Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

‘Điểm mặt’ 4 thói quen xấu khiến sức khỏe ngày càng ‘xuống cấp’

(VOH) - Trong cuộc sống, một số thói quen tưởng chừng vô hại nhưng nó có thể là ‘thủ phạm’ cướp đi vài năm tuổi thọ của bạn. Hãy học cách loại bỏ những thói quen xấu dưới đây để duy trì sức khỏe.

1. Lười vận động

Theo bác sĩ Lê Văn Nhân (Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TPHCM), thói quen lười vận động sẽ khiến các cơ quan trong cơ thể ngày càng trì trệ, không còn linh hoạt, kém năng động, thậm chí sinh ra nhiều vấn đề sức khỏe.

Lười vận động sẽ ít tiêu tốn năng lượng, năng lượng dư thừa sẽ tồn tại dưới dạng chất béo, dư nhiều mỡ sẽ dễ tăng cân, béo phì, từ đó ảnh hưởng và gây rối loạn nội tiết, chuyển hóa như làm ứ đọng mỡ trong gan, mỡ trong máu,…

diem-mat-4-thoi-quen-xau-khien-suc-khoe-ngay-cang-xuong-cap-voh-1

Lười vận động khiến sức khỏe ngày càng xuống cấp (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, lười vận động cũng khiến hệ bài tiết và hệ tuần hoàn hoạt động kém đi, dẫn đến việc thanh lọc cơ thể giảm, từ đó gây nên nhiều nguy cơ như mắc bệnh đường tiết niệu, trong đó phổ biến nhất là sỏi thận

Thiếu vận động mỗi ngày cũng khiến xương khớp không được dẻo dai nên dễ gặp các vấn đề về xương khớp. 

Một số nghiên cứu còn cho thấy những người ít vận động còn dễ bị stress, lo âu, trầm cảm…

Lời khuyên: Ngoài những vận động nhỏ như đi làm, làm việc nhà,…thì mỗi ngày bạn cũng nên dành thời gian tập thể dục, thể thao để cơ thể tiêu tốn nhiều năng lượng, tạo sức bền dẻo dai cho cơ xương khớp, qua đó, quá trình chuyển hóa, hấp thu và đào thải chất độc cũng được tốt hơn. Thời gian vận động mỗi ngày trung bình là 30 – 60 phút. Nếu vận động buổi tối thì bạn nên tập trước giờ đi ngủ khoảng 3 – 4 tiếng.

2. Hút thuốc lá

diem-mat-4-thoi-quen-xau-khien-suc-khoe-ngay-cang-xuong-cap-voh-2

Hút thuốc lá gây nhiều tác hại đến sức khỏe (Nguồn: Internet)

Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông, báo đài vẫn thường đưa ra lời cảnh báo về tác hại của việc hút thuốc lá như gây ung thư, bệnh tim mạch, bệnh mạch máu ngoại vi,…Thậm chí, ngay cả trên bao bì gói thuốc lá vẫn ghi chú dòng chữ “hút thuốc lá dẫn đến cái chết từ từ và đau đớn”. Nhìn chung, hút thuốc lá là một thói quen xấu không chỉ gây hại đến sức khỏe bản thân người hút mà còn ảnh hưởng sức khỏe của những người xung quanh do hít phải khói thuốc lá.

Vì vậy, học cách từ bỏ thuốc lá là điều nên làm đối với những ai đang có thói quen xấu này. 

3. Ngủ không đủ giấc

Ngủ không đủ giấc mỗi ngày, thiếu ngủ, thức khuya sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của não, não có thể ngủ bù vào ngày hôm sau, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc, khó tập trung, dễ gặp tai nạn khi đang lao động trên cao hoặc đang lái xe. 

diem-mat-4-thoi-quen-xau-khien-suc-khoe-ngay-cang-xuong-cap-voh-3

Thiếu ngủ khiến cơ thể luôn mệt mỏi, khó tập trung (Nguồn: Internet)

Lời khuyên: Mỗi ngày ngủ bao nhiêu tiếng là đủ thì còn phụ thuộc vào độ tuổi, tuy nhiên, người ta đã tính toán và phân tích, trung bình mỗi ngày nên ngủ đủ 8 tiếng đồng hồ. Ngủ đủ sẽ tạo điều kiện cho cơ thể được nghỉ ngơi, hoạt động của tuyến nội tiết tăng, hoạt động của hormone liên quan đến não cũng tăng nhiều hơn.

4. Sử dụng máy tính hàng giờ

diem-mat-4-thoi-quen-xau-khien-suc-khoe-ngay-cang-xuong-cap-voh-4

Sử dụng máy tính hàng giờ sẽ làm "lão hóa" mắt sớm hơn (Nguồn: Internet)

Thực tế, nhiều người có thói quen sử dụng máy tính để xem phim, nghe nhạc, chat, chơi game,…sau nhiều giờ làm việc trên máy tính tại công ty. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của mắt. Màn hình máy vi tính có độ sáng rất lớn nên khi sử dụng nhiều sẽ dễ gây mỏi mắt, chảy nước mắt, mắt mờ, mắt kém linh hoạt,…

Lời khuyên: Nếu công việc của bạn buộc phải làm việc với máy vi tính hàng giờ thì bạn nên trang bị cho mình thuốc nhỏ mắt (nước muối sinh lý 0.9%). Việc nhỏ mắt sau một khoảng thời gian làm việc với máy tính sẽ giúp mắt được tưới nước, tránh bị khô mắt và mỏi mắt hơn. Bên cạnh đó, sau một khoảng thời gian nhìn thẳng vào máy tính thì bạn nên nhìn đồ vật, đồng nghiệp xung quanh hoặc tốt nhất hãy nhắm mắt một chút để mắt được thư giãn, nghỉ ngơi.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Lê Văn Nhân tại audio bên dưới:

Bình luận