ?

Củ nén, hay còn gọi là hành tăm, hành trắng, có tên khoa học là Allium schoenoprasum, là một loài thực vật thuộc họ Hành, có nguồn gốc ở châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Tại Việt Nam, củ nén là loại gia vị phổ biến của người dân miền Trùng, được trồng đại trà từ vùng Quảng Nam đến Quảng Trị.

Đây là loại thân cây thảo, gần giống với hành tây (hành hương) nhưng có kích thước nhỏ hơn. Thân hành (củ) có màu trắng, to bằng ngón tay út hoặc hạt ngô, được bao bọc bởi những vảy dai. Lá và cán hoa hình trụ rỗng, nhỏ. Cụm hoa có nhiều hoa, cuống ngắn.

cu-nen-co-tac-dung-gi-voh-0
Củ nén là loại gia vị có tác dụng tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Ngoài là loại gia vị giúp tăng thêm phần hấp dẫn độc đáo cho món ăn, củ nén còn được xem như một loại dược liệu, với vai trò hỗ trợ nhiều căn bệnh vô cùng hiệu quả trong Đông y.

2. Củ nén có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Theo Đông Y, củ nén có vị cay, mùi hăng nồng, tính ấm. Ăn củ nén có tác dụng giúp ấm tỳ vị, tiêu đờm, giảm ho, giảm ra mồ hôi, sát khuẩn, lợi tiểu, giải độc, trị cảm hàn, bí tiểu tiện, côn trùng cắn, ngộ độc chì.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu y khoa còn cho thấy, lá và củ hành tăm có chứa hợp chất lưu quỳnh (tinh dầu) giống như hành tỏi nhưng đặc biệt hơn vì có chất metylpentydisufid, pentyhydrodislfid, có nhiều silicium. Đặc biệt, ở lá củ nén còn có nhiều chất tiền vitamin A, B, C, K... nên củ nén có tính kháng sinh, hỗ trợ tiêu hóa, ngăn cảm cúm, viêm họng, đặc biệt có thể giúp phòng ngừa một số tế bào ung thư...

Dưới đây là những tác dụng của củ nén đối với sức khỏe:

2.1 Kháng khuẩn

Củ nén có đặc tính kháng khuẩn, vì thế sử dụng củ nén có thể giúp bạn tránh được những bệnh cảm lạnh, cúm thông thường.

2.2 Giàu chất chống oxy hóa

Củ nén là một nguồn cung cấp các chất chống oxy hóa như lutein và zeaxathin. Đây là hai chất có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do gây hại cho cơ thể.

Ngoài khả năng bảo vệ chất béo, protein, DNA khỏi những những căng thẳng, stress oxy hóa, chất lutein và zeaxathin còn có khả năng tái tạo lại glutathione – chất giúp tăng cường sức khỏe tim mạch.

2.3 Tốt cho mắt

Chất lutenin và zeaxathin trong củ nén còn có tác dụng bảo vệ đôi mắt. Nhờ khả năng loại bỏ gốc tự do gây hại nên ăn củ nén sẽ giúp bạn tránh khỏi những tác động tiêu cực từ bên ngoài đến đôi mắt, giúp đôi mắt bạn luôn sáng khỏe.

2.4 Bảo vệ tim mạch

cu-nen-co-tac-dung-gi-voh-1
Dùng củ nén có thể giúp ngăn ngừa một số bệnh tim mạch (Nguồn: Internet)

Chất aclin trong củ nén là một trong những chất có tác dụng làm giảm cholesterol xấu và tăng lượng cholesterol tốt trong cơ thể. Đồng thời chúng cũng giúp kiểm soát huyết áp và hạn chế tình trạng xơ vữa động mạch. Nguyên nhân là do acillin có thể giải phóng oxit nitric trong máu, và giảm độ cứng của mạch máu.

2.5 Tăng cường sức khỏe cho xương

Củ nén chứa nhiều vitamin k, đây là chất có lợi cho xương khớp. Vitamin K có thể giúp ổn định mật độ xương, hỗ trợ điều hòa các tế bào giúp ngăn ngừa quá trình loãng xương.

Xem thêm: Vitamin K là gì và có tác dụng gì cho sức khỏe?

2.6 Thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động

Một trong những tác dụng của củ nén là giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa diễn ra hiệu quả. Nhờ đặc tính kháng khuẩn nên ăn củ nén có thể loại bỏ được những vi sinh vật có hại cho đường ruột. Hơn thế, thành phần chất xơ trong củ nén cũng rất có lợi cho các hoạt động ở hệ tiêu hóa.

