Chờ...

Đắk Lắk: Bệnh nhân trở về từ Nam Phi âm tính với vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ

(VOH) - Theo Sở Y tế Đắk Lắk, bệnh nhân nổi mụn đỏ sau khi trở về từ Nam Phi âm tính với vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ.

Ngày 4/11, theo kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, trường hợp bệnh nhân có yếu tố dịch tễ từ Nam Phi trở về tỉnh Đắk Lắk có kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR âm tính với vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ.

Sở Y tế Đắk Lắk
Sở Y tế Đắk Lắk công bố, bệnh nhân trở về từ Nam Phi âm tính với vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ

Xem thêm: Đắk Lắk: Một trường hợp trở về từ Nam Phi nổi mụn đỏ, nghi mắc đậu mùa khỉ

Trước đó, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận trường hợp bệnh nhân ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar trở về từ Nam Phi có biểu hiện đau mỏi các khớp và xuất hiện nhiều nổi mụn đỏ ở bụng và lưng, bệnh nhân đã thực hiện khai báo y tế và tự cách ly tại nhà.

Hiện tại bệnh nhân khỏe mạnh, không sốt, đau mỏi các khớp toàn thân, nổi nhiều mụn đỏ ở bụng và lưng. Những trường hợp tiếp xúc gần chưa có biểu hiện bất thường khác.

Các cơ quan y tế tại Đắk Lắk đã triển khai các biện pháp phòng chống bệnh, điều tra, xác minh trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tư vấn cho bệnh nhân và người nhà thực hiện việc cách ly phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ và truyền thông kiến thức phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ cho gia đình, cộng đồng xung quanh. Bệnh nhân đã được lấy mẫu dịch từ vết tổn thương mụn đỏ trên da và ngoáy họng và gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên làm xét nghiệm.

Bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc gần với người bệnh, bao gồm tiếp xúc mặt với mặt, da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, quan hệ tình dục. Đa số người bệnh sẽ khỏi sau 10-14 ngày với cơ địa có miễn dịch bình thường và hết lây lan sau 21 ngày, một số trường hợp chuyển biến nặng.

Các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban nhìn giống như mụn nước trên mặt, trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục, hậu môn.