Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Đột quỵ xảy ra rất nhiều trên bệnh nhân hút thuốc lá!

(VOH) - Đột quỵ là nguyên nhân tử vong chính, cao hơn tử vong tim mạch tại Việt Nam. Bệnh nhân thiếu máu não và đột quỵ nhẹ có nguy cơ rất cao bị đột quỵ.

Thống kê có từ 15% đến 30% bệnh nhân đột quỵ có tiền sử thiếu máu não thoáng qua. Tốt nhất với các đối tượng nguy cơ, nên lập chiến lược dự phòng đột quỵ vì đây sẽ là nhóm rất dễ đột quỵ. Vậy nên, trong tình hình bệnh lý đột quỵ gia tăng và ngày càng trẻ hóa cộng đồng nên thực hiện tốt kiểm soát các yếu tố nguy cơ và lập chiến lược dự phòng cho chính bản thân mình. Vấn đề này cũng đã được Phóng viên VOH phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng – Trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 - Chủ tịch Hội Đột quỵ Thành phố:

hút thuốc, đột quỵ

Ảnh minh họa: SK&ĐS

*VOH: Thưa bác sĩ, hiện nay với bệnh lý đột quỵ thì bác sĩ có khuyến cáo gì gửi đến cộng đồng, nếu so sánh việc điều trị cấp với chiến lược phòng ngừa thì quan điểm bác sĩ như thế nào?

Bác sĩ Huy Thắng: Vấn đề quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa. Nếu điều trị cấp có giỏi cách mấy cũng không thể đủ người, cơ sở vật chất để chúng ta cứu được tất cả bệnh nhân và những kỹ thuật mới này chỉ áp dụng ở các trung tâm hàng đầu điều trị đột quỵ của cả nước, con số này rất ít. Trong khi ở Việt Nam chúng ta rất nhiều trung tâm ở dưới mức cơ bản. Vậy nên, phòng ngừa là quan trọng nhất và bền vững nhất. Chúng ta cứ thử hình dung câu chuyện như thế này gần như tất cả các bệnh nhân của chúng tôi khi bệnh nhân đột quỵ lấy ta toa thuốc bệnh nhân đã từng uống, hoặc bệnh nhân này không bao giờ uống thuốc, không biết bệnh mình trước đây hoặc có một số bệnh nhân có bệnh nhưng cảm giác rất khỏe qua đó mình nghĩ rằng mình phải làm thay đổi suy nghĩ của bệnh nhân. Đó là phải uống thuốc để phòng ngừa tốt hơn và quan trọng hơn rất nhiều so với khi đột quỵ rồi chạy rất là nhanh và cuống cuồng lên để đến bệnh viện. Một câu chuyện nghịch lý lúc mình đang bình thường mình cần phòng ngừa thì mình không đặt nặng trong khi đó khi bị rồi lại cuống cuồng lên. Chúng ta làm tốt với công tác phòng ngừa thì tôi nghĩ rằng gánh nặng về gia đình sẽ giảm rất nhiều, gánh nặng xã hội theo đó cũng giảm và cũng giảm gánh nặng cho thầy thuốc của chúng tôi

*VOH: Phòng ngừa đột quỵ theo bác sĩ tốt nhất là nên làm gì?

Bác sĩ Huy Thắng: Đối với phòng ngừa đột quỵ đó là tất cả những bệnh nhân có những yếu tố nguy cơ ví dụ như yếu tố nguy cơ thường gặp nhất trên 90% bệnh nhân đột quỵ đó là không kiểm soát huyết áp đều đặn. Thứ hai đó là bệnh nhân tiểu đường, 30% người đột quỵ có tiểu đường đặc biệt không kiểm soát tốt. Và như vậy nếu chúng ta kiểm soát tốt huyết áp, tiểu đường thì chúng ta đã giảm rất nhiều nguy cơ. Thứ ba đó là bệnh nhân hút thuốc lá, rất nhiều bệnh nhân hút thuốc lá bị đột quỵ đặc biệt là nam giới đó là nguy cơ rất rõ rệt cho đột quỵ. Đây là những nguy cơ hết sức là quan trọng chúng ta có thể thay đổi được ví dụ một bệnh nhân rung nhỉ bệnh nhân đó bắt buộc phải uống thuốc kháng đông để phòng ngừa.

Còn yếu tố nguy cơ chúng ta buộc phải chấp nhận ví dụ nhiều tuổi càng lớn tuổi thì đương nhiên chúng ta phải có nhiều yếu tố nguy cơ. Khi xác định yếu tố nguy cơ rồi chúng ta phải đạt được những mục tiêu kiểm soát

*VOH: Với bệnh nhân đã bị đột quỵ rồi, thì để dự phòng không để tái phát, bác sĩ có khuyến cáo gì?

Bác sĩ Huy Thắng: Theo số liệu của Hội đột quỵ Hoa Kỳ 70%  bệnh nhân bị đột quỵ  không thể trở lại cuộc sống đời thường. Như vậy nếu bị một lần, bị tiếp lần 2, lần 3 thì người bệnh còn bao nhiêu phần trăm hồi phục. Ở đây tôi muốn nói khi  mà đột quỵ nó tha mình lần đầu thì đừng để nó tái diễn lần 2 vì nếu đột quỵ lần 2 thì cơ hội quay trở về cuộc sống đời thường của chúng ta chỉ là con số 0./.

*VOH: Xin cám ơn bác sĩ

Bình luận