Chờ...

Viêm da cơ địa: Nhận biết, chữa trị và chăm sóc da đúng cách

(VOH) - Viêm da cơ địa là bệnh viêm da mãn tính, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh này thường tái đi tái lại nhiều lần, tuy nhiên nếu chữa trị đúng cách thì bạn hoàn toàn có thể kiểm soát sự tái phát.

1. Viêm da cơ địa là gì?

Viêm da cơ địa còn được gọi là chàm thể tạng, là một loại viêm da gây ngứa, đỏ, sưng và làm nứt da. Những vùng da bị bệnh thì dày lên theo thời gian và chúng có thể sản sinh ra các chất lỏng. 

Viêm da cơ địa phổ biến ở trẻ em nhưng vẫn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đây là một bệnh mãn tính và có xu hướng bùng phát định kỳ. 

2. Nguyên nhân gây viêm da cơ địa

Đến nay vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây viêm da cơ địa, nhưng người ta cho rằng bệnh có liên quan đến gen và các yếu tố môi trường. 

2.1 Yếu tố môi trường

  • Ô nhiễm môi trường.
  • Các dị nguyên có trong nhà như bụi, lông súc vật, quần áo, đồ dùng gia đình,…

2.2 Yếu tố di truyền

Bệnh viêm da cơ địa chưa được xác định rõ ràng do gen nào đảm nhiệm. Khoảng 60% người lớn bị viêm da cơ địa có con bị bệnh này, nếu cả bố và mẹ cùng bị bệnh thì con sinh ra có đến 80% mắc bệnh.

viem-da-co-dia-nhan-biet-chua-tri-va-cham-soc-da-dung-cach-voh

Viêm da cơ địa thường gây ngứa nhiều (Nguồn: Internet)

3. Triệu chứng của viêm da dị ứng

Triệu chứng của viêm da cơ địa rất đa dạng, biểu hiện có thể khác nhau tùy theo lứa tuổi.

3.1 Viêm da cơ địa ở nhũ nhi (trẻ em ở giai đoạn đầu đời)

  • Bệnh phát hiện sớm khoảng 3 tuần sau sinh, thường cấp tính với các đám đỏ da, ngứa, sau đó xuất hiện nhiều mụn nước nông, dễ vỡ, xuất tiết và đóng vảy tiết, có thể bội nhiễm, hạch lân cận sưng to.
  • Vị trí hay gặp nhất là 2 má, có thể ở da đầu, trán, cổ, thân mình, mặt dưới chi. Khi trẻ biết bò có thể xuất hiện tổn thương ở đầu gối.
  • Bệnh có thể tái phát, trẻ rất nhạy cảm với các yếu tố như nhiễm trùng, mọc răng, tiêm chủng, thay đổi khí hậu hay môi trường sống.
  • Hầu hết bệnh viêm da cơ địa ở nhũ nhi sẽ tự khỏi khi trẻ được 18 – 24 tháng. 

3.2 Viêm da cơ địa ở trẻ em

  • Bệnh thường từ viêm da cơ địa nhũ nhi chuyển sang, với các tổn thương là các sẩn đỏ, vết trợt, da dày, mụn nước khu trú hay lan tỏa cấp tính kèm theo nhiễm khuẩn thứ phát.
  • Vị trí hay gặp là ở khoeo, nếp gấp khuỷu tay, mi mắt, hai bên cổ, cẳng tay, ở cổ có sạm dạng lưới, ít khi xuất hiện ở mặt dưới các chi.
  • Bệnh thường trở nên cấp tính khi trẻ tiếp xúc với lông súc vật, gia cầm, đồ len,…
  • Khoảng 50% trẻ sẽ khỏi bệnh khi trẻ được 10 tuổi.

3.3 Viêm da cơ địa ở thanh thiếu niên và người lớn

  • Biểu hiện là mụn nước, sẩn đỏ dẹt, có vùng da mỏng trên mảng da dày, ngứa.
  • Vị trí hay gặp là nếp gấp khuỷu, khoeo, cổ, rốn, vùng da quanh mắt đối với thanh thiếu niên. Khi bệnh lan tỏa thì vùng nặng nhất là các nếp gấp.
  • Viêm da lòng bàn tay, chân, gặp ở 20 – 80% người bệnh.
  • Viêm da quanh mi mắt, chàm ở vú.
  • Bệnh ảnh hưởng nhiều bởi các dị nguyên, môi trường, tâm sinh lý người bệnh.

3.4 Các biểu hiện khác của viêm da cơ địa

  • Khô da do tăng mất nước qua biểu bì.
  • Da cá, dày da lòng bàn tay, bàn chân, dày sừng nang lông, lông mi thưa.
  • Viêm môi bong vảy.
  • Mi mắt dưới có thể có 2 nếp gấp, tăng sắc tố quanh mắt, viêm kết mạc tái diễn có thể gây lộn mi, có thể có đục thủy tinh thể.