2.7 Tăng cường hệ miễn dịch

Selen là một loại khoáng chất có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch và chúng có rất nhiều trong củ nén. Do đó, ăn củ nén sẽ giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

Xem thêm: Những cách tăng sức đề kháng để vượt qua giai đoạn dịch nCoV một cách an toàn

3. Củ nén dùng để làm gì trong trị bệnh ?

Trong dân gian tác dụng của củ nén được thể hiện qua rất nhiều bài thuốc hay. Bạn có thể thử áp dụng một số bài thuốc từ củ nén trong một số trường hợp sau đây:

3.1 Củ nén trị sổ mũi, nóng rét, đau đầu do thời tiết

Dùng khoảng 20 củ nén giã nhuyễn cho vào cháo gạo tẻ, nấu chín, cho thêm 1 thìa giấm, ăn khi còn nóng.

3.2 Củ nén trị ho

Sử dụng củ hoặc lá củ nén trộn chung với đường phèn hấp cơm hoặc hoặc chưng cách thủy, lấy nước uống.

cu-nen-co-tac-dung-gi-voh-2

Củ nén chưng cách thủy giúp trị ho (Nguồn: Internet)

3.3 Củ nén chữa cảm

Giã nát 10 củ nén, sau đó đem sắc lấy nước uống.

3.4 Củ nén chữa phong hàn, sốt, đau nhức người, nước tiểu trong, sợ lạnh

Dùng củ nén và lá tía tô mỗi thứ từ 20 – 30gr, thái nhỏ nấu cháo ăn khi còn nóng. Sau đó đắp chăn nằm để cho ra mồ hôi.

3.5 Củ nén chữa trướng bụng, bí tiểu

Củ nén giã nát, sau đó đem sao cho nóng, để củ nén vào trong túi đắp vùng bụng dưới (vùng bàng quang). Nếu củ nén dùng cho trẻ nhỏ bị bí đái thì sử dụng khoảng 4gr giã dập, chưng cách thủy và cho trẻ uống nóng (bỏ bã).

3.6 Củ nén trị tiêu chảy

Để chữa tiêu chảy, dùng vài củ nén và 10gr táo tây cho vào nồi sắc lấy nước uống.

3.7 Củ nén trị chấn thương, phòng tụ máu

Nhờ tác dụng kháng khuẩn nên củ nén được dùng để chữa chấn thương, tụ máu. Chỉ cần dùng hành tăm giã nát đun sôi lấy nước để rửa vết thương.

3.8 Củ nén giải độc, tăng cường đề kháng

Thường xuyên ăn củ nén sẽ có tác dụng phòng ngừa cảm, giúp đào thải các chất độc khỏi cơ thể. Với những người làm việc trong môi trường nhiều yếu tố độc hại (xăng dầu, nhựa, sơn…), thì việc ăn củ nén sẽ phát huy hiệu quả giải độc vô cùng tốt.

Lưu ý: Không dùng chung củ nén với mật ong vì có thể gây chóng mặt buồn nôn. Củ nén cũng kỵ các vị thuốc như thường sơn, sinh địa, thục địa. Theo quan niệm Đông Y, vào tháng giêng không nên ăn nhiều củ nén để tránh bị chứng phong chạy trên mặt.  

4. Tác dụng của củ nén (hành tăm) trong làm đẹp

Không chỉ tốt cho cơ thể trong việc điều trị bệnh, là gia vị không thể thiếu cho các món ăn, củ nén còn được biết đến là loại thực phẩm chứa nhiều lợi ích cho sắc đẹp.

Theo các nghiên cứu hiện đại, củ nén chứa lượng đáng kể chất silicium và tiền tố vitamin A, B và C nên có khả năng giúp bảo vệ da khỏi các yếu tố gây hại và giúp da khôi phục sau khi bị mụn.

Không chỉ vậy, nhờ có chứa hợp chất lưu quỳnh nên củ nén có tác dụng chăm sóc da rất hiệu quả và an toàn.

5. Bầ bầu ăn củ nén được không?

Phụ nữ mang thai sức đề kháng thường sẽ bị suy giảm nên dễ gặp phải các chứng cảm lạnh hay bệnh cúm. Do đó, việc áp dụng các biện pháp tự nhiên giải cảm, giảm ho luôn được các mẹ bầu tìm tòi áp dụng.

Một trong những biện pháp dễ thấy nhất chính là sử dụng tắc chưng đường phèn. Ngoài ra, nhiều mẹ bầu còn áp dụng món cháo củ nén để giải cảm. Trong củ nén chứa nhiều thành phần có tác dụng kháng khuẩn, giúp chống lại các loại vi khuẩn, virus gây bệnh... Do đó, ăn củ nén có thể giúp mẹ bầu phòng và giải cảm hiệu quả.

