1. Ung thư miệng là gì?
Ung thư miệng là ung thư phát triển trong mô của vùng miệng. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ phần nào trong miệng như môi, lưỡi, má, lợi, sàn miệng, vòm miệng cứng hay mềm, xoang và họng. Tuy nhiên, cơ quan thường xảy ra ung thư nhất là lưỡi và môi.
Thống kê trên thế giới cho thấy ung thư miệng là một trong sáu loại ung thư thường gặp nhất. Càng ngày tỷ lệ ung thư vòm miệng trong cộng đồng càng tăng dần, đặc biệt là ở người trẻ. Ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, ung thư miệng chiếm đến 40% ung thư nói chung. Trên thế giới hàng năm, người ta ước tính có khoảng 500.000 trường hợp mắc ung thư mới và có khoảng 1.5 triệu người đang sống chung với bệnh ung thư khoang miệng.
Ung thư miệng dễ bị nhầm lẫn với những bệnh ở miệng khác (Nguồn: Internet)
2. Nguyên nhân gây ung thư miệng
Nguyên nhân chính gây ung thư miệng cho đến nay vẫn chưa rõ, nhưng người ta đã xác định được các yếu tố nguy cơ cao gây ung thư miệng gồm:
2.1 Hút thuốc lá
Sử dụng thuốc lá được coi là yếu tố chính gây ung thư miệng. Nếu không muốn mắc bệnh này hãy học cách từ bỏ thuốc lá.
2.2 Uống quá nhiều rượu, bia
Theo thống kê, có khoảng 75 – 80% số người bị ung thư miệng có sử dụng rượu, bia. Trong số đó, nhiều người vừa nghiện thuốc lá vừa nghiện rượu nên rủi ro mắc bệnh càng tăng cao.
2.3 Ánh nắng mặt trời
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt là ở những thời điểm có tia UV cao sẽ làm tăng nguy cơ ung thư môi. Ở những người da càng sáng, càng dễ bị tổn thương ADN trong tế bào – nguyên nhân gây ung thư.
2.4 Tuổi tác và giới tính
Theo thống kê, có hơn 90% các trường hợp ung thư miệng ở những người từ 45 tuổi trở lên, độ tuổi trung bình mắc bệnh là khoảng 60. Cách đây 40 năm, cứ 5 nam giới mắc ung thư miệng thì có 1 phụ nữ bị bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ này là 2:1. Điều này có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ hút thuốc ở phụ nữ.
2.5 Nhiễm virus HPV
HPV (Human Papilloma Virus) là loại virus lây nhiễm qua đường tình dục. Bệnh có thể lây lan đến miệng nếu người bệnh vô tình để virus dính vào tay và sờ lên miệng. Nhiễm phải virus này, người bệnh có nguy cơ bị ung thư miệng.
Như vậy, có thể nói, ung thư miệng là bệnh có thể phòng tránh được bằng cách loại trừ các yếu tố nguy cơ trên.
3. Dấu hiệu ung thư miệng
Ung thư khoang miệng giai đoạn đầu có triệu chứng khá giống với những bệnh ở miệng khác. Vì vậy, rất khó để bạn tự kiểm tra và nhận biết, cách tốt nhất là nên đến gặp bác sĩ nếu có những triệu chứng ung thư khoang miệng sau đây:
3.1 Có đốm đỏ hoặc trắng trong khoang miệng hoặc họng
Vết loét đóng vảy ở miệng hoặc cổ họng không lành trong 2 tuần là dấu hiệu ung thư miệng giai đoạn đầu.
3.2 Hình thành các u nhỏ
Sự hình thành các khối u nhỏ bên trong khoang miệng và dày niêm mạc miệng, có thể là dấu hiệu ung thư miệng.
3.3 Sự ăn mòn xung quanh môi và lợi
Trong ung thư miệng, các mô của bề mặt trên môi và lợi bị mòn đi, dẫn đến mất mô ở những bộ phận này.
