Dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ em phát hiện sớm để tránh hệ lụy

(VOH) – Tay chân miệng là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ từ 3 – 5 tuổi. Bệnh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe khi không được điều trị đúng cách và kịp thời.

Con số thống kê từ Trung tâm y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong tháng 9/2019 đã ghi nhận hơn 6.500 ca bệnh tay chân miệng và số liệu này đã tăng gấp đôi so với 1 tháng trước đó (tức là ghi nhận trong tháng 8). Mặc dù bệnh có thể tự khỏi nhưng với tốc độ lây lan nhanh và có thể gây ra biến chứng thì đây là căn bệnh cần phải được quan tâm nhiều hơn, nhất là các bậc cha mẹ có con nhỏ.

1. Tay chân miệng là bệnh gì, làm sao nhận diện?

Bệnh tay chân miệng là một bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ, xuất hiện theo chu kỳ hàng năm, tức là mỗi năm cứ đến một thời điểm nào đó thì số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng sẽ tăng lên.

Đây là một bệnh nhiễm trùng lây lan cấp tính do một loại siêu vi, mà siêu vi đó xuất phát từ đường ruột lây qua đường ăn uống (dịch tiết nước bọt của trẻ), với biểu hiện bên ngoài là những sang thương như: nổi hồng ban nhỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc là những vết loét ở miệng. Kèm theo đó trẻ có thể bị sốt nhẹ, thậm chí sốt cao.

Theo bác sĩ Nguyễn Trần Nam (Trưởng khoa Nhiễm-BV nhi đồng TP, huyện Bình Chánh), bệnh tay chân miệng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều tổn thương nghiêm trọng trên hệ thần kinh của trẻ, chẳng hạn như: viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim,....đặc biệt là có thể lây lan cho cộng đồng.

Chính vì thế, việc nhận diện những dấu hiệu cũng như các giai đoạn bệnh tay chân miệng ở trẻ là một yếu tố quan trọng góp phần làm giảm thiểu nguy cơ trẻ có diễn tiến nặng gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của bé. 

dau-hien-nhan-biet-de-chan-dung-he-luy-benh-tay-chan-mieng-o-tre-em-voh

Trẻ bị bệnh tay chân miệng nếu không điều trị sớm có thể gây nguy hiểm sức khỏe của trẻ (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được đâu là dấu hiệu cho thấy bé có nguy cơ diễn tiến nặng. Do đó, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đến những sự thay đổi của con trong thời gian bé bị bệnh tay chân miệng, cụ thể là:

  • Sốt: Trẻ bị tay chân miệng có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao. Vì thế, cha mẹ cần phải theo dõi và đo nhiệt độ trẻ liên tục. Nếu trẻ sốt hơn 38 độ hoặc 38.5 độ thì bắt đầu cho bé uống thuốc hạ sốt. Khi trẻ sốt hơn 39 độ và cũng đã uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn không hết sốt thì cần đưa trẻ đến bệnh viện.
  • Co giật chới với: Đây là hiện tượng bé đang ngủ bỗng bị giật mình chới với, không phải chỉ có giật mình. Cha mẹ cần phân biệt rõ, giật mình tức là bé có cử động chân, tay, bé trằn trọc khó ngủ. Còn giật mình chới với là bé rung hẳn cả người và có cảm giác muốn té, bị mất thăng bằng.
  • Những dấu hiệu khác như: bé quấy khóc liên tục, da bé “nổi bông”, bé đi loạng choạng, tay chân run rẩy....

Đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ đang không ổn và cần phải đưa bé đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và điều trị. Không nên chậm trễ bởi bệnh tay chân miệng có diễn tiến cấp tính rất nhanh. Chỉ sau 6 đến 12 tiếng là có thể trở nên rất nặng và sẽ gây rất nhiều khó khăn trong việc điều trị sau đó.

