Chờ...

Bí quyết ăn hành lá sống không bị hôi miệng

(VOH) - Hành lá là gia vị quen thuộc trong ẩm thực Việt, giúp tăng thêm độ hấp dẫn, thơm ngon. Tuy nhiên nếu ăn hành lá sống có tốt không? Bác sĩ Nguyễn Thị Bay sẽ giúp bạn có câu trả lời xác đáng.

Với chuyên mục Cây thuốc quanh ta trong chương trình Phòng mạch FM, PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) đã chia sẻ về những công dụng hành lá, nó không chỉ là một gia vị thơm ngon mà trong Đông y hành lá sống còn là vị thuốc chữa bệnh. 

1. Thành phần dinh dưỡng trong hành lá

Bác sĩ Nguyễn Thị Bay cho biết, cây hành lá có thể dùng được cả củ, rễ và lá. Loại gia vị này có mùi hơi hăng nhưng khi thắng với dầu hoặc mỡ đều tạo ra mùi thơm rất hấp dẫn. Sử dụng hành lá vào trong món ăn nó sẽ giúp kích thích tạo mùi vị góp phần cho món ăn thêm thơm ngon hơn. 

Bác sĩ Bay cũng cho biết, qua các công trình nghiên cứu, người ta thấy rằng, hành lá có chứa các chất hữu ích cho sức khỏe như:

bi-quyet-an-hanh-la-song-khong-bi-hoi-mieng-voh-0
Hành lá có thể sử dụng cả củ, rễ và lá (Nguồn: Internet)
  • Các loại vitamin như vitamin A, B, C, K.
  • Hoạt chất allicin có tính kháng sinh và kháng viêm mạnh.
  • Chất Fructooligosaccharides – một thành phần chống ung thư ruột kết rất tốt.
  • Thành phần Allingoin desulfate – thành phần kích hoạt insulin, giúp ổn định đường trong máu.

Mỗi thành phần, các chất có trong hành lá sẽ giúp ích cho từng trường hợp bệnh lý khác nhau.

2. Ăn hành lá sống có tác dụng gì?

Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Bay, nhờ những đặc điểm, thành phần các chất như trên, việc ăn hành lá sống rất tốt cho sức khỏe, giúp bạn nhận được những lợi ích tuyệt vời sau đây:

2.1 Cầm máu tốt

Nhờ có vitamin K, hành lá giúp làm đông máu và cầm máu rất tốt. Theo kinh nghiệm dân gian, khi bị chảy máu, bạn chỉ cần lấy hành lá đập dập, vắt lấy nước cốt rồi nhỏ vào vùng bị chảy máu, nó sẽ giúp máu đông lại nhanh hơn.

Xem thêm: Bổ sung vitamin K bằng những thực phẩm này sẽ giúp thúc đẩy quá trình đông máu và củng cố xương chắc khỏe

2.2 Giảm mỡ trong máu

Có thể bạn chưa biết, Siberia là vùng có tuyết quanh năm và người dân ở đây người ta ăn mỡ rất nhiều, đặc biệt là cục mỡ đông để giúp tạo nhiệt cho cơ thể, chống lạnh. Mặc dù vậy nhưng số người mắc bệnh tim mạch ở vùng đất này rất ít nhờ họ vừa ăn mỡ vừa nhai thêm củ hành hoặc lá hành sống.

Điều này cho thấy, việc nhai sống củ hoặc lá của cây hành sẽ giúp chúng ta giảm được lượng mỡ thừa trong máu rất tốt. Từ đó cũng giúp chúng ta phòng ngừa được các bệnh tim mạch hiệu quả.

2.3 Giảm nguy cơ ung thư

Bác sĩ Bay cho biết, khi nhai sống hành lá gồm củ và lá rồi nuốt thường xuyên sẽ giúp chúng ta giảm được nguy cơ mắc bệnh ung thư họng, ung thư miệng, ung thư thực quản, đồng thời nó còn giúp giảm nguy cơ ung thư buồng trứng ở nữ giới và ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới. 

Xem thêm: Chất chống oxy hóa trong thực phẩm cùng tác dụng chống ung thư và ngăn ngừa lão hóa mà ít ai biết đến

2.4 Tốt cho bệnh nhân tiểu đường

Nhờ có thành phần kích hoạt insulin nên hành lá sống còn có khả nặng ổn định đường trong máu, rất phù hợp  với các trường hợp có đường trong máu tăng cao hoặc đang điều trị bệnh tiểu đường

bi-quyet-an-hanh-la-song-khong-bi-hoi-mieng-voh-1
Các hoạt chất trong hành lá sống rất tốt cho người bệnh tiểu đường (Nguồn: Internet)

2.5 Giảm đau trĩ

Nếu bệnh trĩ khiến bạn đau đớn hoặc có chảy dịch vàng thì hãy lấy hành lá, đập dập, vắt lấy nước cốt rồi nhỏ vào vùng bị trĩ. 

Xem thêm: Các phương pháp đẩy lùi bệnh trĩ được áp dụng phổ biến hiện nay

2.6 Tác dụng khác

Ngoài những tác dụng trên thì hành lá còn được sử dụng cho những trường hợp huyết áp cao, táo bón, đầy bụng khó tiêu,…

Lưu ý: Bác sĩ Bay khuyến cáo những bài thuốc đắp và thấm nước cốt hành lá vào vết thương chỉ là những bài thuốc dân gian truyền miệng, bác sĩ không khuyến khích sử dụng vì đôi khi trong lúc làm thuốc, cối hoặc chày đâm không được vệ sinh kỹ, dụng cụ làm thuốc chứa nhiều vi khuẩn sẽ làm vết thương nhiễm trùng hoặc bội nhiễm.

3. Bí quyết ăn hành lá sống không hôi miệng

Mặc dù nhai hành lá sống rất tốt cho sức khỏe nhưng nhiều người ngại dùng vì sau khi ăn sẽ khiến hơi thở có mùi. Vậy có cách nào để hóa giải mùi đặc trưng của hành lá không?

Theo bác sĩ Bay, nếu chúng ta ăn hành lá chín hoặc chần hành sơ qua nước sôi rồi ăn cũng rất tốt, cách ăn này sẽ không để lại mùi hôi trong miệng. Tuy nhiên, nếu thích ăn hành lá sống mà sợ hơi thở có mùi thì sau khi ăn hãy nhai vài lát dưa leo tươi. Dưa leo giúp “đẩy lùi” mùi hăng của hành rất hay. 

Ngoài ra, nếu có điều kiện, sau khi ăn hành lá sống, bạn đánh răng cũng là cách để khử mùi hăng của hành lá trong miệng.

Lắng nghe chi tiết chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại đây: