Bà bầu ăn cam có tốt không? 10 lý do để mẹ yên tâm ăn cam

(VOH) – Vị chua chua ngọt ngọt của những trái cam vốn đã ‘chiếm’ được tình cảm của nhiều người, đặc biệt với các chị em đang trong thời kì cần ‘tẩm bổ’ để dưỡng thai. Vậy bà bầu ăn cam có tốt không?

Có thể nói cam là thức quả được thu hoạch vào khá nhiều thời vụ trong năm bởi các giống cam rất đa dạng, nhưng nhìn chung bắt đầu từ độ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Dù cam được biết đến như một trái cây “thân thiện” nhưng khi bước vào giai đoạn thai kì, việc tìm hiểu những tác động của loại quả này tới sức khỏe là điều mẹ bầu nên làm. 

1. Bà bầu ăn cam có tốt không?

Quả cam thuộc nhóm quả mọng nước và cung cấp dồi dào các vitamin quan trọng, điển hình như vitamin C, B2 hay PP, góp phần cải thiện sức khỏe vô cùng hiệu quả. 

Theo lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng, bà bầu hoàn toàn có thể ăn cam để bổ sung thêm các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể mẹ cũng như cho sự phát triển toàn diện của thai nhi. 

Dưới đây là những lợi ích mà bà bầu có thể nhận được khi sử dụng cam với một lượng hợp lý: 

1.1 Cải thiện hệ miễn dịch

Xây dựng hệ miễn dịch “vững chãi” là một trong những ưu tiên hàng đầu của các chị em trong thời kì mang thai, chính vì lý do đó mà quả cam thường thuộc danh sách thức quả mẹ bầu nên ăn thêm.

Theo đó, các hợp chất dinh dưỡng được tìm thấy trong cam như anthocyanins, flavanones hay axit hydroxycinnamic được ví như những “vệ sĩ” bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé. 

1.2 Duy trì độ ẩm của da

Khi mang thai, sức khỏe làn da của mẹ bầu thường “xuống cấp”, đặc biệt là vùng da ở bụng và đùi. Với hàm lượng lớn vitamin C, trái cam có thể giúp ngăn ngừa tình trạng da nứt nẻ và thô ráp, bởi dưỡng chất này có công dụng duy trì độ ẩm của da rất hữu hiệu. 

ba-bau-an-cam-co-tot-khong-10-ly-do-de-me-yen-tam-an-cam-voh-0
Mẹ bầu nên bổ sung thêm vitamin C để cải thiện tình trạng da khô nứt (Nguồn: Internet) 

1.3 Điều hòa huyết áp

Rối loạn tăng huyết áp thai kì có thể là một trong những nguyên nhân dẫn tới tiền sản giật, gây ảnh hưởng tới tính mạng của cả mẹ và bé. Để chủ động phòng tránh tình trạng này, mẹ có thể bổ sung cam vào các bữa ăn phụ trong ngày, nhằm tiếp nạp thêm vi chất magie tự nhiên, từ đây có thể điều hòa huyết áp ổn định. 

Xem thêm: ng huyết áp thai kỳ nguy hiểm thế nào, làm sao nhận biết và phòng ngừa?

1.4 Bù nước cho cơ thể

Nhiệt độ cơ thể của mẹ bầu thường cao hơn so với các đối tượng khác, rất dễ đổ mồ hôi và luôn cần nạp nước đủ để hoạt động cũng như nuôi dưỡng em bé trong bụng. Nếu ăn cam một lượng hợp lý, không những giúp mẹ bầu giải nhiệt mà còn bù nước hiệu quả vì trong thức quả này có hơn 80% là nước. 

1.5 Bảo vệ đường hô hấp

Hoạt chất carotene được tìm thấy trong những thức quả có màu cam được đánh giá là một chất chống oxy hóa giúp ngăn chặn các vi khuẩn gây viêm nhiễm đường hô hấp và giảm dị ứng hen suyễn.

Do vậy mẹ bầu được khuyến cáo nên ăn thêm cam để đẩy lùi cảm cúm, viêm phế quản phổi – tác nhân gây ảnh hưởng xấu tới quá trình hình thành các bộ phận của thai nhi. 

