1. Đau mỏi vai gáy là bệnh gì?
Đau mỏi vai gáy là cảm giác đau mỏi, tê bì khó chịu vùng cổ, vai gáy. Nhiều người sau một đêm ngủ dậy bỗng thấy đau nhức khắp cơ thể, đặc biệt là đau cổ vai gáy, đau tê dại vùng vai, gáy, đôi khi đau bả vai lan xuống cánh tay, làm tê mỏi cánh tay, cẳng tay và ngón tay. Hiện tượng này có thể kéo dài trong nhiều ngày, thậm chí là nhiều tháng,…
Đau mỏi vai gáy có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính. Cơn đau sẽ tăng lên khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi.
Đau mỏi vai gáy thường xuất hiện sau khi mới ngủ dậy (Nguồn: Internet)
2. Nguyên nhân gây đau mỏi vai gáy
Bị đau mỏi vai gáy thường do một số nguyên nhân sau đây:
2.1 Thói quen nằm ngủ
Gối đầu cao khi ngủ hoặc kê đầu trên vật cứng trong một thời gian dài (vài tiếng) như khi đi xe đường dài ngủ tựa đầu trên ghế, nằm xem tivi,…là nguyên nhân gây ra các cơn đau cổ, đau vai gáy.
2.2 Thói quen hoạt động và ngồi làm việc sai tư thế
Lười vận động, do tính chất công việc phải ngồi cố định một chỗ trong thời gian dài (nhân viên văn phòng, tài xế, công nhân…), uốn vặn cổ mạnh đột ngột, mang vác vật nặng trên vai thường xuyên hoặc lao động gắng sức gây tổn thương cho cột sống cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng đau mỏi vai gáy.
2.3 Do bệnh lý
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng đau mỏi vai gáy cổ còn do tổn thương các mặt khớp của cột sống cổ như thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, chấn thương vùng cổ, ung thư, lao, u hố sau,…Những bệnh lý này khiến dây thần kinh vùng vai gáy bị chèn ép dẫn đến các cơn đau đớn, nhức nhối, tê mỏi khắp vùng cổ, đau mỏi vai gáy tê tay,…
3. Biểu hiện của hiện tượng đau mỏi vai gáy
Đau mỏi vai gáy có các biểu hiện đa dạng, thường xuất hiện bất ngờ, đột ngột. Sau đó có thể hết nhanh trong thời gian ngắn hoặc kéo dài nếu như mắc các bệnh về cột sống. Những biểu hiện bao gồm:
- Người bệnh cảm thấy đau dữ dội vùng cổ, vai gáy ngay sau khi ngủ dậy hoặc sau lao động quá sức.
- Mỗi khi hoạt động mạnh, đi lại nhiều thì cơn đau có dấu hiệu tăng lên, thậm chí hắt hơi cũng thấy đau.
- Nếu chỉ đau mỏi vai gáy do thói quen sinh hoạt thì cơn đau chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và sẽ tự hết. Trường hợp đau vai gáy do bệnh lý thì ngoài đau mỏi ở cổ, vai gáy thì cơn đau có thể lan lên đầu, xuống cánh tay và các ngón tay gây tê bì, rối loạn cảm giác, khó cử động linh hoạt.
- Một số trường hợp khác có thể bị hoa mắt, chóng mặt, ù tai,…do lượng máu lưu thông lên não giảm.
4. Đau mỏi vai gáy uống thuốc gì?
Nếu bệnh nhẹ, cơn đau không kéo dài, bản thân bạn có thể tự điều trị bằng cách dùng cao dán hoặc dùng 2 tay xoa bóp, gõ, vuốt cho vùng cổ, vai, gáy nhiều lần để giảm đau. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đến các cơ sở vật lý trị liệu hoặc cơ sở Đông y để được xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu nhằm giảm đau.
Người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau (Nguồn: Internet)
Về thuốc điều trị đau mỏi vai gáy, thông thường bạn sẽ dùng thuốc giảm đau chống viêm, phong bế thần kinh, giãn cơ và vitamin nhóm B. Bạn có thể dùng thuốc giảm đau bằng đường uống hoặc cao dán. Tùy vào từng nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc điều trị thích hợp.
Ngoài ra, cách làm giảm đau mỏi vai gáy hiệu quả có thể kết hợp với biện pháp xoa, ấn gõ nhẹ nhàng vùng gáy, bả vai, cánh tay. Tuy nhiên, bạn cần phải nhớ là không được xoa bóp, bấm huyệt hoặc tập vận động trong giai đoạn cấp tính.
5. Cách phòng tránh đau mỏi vai gáy
Để không bị đau mỏi vai gáy làm phiền thì bạn nên:
- Ngồi làm việc đúng tư thế, nên giải lao giữa giờ làm việc, có thể đứng lên, ngồi xuống hoặc vận động tay chân tại chỗ nhẹ nhàng.
- Khi ngủ chỉ gối đầu cao khoảng 10cm, vừa khít với độ cong sinh lý sau gáy, phần trên của vai phải đặt ở trên gối để tránh cột sống cổ và các cơ bắp bị kéo giãn.
- Khi xem tivi nên tựa lưng vào đệm, đầu hơi ngửa ra sau thành ghế, cổ tựa vào một điểm phù hợp với độ cong sinh lý của cổ.
- Nghe điện thoại nên cầm ở tay, không nên kẹp vào vai.
- Những người lao động hay phải cúi người như diễn viên xiếc, phi công, tài xế, công nhân…nên có những bài tập riêng hàng ngày để tránh làm tổn thương các dây thần kinh vai, gáy.