Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Dấu hiệu bệnh gout – phát hiện càng sớm điều trị càng dễ

(VOH) - Tìm hiểu triệu chứng bệnh gout sẽ giúp bạn dễ dàng nhận biết sớm căn bệnh này. Nó không chỉ giúp điều trị hiệu quả mà còn sớm ngăn chặn bệnh tiến triển nặng hơn.

Gout hay gút là một bệnh dạng viêm khớp, còn gọi là thống phong. Bệnh chủ yếu xảy ra ở tuổi trung niên trở lên, nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới. Bệnh gout thường bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác. Do đó, việc tìm hiểu dấu hiệu bệnh gout để nhận biết sớm là vô cùng cần thiết, góp phần quan trọng vào hiệu quả điều trị.

1. Dấu hiệu bệnh gout

Biểu hiện bệnh gout rất điển hình. Triệu chứng bệnh gút nhẹ thường là những cơn đau khớp cấp. Sau đó nặng hơn sẽ gây sưng, nóng, đỏ, đau tại nhiều khớp.

Khớp đau rất dữ dội, nhất là sau khi người bệnh uống rượu, ăn các loại phủ tạng động vật, hải sản, đau nhiều vào ban đêm. Trong cơn đau khớp, người bệnh có thể bị sốt vừa hoặc sốt nhẹ, mệt mỏi, nước tiểu ít và đỏ.

dau-hieu-benh-gout-phat-hien-cang-som-dieu-tri-cang-de-voh-1

Bệnh gout thường khởi đầu là những cơn đau nhức khớp (Nguồn: Internet)

Khớp sưng đau hay gặp nhất là khớp ngón chân cái, khớp cổ chân hoặc các khớp bàn chân, khớp gối, cổ tay, khuỷu tay và khớp nhỏ của bàn tay, đôi khi xuất hiện ở những khớp nhỏ có ở khắp nơi trên cơ thể.

Đó là những triệu chứng điển hình xảy ra khi xuất hiện cơn gout cấp tính. Tuy vậy, ở giai đoạn đầu của bệnh gút thường không có triệu chứng nào ngoại trừ xét nghiệm thấy nồng độ acid uric trong máu tăng cao.

Đa số các bệnh nhân bệnh gout sau khi điều trị dứt điểm cơn đau khớp đều tưởng rằng bệnh đã khỏi hẳn. Tuy nhiên, bệnh vẫn còn đang âm thầm tiến triển càng ngày càng nặng và gây biến chứng. Do đó, nếu không tiếp tục điều trị cho dứt điểm, các cơn đau sẽ xuất hiện trở lại và ngày càng nhiều hơn, nặng hơn và có biến chứng xuất hiện.

Khi bệnh gout chuyển sang mạn tính, việc điều trị sẽ khó khăn hơn, thậm chí có thể để lại hậu quả là viêm nhiều khớp, xuất hiện nhiều u cục quanh khớp, cứng khớp, biến dạng khớp, nguy hiểm nhất là có thể suy chức năng thận.

2. Các giai đoạn của bệnh gout

Dựa vào mức độ nghiêm trọng, bệnh gout được chia thành 3 giai đoạn:

2.1 Giai đoạn 1

Ở giai đoạn 1, mức axit uric trong máu đã tăng lên nhưng vẫn chưa xuất hiện các triệu chứng bệnh gút. Bạn có thể không bao giờ cảm nhận được các dấu hiệu bệnh gút ở giai đoạn 1. Thông thường, người bệnh chỉ nhận thấy triệu chứng đầu tiên của bệnh gout sau khi họ bị bệnh sỏi thận.

2.2 Giai đoạn 2

Ở giai đoạn này, nồng độ axit uric rất cao, dẫn đến hình thành các tinh thể xuất hiện ở ngón chân. Bạn sẽ cảm thấy đau khớp nhưng cơn đau sẽ không kéo dài. Một thời gian sau, bạn sẽ gặp các triệu chứng khác của bệnh gout với cường độ và tần suất ngày càng gia tăng.

2.3 Giai đoạn 3

Ở giai đoạn 3, các triệu chứng của bệnh sẽ không biến mất và các tinh thể axit uric sẽ tấn công nhiều khớp. Đây là giai đoạn sẽ xuất hiện các khối chất nổi dưới da. Tình trạng này sẽ làm bạn bị đau nghiêm trọng hơn và có thể phá hủy sụn.

Thực tế, hầu bệnh nhân chỉ mắc bệnh gút ở giai đoạn 1 và 2, rất hiếm người bị gút giai đoạn 3 do các triệu chứng bệnh gút đã được điều trị đúng cách ở giai đoạn 2.

dau-hieu-benh-gout-phat-hien-cang-som-dieu-tri-cang-de-voh-2

Bệnh gout không điều trị đúng cách có thể làm biến dạng khớp (Nguồn: Internet)

3. Làm sao để điều trị bệnh gout hiệu quả?

Thông thường, bệnh gout sẽ được điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) để giảm đau khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Ngoài ra, bác sĩ có thể dùng corticosteroid, một loại kháng viêm mạnh để điều trị. Bác sĩ cũng có thể chỉ định sử dụng colchicine nếu NSAIDscorticosteroid không có tác dụng.

Để chữa bệnh gout hiệu quả bạn cần sử dụng thuốc càng sớm càng tốt, khi cơn đau bất ngờ xảy ra. Sau khi uống thuốc, cơn đau thường sẽ biến mất trong vòng 12 giờ, nhưng hãy dùng thuốc đúng liệu trình, không bỏ giữa chừng khi thấy triệu chứng đau đã hết.

Bên cạnh việc dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ, người bệnh gout cũng cần thay đổi thói quen sinh hoạt và ăn uống để điều trị bệnh triệt để hơn và tránh tái phát. Theo đó, người bệnh gout cần:

  • Giảm cân nếu đang béo phì.
  • Tránh ăn nội tạng, nhất là gan, cá mòi và cá trứng.
  • Tránh ăn hải sản và thịt đỏ.
  • Hạn chế các loại thức ăn chứa nhiều purine.
  • Kiêng ăn mỡ động vật.
  • Tăng cường ăn rau, củ, trái cây.
  • Uống khoảng 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.
  • Uống cà phê và bổ sung vitamin C.
  • Ngừng uống rượu, bia.
  • Tập thể dụng hàng ngày.
Bình luận