3.4 Mất cảm giác bên trong khoang miệng
Tê và mất cảm giác bên trong khoang miệng cũng là một trong những triệu chứng chính của ung thư miệng.
3.5 Các vết loét đau
Ung thư miệng giai đoạn đầu, vết loét và các vết thương thường không đau. Tuy nhiên, với sự tiến triển của bệnh, những vết loét này dẫn đến đau đớn không thể chịu nổi. Cơn đau thường tăng nếu vết loét bị rách và chảy máu trong khi ăn.
3.6 Răng lung lay và hôi miệng
Triệu chứng này có thể phát triển ở một số bệnh nhân. Đau loét trong lợi có thể là nguyên nhân gây mất răng và có mùi hôi bên trong miệng.
3.7 Rối loạn ngôn ngữ
Nếu ung thư miệng lan ra và ảnh hưởng đến cổ họng, bệnh nhân có thể bị các vấn đề về lời nói. Thêm vào đó, chất lượng giọng nói cũng có thể thay đổi do sự phát triển của ung thư miệng.
3.8 Giảm cân nghiêm trọng
Hầu hết các bệnh ung thư đều có triệu chứng này. Trong ung thư miệng, khó nuốt có thể là nguyên nhân chính gây giảm cân nghiêm trọng.
Mặc dù những triệu chứng của ung thư miệng dễ chẩn đoán, nhưng người bệnh thường rất dễ bỏ qua hoặc cho là mình mắc bệnh khác. Do đó, cần nâng cao nhận thức về căn bệnh này để không phải hối tiếc vì đến bệnh viện lúc đã quá muộn.
4. Ung thư miệng có chữa được không?
Hiện nay, ung thư miệng có thể được chữa trị bằng 3 phương pháp chủ yếu là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Nếu phát hiện ung thư miệng ở giai đoạn đầu thì việc điều trị phẫu thuật cắt bỏ khối u sẽ có kết quả khả quan hơn. Vậy sau phẫu thuật, bệnh nhân ung thư miệng sống được bao lâu?
Thực tế, nếu phẫu thuật ung thư miệng thành công, thì tỷ lệ người bệnh sống trên 5 năm lên đến 85%.
Phẫu thuật điều trị ung thư miệng (Nguồn: Internet)
Tùy theo tiến triển của khối u, có thể áp dụng các mức độ điều trị phẫu thuật khác nhau:
- Cắt bỏ u đơn thuần.
- Cắt u và nạo vét hạch cổ.
- Cắt u, nạo vét hạch cổ kèm phẫu thuật tái tạo.
Xạ trị có thể được sử dụng phối hợp trước hoặc sau phẫu thuật để tăng thêm hiệu quả điều trị, tuy nhiên nó cũng có nhiều tác dụng phụ như khô miệng, sâu răng, loét, chảy máu khoang miệng, hoại tử xương hàm...
Hóa trị liệu có thể dùng phối hợp với xạ trị trong một số trường hợp để làm tăng tác dụng của xạ trị. Hóa trị thường gây ra những tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, rụng tóc.
5. Cách phòng ngừa ung thư miệng
Ung thư miệng là một trong những loại ung thư có thể phòng ngừa. Bạn có thể phòng ngừa bằng cách lưu ý những điều sau đây:
- Duy trì thói quen chăm sóc sức khỏe răng miệng.
- Nếu có răng giả, hãy tháo răng giả khi ngủ ban đêm và làm sạch mỗi ngày.
- Ăn một chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ trái cây và rau củ quả.
- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và sử dụng son dưỡng môi có SPF.
- Uống rượu có chừng mực nếu bạn là người thường xuyên sử dụng rượu.
- Hạn chế hoặc từ bỏ hút thuốc lá.
Mặc dù những cách trên không thể ngăn ngừa hoàn toàn ung thư miệng, nhưng có thể giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.