2. Bệnh tay chân miệng và khả năng tái phát

Có nhiều bậc cha mẹ chủ quan khi cho rằng trẻ đã từng bị bệnh tay chân miệng sẽ không mắc lại lần 2, tuy nhiên trên thực tế căn bệnh này hoàn toàn có thể quay trở lại trên cơ thể trẻ nhiều lần. Bởi cho đến hiện tại vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa bệnh tay chân miệng, vì thế khả năng tạo kháng thể chống lại siêu vi gây bệnh tay chân miệng là rất thấp. 

Bên cạnh đó, siêu vi đường ruột là một loại siêu vi có rất là nhiều chủng, nhiều chi, nhiều họ và có thể lây lan cho nhau. Chính vì thế, những trẻ đã từng bị mắc tay chân miệng thì vẫn có thể mắc lại căn bệnh này nhưng của những chủng khác. Theo bác sĩ Nguyễn Trần Nam (Trưởng khoa Nhiễm -BV Nhi đồng TP) trong tất cả các chủng gây bệnh tay chân miệng cho người gồm có các chủng là: chủng A, chủng B, chủng C và trong các chủng đó thì nhóm Enterovirus 71 thuộc chủng A là có thể gây biến chứng.

3. Có hay không việc sử dụng thuốc sẽ điều trị được bệnh tay chân miệng?

Bệnh tay chân miệng là bệnh cấp tính, thường sẽ diễn tiến trong vòng 7 ngày và sau đó bệnh sẽ tự khỏi. Tuy nhiên do tính chất của bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nên bắt buộc cha mẹ phải theo dõi và đưa con đi gặp bác sĩ ngay khi trẻ có những biểu hiện bất thường.

dau-hien-nhan-biet-de-chan-dung-he-luy-benh-tay-chan-mieng-o-tre-em-1-voh

Mục tiêu điều trị bệnh tay chân miệng là giảm thiểu các triệu chứng và các mối nguy cơ (Nguồn: Internet)

Trẻ bị tay chân miệng thường sẽ không cần làm xét nghiệm, bởi việc xét nghiệm chỉ làm tăng mức chi phí chứ không phục vụ nhiều cho vấn đề điều trị cũng như theo dõi diễn tiến bệnh.

Ngoài ra, bệnh tay chân miệng hiện vẫn là một bệnh không có vắc-xin phòng ngừa và cũng là một bệnh không có thuốc điều trị triệt để. Do đó, mục tiêu điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ tại bệnh viện là giúp trẻ giảm thiểu các triệu chứng và các mối nguy cơ.

Cần lưu ý, hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm thuốc được quảng cáo là có thể chữa khỏi hoặc ngăn ngừa hoàn toàn bệnh tay chân miệng, tuy nhiên theo bác sĩ Nguyễn Trần Nam, tất cả các quảng cáo trên đều không được kiểm chứng bởi phương pháp nghiên cứu khoa học, do đó các bậc phụ huynh cần phải thật cân nhắc khi cho trẻ sử dụng các loại thuốc này. 

Đối với bệnh tay chân miệng ở trẻ em, bên cạnh việc điều trị theo phác đồ của bác sĩ thì quan trọng nhất vẫn là chú trọng đến việc phòng ngừa. Theo đó, cha mẹ có thể chủ động phòng ngừa cho trẻ bằng cách:

  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân có trẻ, đặc biệt là phải rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi trẻ đi vệ sinh.
  • Hạn chế cho trẻ đến các môi trường đông đúc, bởi nó có thể là nguồn lây bệnh cho trẻ.
  • Vệ sinh sạch sẽ các vật dụng, đồ chơi của trẻ bằng các dung dịch sát trùng như Cloramin-B hoặc dung dịch Javen...

Như vậy, bệnh tay chân miệng là bệnh cấp tính có thể tự khỏi, tuy nhiên bệnh có khả năng lây lan nhanh cho cộng đồng, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Hiện tại bệnh vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc điều trị triệt để, do đó việc chủ động phòng ngừa sẽ là cách tốt nhất để chặn đứng những hệ lụy của bệnh tay chân miệng có thể gây ra cho trẻ.

Bình luận