Đau ngực ở phụ nữ - dấu hiệu thường gặp hay bệnh tật ‘gọi tên’

(VOH) - Đau ngực ở phụ nữ là hiện tượng phổ biến và hầu như chị em nào cũng bị nhiều lần trong một năm. Nhiều chị em lo lắng vì nghi ngờ rằng đó là dấu hiệu của ung thư vú. Vậy sự thật như thế nào?

1. Nguyên nhân gây đau ngực ở phụ nữ

Đau ngực hay đau vú ở phụ nữ là tình trạng đau, bị mềm hay cảm giác khó chịu ở ngực và vùng dưới cánh tay. Có nhiều nguyên nhân gây đau ngực, có thể do thói quen sinh hoạt không đúng, do các căn bệnh,…Nếu bạn thường xuyên bị đau ngực thì hãy xem xét những lý do dưới đây:

1.1 Do hormone sinh sản

dau-nguc-o-phu-nu-la-binh-thuong-hay-benh-tat-goi-ten-voh-1

Đau ngực trước khi có kinh là hiện tượng bình thường (Nguồn: Internet)

Cách chuyên gia y tế ghi nhận, đau ngực ở phụ nữ có liên quan đến hormone sinh sản, gây ra tình trạng đau ngực theo chu kỳ. Đau ngực khi có kinh là hiện tượng sinh lý bình thường, phụ nữ sẽ thấy đau ngực trước kỳ kinh hoặc đau ngực khi hành kinh. Đây là một dấu hiệu tích cực, chứng tỏ khả năng sinh sản của bạn đang hoạt động bình thường.

Đau ngực theo chu kỳ thường giảm hoặc biến mất khi chị em mang thai hoặc bước vào giai đoạn mãn kinh.

1.2 Do cấu trúc ngực

Đau ngực không theo chu kỳ thường do cấu trúc của ngực như u nang ngực, chấn thương ngực hoặc phẫu thuật ngực.

1.3 Thai kỳ

Ngực sưng, nhạy cảm và đau có thể là những dấu hiệu đầu của việc mang thai. Đau ngực khi mang thai thường dữ dội hơn vo với đau ngực trước khi có kinh. Tuy nhiên, sau một thời gian, ngực sẽ tăng kích thước rõ ràng, khi đó cơn đau sẽ giảm dần.

1.4 Đau ngực khi cho con bú

dau-nguc-o-phu-nu-la-binh-thuong-hay-benh-tat-goi-ten-voh-2

Phụ nữ cũng có thể bị đau ngực nhẹ trong giai đoạn cho con bú (Nguồn: Internet)

Sau khi sinh 2 – 5 ngày, phần lớn người mẹ sẽ có cảm giác căng ngực, đi kèm những cơn đau ngực nhẹ. Căng ngực có thể chuyển thành dạng căng sữa nếu bé không bú đủ hoặc người mẹ không tìm cách vắt sữa kịp thời. Khi đó, tuyến sữa sưng lên khiến bầu ngực của mẹ có cảm giác cứng, vùng da xung quanh trở nên căng bóng.

1.5 Sử dụng thuốc

Phụ nữ có thể bị đau ngực khi sử dụng một số loại thuốc như thuốc nội tiết tố để điều trị vô sinh, thuốc tránh thai đường uống,…Ngoài ra, đau ngực ở phụ nữ có thể do tác dụng phụ của liệu pháp hormone estrogen.

1.6 Do kích thước ngực

Phụ nữ có ngực lớn có thể bị đau ngực không theo chu kỳ. Cổ, vai và đau lưng có thể đi cùng với đau ngực.

1.7 Mất cân bằng axit béo

Sự mất cân bằng của các axit béo trong các tế bào có thể ảnh hưởng đến sự nhạy cảm của các mô vú.

1.8 Tập thể dục, vận động mạnh

Luyện tập là thói quen tốt để duy trì vóc dáng và sức khỏe. Tuy nhiên, khi vận động quá mạnh với cường độ cao hoặc thực hiện những động tác quá sức có thể làm ảnh hưởng đến các cơ quan, trong đó có ngực. Tình trạng này có thể gây đau nhức các cơ dưới ngực.

1.9 Thói quen ăn uống

dau-nguc-o-phu-nu-la-binh-thuong-hay-benh-tat-goi-ten-voh-3

Phụ nữ tiêu thụ nhiều caffein dễ bị đau ngực (Nguồn: Internet)

Một nghiên cứu tại đại học Duke, California (Mỹ) cho thấy 61% phụ nữ có triệu chứng đau ngực, thuyên giảm khi ngừng dùng caffeine, 25% hoàn toàn không còn dấu hiệu tức ngực. Lý do là caffeine khiến mạch máu trong ngực căng phồng gây cảm giác nặng nề, khó chịu.

Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều thức ăn mặn cũng khiến phụ nữ dễ bị đau tức ngực.

1.10 Hội chứng buồng trứng đa nang

Đau tức ngực đôi khi có thể là dấu hiệu bệnh lý, một trong số đó là hội chứng buồng trứng đa nang. Đây là một dạng rối loạn hormone thường gặp ở phụ nữ. Hội chứng này còn khiến kinh nguyệt không đều, mọc lông mặt, da dầu, nổi mụn hoặc tăng cân bất thường.

1.11 U nang

Phụ nữ ở tuổi 30 – 40 rất dễ phát triển các u nang vú. Hầu hết u nang vú không gây ra bất kỳ cơn đau nào ở vú, nhưng một số u nang có thể phình to và gây đau.

Như vậy, đau ngực ở phụ nữ do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể là hiện tượng sinh lý nữ giới hoặc có thể là dấu hiệu của bệnh lý ở ngực.

2. Đau ngực ở phụ nữ nên làm gì?

Nếu đau ngực diễn ra thường xuyên thì chị em nên tiến hành thăm khám, tìm ra nguyên nhân để điều trị hợp lý.

Nếu bạn bị đau ngực theo chu kỳ, chứng này sẽ dần thuyên giảm vào cuối chu kỳ kinh nguyệt mà không cần tới sự can thiệp của thuốc men và sự giúp đỡ của các y bác sĩ. Nếu bạn bị đau ngực không theo chu kỳ, bạn sẽ cần được điều trị bằng các loại thuốc giảm đau như paracetamol hay ibuprofen. Tốt nhất, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ hay dược sĩ trước khi bắt đầu dùng bất kỳ loại thuốc nào.

Ngoài ra, nếu có dấu hiệu đau ngực, bạn nên chú ý đến các vấn đề sau:

dau-nguc-o-phu-nu-la-binh-thuong-hay-benh-tat-goi-ten-voh-4

Hãy chọn loại áo ngực vừa vặn với cơ thể để tránh gặp các vấn đề ở ngực (Nguồn: Internet)

  • Mặc áo ngực phù hợp với cơ thể, không mặc áo quá chật.
  • Nếu tập luyện nên mặc áo ngực thể thao trong khi tập, đặc biệt là khi ngực của bạn nhạy cảm.
  • Cẩn thận khi sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê toa.
  • Ăn theo chế độ ăn ít chất béo và sử dụng các loại dầu thực vật khi chế biến thức ăn.
  • Hạn chế các thức uống chứa caffein, soda, trà, nước ngọt có gas.