Xem thêm: Cách phòng ngừa cảm cúm khi mang thai, giúp bảo vệ sức khỏe mẹ bầu trong mùa dịch corona

1.6 Thúc đẩy tiêu hóa

Hàm lượng progesterone của mẹ bầu thường tăng cao, làm giảm nhu động ruột nên mẹ cần tăng cường nạp chất xơ từ cam để kích thích hoạt động này diễn ra, hỗ trợ đẩy thức ăn qua ruột kết. Đây cũng là liệu pháp để kiểm soát chứng rối loạn tiêu hóa và táo bón xảy ra trong thai kì

ba-bau-an-cam-co-tot-khong-10-ly-do-de-me-yen-tam-an-cam-voh-1
Uống nước cam sẽ kích thích hệ tiêu hóa hoạt động, giảm táo bón (Nguồn: Internet) 

1.7 Phòng chống sỏi thận

Ở thời kì mang thai, nhu cầu nước của cơ thể mẹ bầu tăng lên nhưng đôi khi lượng nước được cung cấp lại không đủ, làm gián đoạn hoạt động bài tiết của thận, gây lắng đọng sỏi.

Theo các phân tích dinh dưỡng thì hoạt chất axit citric được tìm thấy trong cam góp một phần không nhỏ hòa tan sỏi, đào thải các cặn lắng trong cơ thể, giúp phòng chống bệnh sỏi thận. 

Xem thêm: Top 5 cách ‘đánh tan’ sỏi thận tại nhà cực hay, nhiều người đã áp dụng hiệu quả

1.8 Ngăn ngừa chảy máu sau sinh

Hiện tượng băng huyết sau sinh hay chảy máu sau sinh là một tai biến sản khoa thường gặp, nếu không kịp thời can thiệp sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng của người mẹ.

Nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng này, lời khuyên dành cho bà bầu là nên ăn thêm cam để hấp thu thêm vitamin C, tăng cường độ đàn hồi của thành mạch máu và tử cung. 

1.9 Tăng cường sức khỏe tim mạch

Chất xơ hòa tan pectin từ cam được coi là “khắc tinh” của cholesterol xấu trong máu, bởi có đặc tính ngăn chặn các cholesterol này bám vào động mạch và gây ra các bệnh lý tim mạch nguy hiểm ở bà bầu. 

1.10 Kiểm soát dị tật thai nhi

Axit folic cùng với vitamin B6 trong cam là các nhóm chất dinh dưỡng không thể thiếu để thúc đẩy sự phát triển trí não của em bé, đồng thời giảm tỉ lệ mắc dị tật ống thần kinh và các tổn thương cột sống.

Xem thêm: Cách phát hiện và ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi, đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh

2. Bà bầu 1 ngày nên uống bao nhiêu nước cam?

Nhiều thắc mắc rằng bà bầu uống nước cam có tốt không hay chỉ nên ăn trực tiếp, câu trả lời là các mẹ có thể áp dụng cả hai phương pháp. Tuy nhiên nếu mắc tiểu đường thai kì thì khuyến khích bà bầu nên chọn cách ăn trực tiếp. 

ba-bau-an-cam-co-tot-khong-10-ly-do-de-me-yen-tam-an-cam-voh-2
Bà bầu có thể ăn cam trực tiếp hoặc ép lấy nước uống (Nguồn: Internet) 

Theo đó, bà bầu 1 ngày nên uống khoảng 200ml nước cam ép (tương đương từ 1-2 quả cam), mỗi tuần từ 3-4 lần, tránh pha trộn quá nhiều đường hoặc chất tạo ngọt. 

Đặc biệt, không nên sử dụng các sản phẩm từ sữa sau khi vừa ăn hoặc uống nước cam để phòng ngừa tình trạng chướng bụng, khó tiêu. Bên cạnh đó nếu đang mắc chứng tiêu chảy thì cần giảm liều lượng cam trong khẩu phần ăn. 

Xem thêm: 4 ‘thủ phạm’ gây chướng bụng đầy hơi và biện pháp giúp cải thiện tình trạng hiệu quả

3. Một số tác dụng phụ khi bà bầu sử dụng nhiều cam

Dù cam là một thức quả bổ dưỡng dành cho cả mẹ và bé khi dưỡng thai, song nếu sử dụng quá nhiều sẽ khó tránh khỏi những tác dụng phụ dưới đây:

  • Nồng độ axit citric tăng cao sẽ làm tổn hại men răng và gây ra chứng ợ nóng. 
  • Dư thừa kali trong máu, gây khó thở và suy tim.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản do rối loạn hàm lượng axit. 
  • Nếu đang điều trị thuốc kê đơn, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn thêm cam để tránh bị kháng thuốc. 

Hy vọng rằng với những chia sẻ trên, các mẹ bầu sẽ yên tâm hơn khi thêm cam trong khẩu phần ăn của mình nhé. Đặc biệt, hãy cẩn trọng những tác dụng phụ có thể xảy ra, nhằm đảm bảo thai kì diễn ra suôn sẻ.