Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Bà bầu ăn gừng được không? Cách dùng an toàn cho mẹ và con

(VOH) – Củ gừng vốn nằm trong nhóm thực phẩm có tính ấm nóng, có vai trò cân bằng ‘âm dương’ cho các hoạt động trao đổi chất trong cơ thể. Với những đặc tính như vậy, liệu bà bầu ăn gừng được không?

Củ gừng là một trong những loại gia vị quen thuộc, hiếm khi “vắng mặt” trong gian bếp của mỗi gia đình. Đặc biệt, nhờ cung cấp các chất dinh dưỡng quý như gingerols hay shogaols, gừng thường xuyên được tận dụng làm thành phần cho các dược phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. 

1. Bà bầu ăn gừng được không?

Nhiều ý kiến cho rằng củ gừng có tính nóng nên không thích hợp để thêm vào thực đơn ăn uống của các chị em phụ nữ trong giai đoạn dưỡng thai. Tuy nhiên, quan niệm này không hoàn toàn chính xác. 

Các chuyên gia sản khoa đưa ra lời khuyên rằng ăn gừng giúp nâng cao sức đề kháng và cải thiện sức khỏe, do đó, ngay cả trong thời kì mang thai, các mẹ bầu vẫn có thể ăn gừng được. 

2. Lợi ích sức khỏe khi bà bầu ăn gừng

Nếu biết sử dụng gừng đúng cách, đúng liều lượng, bà bầu sẽ nhận được khá nhiều lợi ích sức khỏe từ loại củ này: 

2.1 Tăng cường hệ miễn dịch

Mẹ bầu nằm trong nhóm đối tượng dễ bị suy giảm sức đề kháng tạm thời và khi mắc bệnh thường rất khó điều trị bởi nhiều loại thuốc chống chỉ định sử dụng trong giai đoạn này. Chính vì lý do đó, các mẹ có thể chủ động cải thiện hệ miễn dịch bằng cách sử dụng thêm các loại “kháng sinh tự nhiên” như củ gừng.

ba-bau-an-gung-duoc-khong-cach-an-an-toan-cho-me-va-con-voh-0
Gừng giúp tăng cường sức đề kháng, phòng các bệnh lý nguy hiểm cho mẹ bầu (Nguồn: Internet) 

2.2 Cải thiện tình trạng ốm nghén

Chứng ốm nghén có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ, đặc biệt là ở kỳ tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu tiên). Để giảm bớt khó chịu và mệt mỏi do tình trạng ốm nghén gây ra, mẹ bầu có thể thử áp dụng các bài thuốc dân gian từ củ gừng như gừng nghiền chanh, mứt gừng. 

Xem thêm: Những món ăn giúp mẹ bầu vượt qua cơn ốm nghén dễ dàng

2.3 Kích thích tiêu hóa

Gừng có vị cay khá đặc trưng, giúp kích thích tỳ vị và tăng cảm giác thèm ăn ở mẹ bầu. Bên cạnh đó, hoạt chất shogoal được tìm thấy trong gừng cũng góp phần thúc đẩy quá trình tiết dịch vị và giảm thiểu các vấn đề tiêu hóa như đầy bụng khó tiêu.  

2.4 Tốt cho xương khớp

Mang thai có lẽ là thời kì mà các chị em phải đối mặt thường xuyên với tình trạng đau nhức xương khớp (chủ yếu ở phần xương chậu), điều này khiến việc đi đứng trở nên khá khó khăn.

Tuy nhiên, nếu sử dụng gừng với lượng hợp lý thì hệ vận động của mẹ bầu được củng cố chắc khỏe hơn. Theo đó, một số nghiên cứu đã chứng mình rằng gừng có công dụng giúp giảm lượng prostaglandin và relaxin – những tác nhân gây sưng viêm và làm khớp ở khung chậu mất ổn định.

Xem thêm: Đau xương chậu ở phụ nữ mang thai có nguy hiểm không ?

2.5 Kiểm soát đường huyết

Phân tích dinh dưỡng chỉ ra rằng các hoạt chất trong gừng có thể giúp cơ thể kiểm soát tốt các chỉ số phản ánh nồng độ đường huyết như hemoglobin A1c, apolipoprotein B hay apolipoprotein A-1.

Theo đó, những biến động của các chỉ số này vượt khỏi mức an toàn thì nguy cơ mắc tiểu đường rất cao. Do vậy, nếu mẹ bầu có thói quen sử dụng gừng hợp lý sẽ phòng tránh được bệnh lý tiểu đường thai kì

2.6 Giảm căng thẳng

Trong thời gian mang thai, tâm trạng của mẹ bầu khá nhạy cảm, thay đổi thất thường và cảm thấy căng thẳng. Những lúc như vậy mẹ có thể dùng một ly trà gừng thơm dịu để tinh thần thêm thư thái, bớt lo âu để không ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. 

ba-bau-an-gung-duoc-khong-cach-an-an-toan-cho-me-va-con-voh-1
Hương thơm dịu của trà gừng sẽ giải tỏa căng thẳng ở mẹ bầu (Nguồn: Internet) 

2.7 Bảo vệ tim mạch

Sử dụng gừng tươi hay gừng khô, mẹ bầu đều có thể tiếp nạp thêm các chất chống oxy hóa quan trọng như polyphenol, gingerols hay shogaols. Đáng chú ý là các nhóm chất này đóng vai trò quan trọng giúp giảm lượng cholesterol xấu (LDL) cùng chất béo trung tính trong máu, nhằm bảo vệ một trái tim khỏe mạnh. 

2.8 Chăm sóc làn da

Quy trình chăm sóc làn da khi mang thai luôn nhận được nhiều sự quan tâm từ các chị em phụ nữ. Nếu đang tìm một loại “mỹ phẩm thiên nhiên” an toàn để cải thiện tình trạng da khô sạm trong thời kì này thì không nên bỏ qua củ gừng.

Xem thêm: 8 quy tắc chăm sóc da mà mẹ bầu cần biết

2.9 Kích thích mọc tóc

Do những rối loạn hormone estrogen trong cơ thể nên mẹ bầu thường phải đối mặt với nguy cơ tóc bị gãy rụng, xơ rối. Thật may rằng các thành phần axit béo do gừng cung cấp sẽ khắc phục hiệu quả vấn đề này, tóc sẽ dày lên và chắc khỏe. 

3. Bà bầu ăn gừng thế nào là tốt? 

Gừng là một thực phẩm giúp nâng cao sức khỏe vô cùng hữu hiệu, song để đảm bảo tận dụng tối đa những lợi ích đó, mẹ bầu nên thực hiện những lưu ý ăn gừng đúng cách:

  • Không lạm dụng ăn quá nhiều gừng, để tránh nguy cơ bị ợ nóng. 
  • Mẹ bầu có thể ăn kẹo gừng, trà gừng nhưng mỗi ngày chỉ nên sử dụng khoảng 1g gừng (tương đương với 4 gói trà gừng).
  • Khi tới gần ngày chuyển dạ thì nên hạn chế dùng gừng, nhằm ngăn ngừa chảy máu âm đạo, sinh non. 

Có thể thấy gừng không chỉ là một loại gia vị góp phần làm trọn vị các món ăn mà còn mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe. Vậy nên mẹ bầu hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng nhé! 

Bình luận