10 nguyên nhân gây ngứa đầu ti có thể chị em chưa biết

(VOH) – Là một khu vực nhạy cảm của phụ nữ, đầu ti bị ngứa thường khiến các chị em vô cùng khó chịu nhưng lại khó chia sẻ với người khác. Thế bạn đã biết được những nguyên nhân gây ngứa đầu ti chưa?

Các cơn ngứa ngay tại đầu ti hay ở vùng “núi đôi” có thể nhẹ hoặc nặng, thỉnh thoảng mới xuất hiện hoặc xuất hiện liên tục khiến cho các chị em phải “dỡ khóc dỡ cười”.

1. Những nguyên nhân thường gặp khiến đầu ti bị ngứa

Theo nhiều tài liệu, ngứa đầu ti là một hiện tượng tương đối bình thường và có thể xuất hiện nhiều lần trong đời mỗi người phụ nữ nhưng đôi khi nó lại là dấu hiệu của một số bệnh lý. Một số nguyên nhân thường gặp nhất với triệu chứng điển hình là ngứa đầu ti các chị em cần biết là:

1.1 Do thời tiết

Thời tiết lạnh, khô có thể làm cả cơ thể bạn trở nên ngứa ngáy, khó chịu trong đó bao gồm cả vùng ngực và nhũ hoa. Tình trạng này xảy ra do cơ thể bạn không tiết đủ mồ hôi và acid hữu cơ, khiến da bị khô, kém đàn hồi, gây nứt nẻ. Việc này tạo điều kiện cho vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm, virus, bụi bẩn bám và xâm nhập vào da gây ngứa đầu ti.

1.2 Đang bị chàm

10-nguyen-nhan-gay-ngua-dau-ti-co-the-chi-em-chua-biet-voh

Bệnh chàm có thể khiến đầu ti bị ngứa ngáy khó chịu (Nguồn: Internet)

Viêm da cơ địa (hay chàm) là bệnh lý của da. Da bị chàm có thể gây tổn thương dạng ban ở núm vú và phần vú xung quanh, đặc biệt là khi bạn đã bị chàm trước đó ở các cơ quan khác. Ngoài triệu chứng đau và ngứa nhũ đầu nhũ hoa, bạn cũng có thể gặp phải các mụn nước ở vùng tổn thương.

1.3 Ngứa đầu nhũ hoa khi mang thai

Tăng cân, ốm nghén, thay đổi hormone và ngứa đầu nhũ hoa đều là dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang mang thai. Nguyên nhân là do sự thay đổi hormone và căng da ngực khi núm vú mở rộng để sẵn sàng cho em bé bú.

1.4 Nuôi con bằng sữa mẹ

Phụ nữ không chỉ bị ngứa đầu nhũ hoa khi mang thai mà còn có thể bị ngứa đầu ti hay ngứa “núi đôi” trong giai đoạn cho con bú. Bởi trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, lượng sữa dư thừa, núm vú bị bé cắn và các vấn đề khi em bé ngậm nhũ hoa trong khi bú đều có thể gây ngứa đầu ti.

1.5 Nhiễm nấm candida hoặc viêm vú

Với những phụ nữ đang cho con bú, nếu núm vú và khu vực xung quanh bị ngứa, bong tróc kèm đau đớn khi bé bú, hãy gọi cho bác sĩ vì đó là những dấu hiệu của nhiễm nấm Candida

Tình trạng viêm vú, nhiễm trùng mô vú, cũng có thể gây ngứa đầu ti hoặc cả vùng vú. Tình trạng này thường gặp ở các bà mẹ mới cho con bú. Nguyên nhân có thể là do bị tắc ống sữa hoặc tiếp xúc với vi khuẩn từ ngoài môi trường hoặc từ miệng em bé, dẫn đến viêm vú. Các triệu chứng khác của viêm vú bao gồm: vú mềm, sưng, đỏ, đau hoặc rát khi cho con bú.

1.6 Giai đoạn mãn kinh

Trong giai đoạn mãn kinh, nồng độ hormone estrogen của phụ nữ sẽ có xu hướng đi xuống và ở mức thấp hơn so với trước thời kỳ mãn kinh. Cơ thể cũng sẽ tạo ra ít dầu hơn, vì vậy da bạn khó giữ được độ ẩm cần thiết. Đó là lý do để các cơn ngứa có thể tấn công bất cứ nơi nào trên cơ thể, bao gồm âm đạo và cả vùng nhũ hoa.

