Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

16 tác dụng của gừng dành cho sức khỏe, làn da

(VOH) - Củ gừng từ lâu được coi là gia vị được sử dụng trong các bữa ăn, ngoài ra, tác dụng của gừng còn rất tốt đối với sức khỏe và sắc đẹp. Có đến 16 tác dụng từ củ gừng mà không phải ai cũng biết.

Gừng (hay còn gọi là sinh khương, can khương, bào khương, khương bì) có tên khoa học là Zingiber officinale1, thuộc họ Zingiberaceae. Gừng có mối quan hệ gần gũi với nghệ, bạch đậu khấu và củ riềng.

16-tac-dung-cua-gung-danh-cho-suc-khoe-lan-da-voh-0
Gừng - gia vị phổ biến trong căn bếp gia đình (Nguồn: Internet)

Tại Việt Nam, gừng được trồng phổ biến để làm gia vị. Gừng có thể để sử dụng ở dạng tươi, khô, bột, dầu hoặc nước ép. Ngoài ra, gừng còn là một nguyên liệu thiên nhiên tốt, được thêm vào thực phẩm chế biến và mỹ phẩm. 

1. Tác dụng của gừng đối với sức khỏe

Củ gừng được dùng để chữa bệnh trong nhiều hình thức y học cổ truyền và thay thế. Tác dụng của gừng được ghi nhận là giúp hỗ trợ tiêu hóa, giảm buồn nôn, chống lại bệnh cúm và cảm lạnh thông thường.

Dưới đây là những tác dụng của gừng đối với sức khỏe đã được nghiên cứu và chứng minh.

1.1 Chống viêm và chống oxy hóa

Gừng có hương thơm và vị đặc trưng, hương vị độc đáo của gừng đến từ các loại dầu tự nhiên của nó, trong đó quan trọng nhất là gingerol. Gingerol là hợp chất hoạt tính sinh học chính trong gừng, có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ.

1.2 Điều trị nhiều dạng buồn nôn, đặc biệt là ốm nghén

Gừng có tác dụng hiệu quả trong việc chống nhiều loại buồn nôn khác nhau, bao gồm buồn nôn liên quan đến hóa trị, buồn nôn sau phẫu thuật, đặc biệt là ốm nghén do thai kỳ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ mang thai thường xuyên bị nghén, dùng từ 1.1 – 1.5gr gừng có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng buồn nôn.

Xem thêm: Bà bầu ăn gừng được không? Cách dùng an toàn cho mẹ và con

1.3 Gừng giúp tan mỡ, giảm cân

Gừng đã được chứng minh là có thể giúp làm giảm đáng kể trọng lượng cơ thể, giảm cảm giác đói và tăng tác dụng nhiệt của thức ăn hoặc lượng calo được đốt cháy trong quá trình tiêu hóa.

1.4 Kiểm soát lượng đường trong máu

Một số hoạt chất trong gừng có thể làm giảm lượng đường trong máu và cải thiện hemoglobin A1c – một dấu hiệu tốt đối với bệnh nhân bị tiểu đường.

1.5 Cải thiện các vấn đề tiêu hóa

Gừng có thể giúp điều trị các vấn đề về dạ dày, chẳng hạn như đầy hơi và khó tiêu. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, gừng có thể giúp tăng cường sự di chuyển của thức ăn qua dạ dày, cải thiện chứng khó tiêu, giảm đầy hơi và giảm co thắt ruột.

1.6 Giảm đau bụng kinh

16-tac-dung-cua-gung-danh-cho-suc-khoe-lan-da-voh-1
Gừng thể giúp làm giảm cơn đau bụng kinh (Nguồn: Internet)

Một trong những công dụng của gừng đã được chứng minh là giúp làm giảm cảm giác đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt. Khi bị những cơn đau vào ngày “đèn bỏ” bạn có thể sử dụng trà gừng để giảm bớt sự khó chịu.