4. Biến chứng của viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không điều trị đúng cách có thể dẫn đến một số biến chứng sau đây:

  • Hen suyễn và dị ứng phấn hoa: Hơn một nửa số trẻ em bị viêm da cơ địa cũng bị hen suyễn và dị ứng phấn hoa.
  • Ngứa mãn tính và bong tróc da: Một số biến chứng của viêm da cơ địa là viêm da thần kinh. Bạn sẽ bị ngứa một vùng da trên cơ thể và bắt đầu gãi khu vực này. Khi càng gãi, bạn sẽ càng ngứa hơn và da sẽ bị đổi màu, dày và cứng.
  • Nhiễm trùng da: Việc gãi liên tục có thể khiến da tổn thương và chảy máu. Những vết thương này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn và virus.
  • Viêm da tiếp xúc kích ứng: Bệnh này đặc biệt ảnh hưởng đến những người có công việc phải thường xuyên tiếp xúc với nước, chất tẩy rửa mạnh hay các chất diệt khuẩn.
  • Viêm da tiếp xúc dị ứng: Tình trạng này thường gặp ở những bệnh nhân đã bị viêm da cơ địa.
  • Các vấn đề về giấc ngủ: Cảm giác ngứa và muốn gãi liên tục có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của người bệnh.

5. Cách chữa viêm da cơ địa

Điều trị viêm da cơ địa cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và người bệnh, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần phải tuân theo những hướng dẫn của bác sĩ. Dưới đây là một số biện pháp chữa bệnh viêm da cơ địa:

  • Đắp ẩm thương tổn và bôi kem corticoid kết hợp với kháng sinh. 
  • Làm ẩm da bằng kem bôi hoặc sữa tắm có kem. Thuốc corticosteroid có hiệu quả với viêm da cơ địa nhưng có thể gây nhiều tác dụng phụ. Do đó, các thuốc chống viêm khác không phải corticosteroid như tacrolimus, có thể thay thế để tránh các tác dụng phụ, ngoài ra loại thuốc này còn có thể chống viêm và chống ngứa.
  • Uống kháng sinh histamin chống ngứa.
  • Một số trường hợp nặng có thể uống corticoid, nhưng cần có chỉ định chặt chẽ của thầy thuốc.
  • Các phương pháp điều trị khác như sử dụng UVA và UVB nhận tạo.

viem-da-co-dia-nhan-biet-chua-tri-va-cham-soc-da-dung-cach-voh

Bôi kem theo chỉ định của bác sĩ (Nguồn: Internet)

6. Kế hoạch chăm sóc khi bị viêm da cơ địa

Những việc làm sau đây có thể giúp người bệnh viêm da cơ địa tránh được những biến chứng cũng như phòng ngừa viêm da cơ địa tái phát:

6.1 Cố gắng không làm trầy xước vùng da bị viêm

Bệnh viêm da cơ địa thường gây ngứa, vì thế người bệnh sẽ rất dễ làm trầy xước các vùng da khi gãi. Gãi quá mạnh có thể gây chảy máu và làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng hoặc sẹo. Do đó, hãy cố gắng không gãi ngứa, bạn có thể thay thế bằng hành động dùng đầu ngón tay ấn vào chỗ ngứa để giảm cảm giác khó chịu. 

Nếu trẻ em bị viêm da cơ địa, cha mẹ cần cắt móng tay cho trẻ để tránh da bị trầy xước khi trẻ gãi.

6.2 Tránh các tác nhân có hại cho da

Những tác nhân có thể khiến bệnh viêm da cơ địa thêm nặng hơn hoặc tái phát sau điều trị gồm có mồ hôi, căng thẳng, xà phòng có tính tẩy rửa mạnh, bụi, phấn hoa…Ngoài ra, một số thực phẩm như trứng, sữa, hải sản, lúa mì,…cũng có thể kích hoạt bệnh viêm da cơ địa. Do đó, hãy tránh xa những tác nhân mà bạn cho rằng nó là nguyên nhân khiến bạn bị viêm da cơ địa.

6.3 Dưỡng ẩm cho da

Hãy bôi kem dưỡng ẩm ít nhất 2 lần/ ngày để tránh da bị khô. Bạn có thể sử dụng bất kỳ loại kem dưỡng ẩm nào phù hợp với da của mình, nếu cần hãy tham khảo ý kiến từ các chuyên gia da liễu.

7. Viêm da cơ địa kiêng ăn gì?

Việc ăn uống có thể ảnh hưởng lớn đến tình trạng viêm da. Hãy tìm hiểu những thực phẩm nên tránh dưới đây để ngăn chặn và phòng ngừa bệnh viêm da cơ địa hiệu quả.

  • Trứng;
  • Đậu nành;
  • Các sản phẩm từ sữa;
  • Các thực phẩm có chứa gluten;
  • Trà đen;
  • Socola;
  • Thịt đóng hộp;
  • Các loại hải sản có vỏ như ốc, sò, cua…

Nếu biết cách chăm sóc da và ăn uống hợp lý, bạn sẽ không còn phải gãi mỗi đêm hay trằn trọc khó ngủ. Hãy đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn điều trị bệnh viêm da cơ địa đúng cách hơn để bệnh không tiến triển hoặc tái phát nhiều lần.