Xem thêm: Hướng dẫn mẹ bầu cách nấu cháo củ nén giải cảm hiệu quả trong thai kỳ, không cần dùng đến thuốc

6. Củ nén làm món gì ngon ?

Ngoài là vị thuốc quý, củ nén còn được dùng kết hợp với các món ăn, để làm khơi dậy mùi thơm và mang hương vị hấp dẫn riêng biệt. Khi củ nén còn tươi có vị rất hăng, thậm chí khó ngửi nhưng khi được khử vàng thì sẽ có mùi thơm đặc biệt.

Củ nén thường được dùng khi chế biến các món ăn có mùi tanh, dùng củ nén nấu cháo lươn không chỉ khử đi mùi tanh mà còn tạo mùi vị vô cùng hấp dẫn.

Sử dụng củ nén trong các món chiên, nhất là với món trứng chiên, bạn sẽ thấy mùi tanh của trứng sẽ không còn, thay vào đó là mùi thơm của củ nén.

cu-nen-co-tac-dung-gi-voh-3

Dùng củ nén nấu cháo lươn giúp khử mùi tanh rất tốt (Nguồn: Internet)

Củ nén còn là nguyên liệu không thể thiếu đối với những loại cá nước ngọt như cá sông, cá đồng hay cá nuôi ao nước ngọt. Việc ướp các loại cá này với của nén sẽ giúp làm dậy mùi thơm ngon khó cưỡng.

Nếu dùng củ nén làm gia vị để ướp thịt bò nướng, hay dùng nấu cháo, nấu chè sẽ có hương vị vô cùng đặc biệt. Hơn thế, ăn chè củ nén còn giúp giải cảm rất tốt. Các món ăn từ củ nén mà bạn nên thử nấu 1 lần:

  • Chè củ nén
  • Cháo củ nén, thịt bò
  • Thịt bò nướng củ nén
  • Sườn non rim củ nén

Xem thêm: Mách bạn công thức nấu món ngon với củ nén để giải cảm hiệu quả

7. Cách trồng củ nén tại nhà

Hiện nay có thể mua củ nén ở ngoài chợ và siêu thị, giá củ nén cũng tùy vào thời điểm thường dao động từ 60.000 - 80.000 VNĐ/kg. Củ nén vốn là loại giai vị quen thuộc trong góc bếp. Nếu bạn muốn có củ nén quanh năm trong nhà, tốt nhất bạn nên tự trồng chúng.

Trồng củ nén tại nhà không hề tốn công tốn sức, chỉ cần mỗi ngày dành thời gian tưới nước đều đặn, bón phân đúng thời điểm là bạn có thể thu hoạch củ nén để dùng trong nhà sau khoảng 2 tháng gieo trồng.

Xem thêm: Học ngay cách trồng củ nén tại nhà dễ như trở bàn tay

8. Cách bảo quản củ nén (hành tăm) sử dụng quanh năm

Nếu muốn bảo quản củ nén để sử dụng lâu dài bạn có thể áp dụng 1 trong các cách sau:

  • Cách 1: Sau khi mua củ nén về cho củ nén vào rổ thưa, để nơi thoáng mát, lâu lâu đem phơi chỗ râm mát cho thoáng. Không để củ nén trong các túi nilon vì củ nén bị bí hơi sẽ rất nhanh hỏng. Ngoài ra, cũng không nên để củ nén ở nơi có nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao.
  • Cách 2: Củ nén sau khi mua về đem rửa sạch, loại bỏ những củ dập, hỏng. Sau đó trải đều và hong khô trong bóng râm 1 tuần. Khi hành khô, bạn bỏ vào các túi nhỏ hoặc hộp nhựa, cất vào ngăn mát tủ lạnh. Bằng cách này bạn có thể dự trữ ăn trong 1 vài tháng.
  • Cách 3: Sau khi rửa sạch củ nén cho vào ngăn đá. Cách này có thể giúp bảo quản củ nén khá lâu, nhưng nó cũng sẽ làm giảm bớt đi vị thơm của hành.
  • Cách 4: Củ nén sau khi mua về, đem phơi nơi bóng mát cho khô. Sau đó cho vào một chiếc thùng xốp có chứa cát khô. Lưu ý, bạn cần sử dụng cát khô, không dùng cát ẩm ướt vì sẽ làm củ nén bị lên mầm.

Như vậy, có thể thấy tác dụng của củ nén không chỉ dừng lại không y học, ẩm thực mà đã được nghiên cứu rộng ra cả lĩnh vực làm đẹp. Dù có vẻ hơi khó bảo quản, nhưng đây thực sự là một loại thực phẩm, gia vị tuyệt vời nên có trong gian bếp của mọi gia đình.

Bình luận