1.7 Bệnh paget ở ngực

10-nguyen-nhan-gay-ngua-dau-ti-co-the-chi-em-chua-biet-1-voh

Biểu hiện bên ngoài của bệnh Paget là lớp da khô giòn, có vảy và ngứa đầu ti (Nguồn: Internet)

Bệnh Paget ở ngực là một dạng ung thư vú hiếm gặp, bắt đầu từ các ống dẫn của vú và lan đến núm vú và khu vực lân cận. Nó rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh chàm khi biểu hiện bên ngoài là lớp da khô giòn, có vảy và ngứa đầu ti. Tuy nhiên, bệnh Paget thường ảnh hưởng đến chỉ một núm vú và bạn cũng có thể thấy xuất huyết hoặc tiết dịch màu vàng tại vị trí tổn thương.

1.8 Do có khối u lành tính

Đôi khi, một khối u lành tính (không phải ung thư) trong tuyến vú có thể gây ra ngứa đầu ti và làm khó chịu vùng “núi đôi” của bạn. Ngoài ra, bạn có thể sẽ cảm thấy một khối u nhỏ hay một chất dịch trong hoặc có máu tiết ra từ núm vú.

1.9 Xạ trị

Điều trị ung thư vú hay các bệnh lý khác cũng có thể gây triệu chứng khô da toàn thân và đặc biệt là vùng nhũ hoa. Điều này cũng có thể gây ra tình trạng ngứa đầu ti ở phụ nữ kéo dài ngay cả khi điều trị đã kết thúc. Bức xạ làm hại tế bào da, khiến da khô, bỏng và ngứa khi bị lột.

1.10 Một số nguyên nhân khác

Tình trạng ngứa đầu ti còn có thể xuất phát từ những nguyên nhân như: Do dị ứng hóa chất, dị ứng với đồ lót hoặc do nhũ hoa bị chà xát quá nhiều với áo lót khi bạn tập thể dục hay mặc đồ lót quá chật...

2. Bị ngứa đầu ti phải làm sao?

10-nguyen-nhan-gay-ngua-dau-ti-co-the-chi-em-chua-biet-2-voh

Phụ nữ cho con bú cần giữ cho vùng ngực luôn sạch sẽ và khô thoáng (Nguồn: Internet)

Phương pháp điều trị ngứa đầu ti thường sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân.

  • Trường hợp ngứa đầu ti do thời tiết thì có thể làm giảm triệu chứng bằng cách lau khô người nhẹ nhàng bằng khăn và dưỡng ẩm cho da với kem hoặc thuốc mỡ.
  • Nếu ngứa đầu ti do bị chàm bạn có thể bôi kem dưỡng ẩm có chứa ceramide – thành phần sáp giúp làm lành da. Các loại kem steroid khác như hydrocortisol sẽ hỗ trợ giảm sưng và ngứa.Tuy nhiên, nếu phát hiện dấu hiệu của viêm nhiễm như dị ứng hay ửng đỏ thì hãy đến gặp bác sĩ để được kê toa phù hợp.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú bị ngứa đầu ti thì nên giữ cho ngực luôn được khô thoáng và sạch sẽ. Tham khảo thêm ý kiến bác sĩ để được tư vấn các loại thuốc mỡ phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.
  • Trường hợp ngứa đầu ti do viêm vú, do nấm candida thì thường được điều trị bằng kháng sinh kết hợp với việc nghỉ ngơi, uống nhiều nước, dùng thuốc giảm đau không kê đơn.
  • Ngứa đầu ti do mãn kinh thì bạn có thể sử dụng những chất tẩy rửa dịu nhẹ hơn, dưỡng ẩm thường xuyên và hạn chế tắm nước nóng để tránh cơ thể cũng như nhũ hoa bị ngứa.
  • Những trường hợp bị ngứa đầu ti do bệnh Paget vú và ung thư vú hay u lành tính có thể sẽ được điều trị bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau như: xạ trị, hóa trị, phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần vú.

Nói chung, đối với phụ nữ, nhũ hoa là một trong những bộ phận rất quan trọng có thể thể hiện tình hình sức khỏe. Vì thế chị em nên thường xuyên quan sát vùng nhũ hoa của mình, để có thể xác định sớm vấn đề mình đang gặp phải từ đó giúp cho việc điều trị được nhanh chóng và có kết quả tốt hơn.