1.7 Giảm cholesterol

Một vài nghiên cứu thực hiện vào năm 2018 cho thấy, gừng có tác dụng làm giảm đáng kể lượng cholesterol LDL (có hại), cholesterol toàn phần và lượng chất béo trung tính trong máu, từ đó giúp làm giảm nguy cơ mắc phải các vấn đề về tim mạch và huyết áp.

Nhiều người cho rằng uống trà gừng sẽ gây tăng huyết áp, nhưng thực tế và khoa học đã chứng minh, uống trà gừng không khiến huyết áp tăng lên, mà còn có tác dụng làm giảm huyết áp cho những người có huyết áp cao.

1.8 Ngăn ngừa một số loại ung thư

Gừng có chứa nhiều chất gingerol, đây là một chất chống oxy hóa, có thể giúp bảo vệ chống lại một số loại ung thư, bao gồm ung thư tuyến tụy và ung thư gan.

1.9 Cải thiện chức năng của não, bảo vệ chống lại bệnh Alzheimer

Căng thẳng oxy hóa và viêm mãn tính có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh Alzheimer và suy giảm nhận thức do tuổi tác.

Một nghiên cứu năm 2012 về phụ nữ trung niên khỏe mạnh, sử dụng chiết xuất gừng tươi hàng ngày đã được chứng minh là giúp cải thiện chức năng não và tăng cường trí nhớ.

1.10 Chống nhiễm trùng

Một lần nữa, chất gingerol trong gừng có tác dụng làm giảm nguy cơ nhiễm trùng. Gừng có hiệu quả trong việc chống lại vi khuẩn đường miệng có liên quan đến viêm nưới và viêm nha chu.

Ngoài ra, sử dụng gừng tươi cũng có hiệu quả trong việc chống lại virus hợp bào hô hấp (RSV) – một nguyên nhân phổ biến của nhiễm trùng đường hô hấp.

1.11 Hỗ trợ chữa bệnh viêm xương khớp

Một số nghiên cứu cho thấy, gừng có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm xương khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp gối.

Xem thêm: Thoái hóa khớp tập luyện như thế nào để bệnh không tiến triển nặng thêm?

2. Tác dụng của gừng trong làm đẹp da và tóc

Ngoài những công dụng tốt cho sức khỏe, sử dụng gừng đúng cách còn mang lại cho bạn nhiều lợi ích đối với làn da và mái tóc. Chẳng hạn như:

2.1 Cải thiện các vết sẹo từ gừng tươi

Các dưỡng chất chống oxy hóa có trong gừng sẽ thẩm thấu sâu vào bên trong, làm mờ vết sẹo, kích thích tái tạo collagen, làm sáng mịn da. Để sử dụng gừng đúng cách, bạn chỉ cần thoa một lát gừng tươi vào vùng da bị sẹo, sau đó để khô, rồi rửa lại bằng nước sạch là được. Bạn thực hiện đều đặn 2-3 lần/ngày, vết sẹo sẽ cải thiện rõ rệt.

16-tac-dung-cua-gung-danh-cho-suc-khoe-lan-da-voh-2
Gừng có thể giúp làm mờ sẹo (Nguồn: Internet)

2.2 Giúp trẻ hóa làn da

Theo các nhà nghiên cứu khoa học, sự kết hợp của gừng tươi và mật ong sẽ tạo ra các dưỡng chất giúp dưỡng da tươi trẻ, căng tràn sức sống. Bên cạnh đó sử dụng gừng tươi để chăm sóc da mặt còn giúp làm mềm da và cải thiện độ đàn hồi.

Bạn thực hiện như sau: trộn các nguyên liệu bột gừng, mật ong và nước chanh tươi theo tỉ lệ 2:1:1 thành hỗn hợp sền sệt, rồi đắp lên mặt khoảng 20 phút sau đó rửa lại bằng nước ấm.

2.3 Củ gừng giúp kích thích tóc mọc nhanh

Gừng cũng là một nguyên liệu chăm sóc tóc tuyệt vời giúp ngăn ngừa tình trạng rụng tóc cực kỳ hiệu quả. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các thành phần axit béo có trong củ gừng rất có lợi cho cô nàng cải thiện vấn đề tóc mỏng.

Để thực hiện, bạn hãy trộn nước ép gừng với dầu jojoba, lấy hỗn hợp này massage da đầu nhẹ nhàng, trong khoảng 30 phút rồi gội sạch. Đều đặn 3 lần/tuần trong 1 tháng, bạn sẽ thấy tóc dày lên, bóng khỏe hơn trước rất nhiều.

2.4 Giảm tình trạng gàu từ củ gừng

Gàu là một trong những vấn đề liên quan đến tóc gây ra da khô và bong tróc trên da đầu, từ đó gây ra ngứa, viêm da đầu. Để khắc phục vấn đề tình trạng gàu, bạn có thể sử dụng nước gừng ấm thay thế dầu gội đầu.

Đầu tiên, bạn thái gừng tươi thành những miếng nhỏ hoặc giã nát, sau đó trộn với dầu oliu hoặc dầu mè. Tiếp đến bạn sử dụng hỗn hợp vừa trộn đắp đều lên da đầu khoảng 15-20 phút, cuối cùng gội lại thật sạch bằng nước gừng ấm.

2.4 Mờ các vết rạn

Mặc dù các vùng da bị rạn trên cơ thể không gây nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến mỹ quan, khiến chị em mất tự tin.

Để khắc phục tình trạng này, bạn cần chuẩn bị hỗn hợp 2 thìa gừng tươi đã được làm sạch, xay nhuyễn trộn với nước cốt chanh, đường và dầu ô liu (hoặc dầu dừa) theo tỉ lệ 1:3:2. Đem hỗn hợp này massage nhẹ nhàng lên mặt và toàn bộ cơ thể theo hướng vòng tròn từ trái qua phải, trong 15-20 phút rồi tắm lại với nước ấm vừa.

 Bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt rõ nét của vết rạn từ đậm đến mờ dần. Ngoài ra, công thức này còn giúp tẩy da chết, dưỡng da, làm săn chắc da hiệu quả.

3. Một số lưu ý cần biết khi sử dụng củ gừng

Gừng được coi là thực phẩm an toàn cho hầu hết mọi người nhưng nếu sử dụng sai cách, với liều lượng lớn thì vẫn có thể mắc phải một số tác dụng phụ tiềm ẩn. Vì thế, dù chế biến các món ăn từ gừng hay pha chế trà gừng, bạn cũng nên cân đối lượng vừa đủ, mỗi ngày chỉ nên dùng khoảng 4g là tốt nhất. 

Xem thêm: 5 tác hại của gừng và 'cảnh báo' 3 đối tượng không nên dùng

4. Thành phần dinh dưỡng có trong củ gừng 

Để có được những công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe và sắc đẹp phụ nữ, chắc chắn gừng phải chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng. Theo bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam, trong 100g củ gừng sẽ có chứa các hàm lượng chất dinh dưỡng sau đây:

16-tac-dung-cua-gung-danh-cho-suc-khoe-lan-da-voh-3
Gừng chứa nhiều thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe và sắc đẹp phụ nữ (Nguồn: Internet)
  • Năng lượng:19 Kcal
  • Chất đạm: 1.82g
  • Chất béo: 0.75g
  • Chất đường bột: 1.7g
  • Chất xơ: 2.0g
  • Canxi: 46mg
  • Sắt: 2.1mg
  • Magie: 44mg
  • Photpho: 42mg
  • Kali: 387mg
  • Natri: 28.2mg
  • Kẽm: 0.34mg
  • Vitamin C: 5mg
  • Vitamin B1: 0.01mg
  • Vitamin B2: 0.04mg
  • Vitamin B6: 0.13mg
  • Vitamin E: 0.2mg

Trên đây là một số tác dụng của gừng đối với sức khỏe và trong việc làm đẹp mà bạn có thể chưa biết. Hy vọng với những chia sẻ trên, bạn sẽ có được những thông tin hữu ích trong việc sử dụng loại nguyên liệu này đối với sức khỏe và sắc đẹp của mình.

Bình luận