Chờ...

Gan nhiễm độc: nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

(VOH) - Khi tế bào gan nhiễm độc sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của các cơ quan khác. Vậy làm sao nhận biết sớm tình trạng gan bị nhiễm độc để kịp thời điều trị?

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, gan là tạng lớn thứ 2 trên cơ thể sau da. Nó đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, trong đó chủ yếu là thanh lọc và giải độc.

Vì sao gan dễ bị nhiễm độc?

Bác sĩ Bay cho biết, hầu như tất cả lưu lượng, hoạt động và chuyển hóa đi theo dòng máu đến các cơ quan trong cơ thể đều phải đi qua gan. Lưu lượng máu ở gan có khoảng 30% được tim đưa đến, còn lại 70% là từ những cơ quan khác trong ổ bụng đổ về gan qua thông qua tĩnh mạch cửa. 

gan-nhiem-doc-nguyen-nhan-va-dau-hieu-nhan-biet-voh

Gan nhiễm độc do nhiều nguyên nhân khác nhau (Nguồn: Internet)

Mặc dù thận và ruột cũng đảm nhận chức năng giải độc nhưng gan mới là cơ quan giải độc lớn nhất cho cơ thể. Chính vì vậy, đòi hỏi tế bào gan phải luôn hoạt động thật tốt. Nếu tế bào gan bị nhiễm độc nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của những cơ quan khác. 

Bác sĩ Bay cho biết, có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến gan bị nhiễm độc như:

  • Do ô nhiễm môi trường

Khói, bụi, khói thuốc lá, hóa chất từ môi trường bên ngoài có thể tác động vào trong gan khiến gan bị nhiễm độc.

  • Do rượu, bia

Uống nhiều rượu, bia cũng là nguyên nhân gây nhiễm độc cho gan.

  • Tiêu thụ thức ăn nhiều dầu mỡ

Thường xuyên ăn các món chiên, xào, nướng… chứa nhiều dầu mỡ khiến gan phải giải độc nhiều. Gan giải độc và hoạt động quá mức cũng có thể bị nhiễm độc ngược lại.

  • Thức khuya

Thông thường, khung giờ từ 23h đến 1h khuya là lúc gan giải độc và thanh lọc cơ thể, sau đó nghỉ ngơi. Nếu bạn ngủ muộn hơn khung giờ này, gan sẽ không giải độc và thanh lọc được, từ gan có nguy cơ bị nhiễm độc. 

  • Sử dụng thuốc không đúng chỉ định

Tự ý mua thuốc sử dụng hoặc dùng thuốc không đúng chỉ định của bác sĩ là nguyên nhân khiến men gan tăng cao, từ đó dẫn đến tình trạng viêm gan hoặc gan bị nhiễm độc. 

Như vậy, có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gan bị nhiễm độc. Gan nhiễm độc không chỉ ảnh hưởng đến chức năng của gan mà còn tác động đến những bộ phận khác trong cơ thể. Chính vì thế, bạn nên chú ý những biểu hiện bất thường của cơ thể để kịp thời nhận biết tình trạng này và tìm cách giải độc kịp thời. 

Dấu hiệu nhận biết gan nhiễm độc

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bay, những biểu hiện dưới đây có thể cảnh báo tình trạng gan đang bị nhiễm độc:

gan-nhiem-doc-nguyen-nhan-va-dau-hieu-nhan-biet-voh

Da nổi mẩn ngứa có thể do gan đã bị nhiễm độc bên trong (Nguồn: Internet)

  • Da bị mẩn ngứa thường xuyên.
  • Nổi mụn nhọt trên da.
  • Hơi thở có mùi.
  • Bị táo bón.
  • Mệt mỏi, chán ăn.
  • Da tự nhiên bị sạm màu.
  • Vàng da – dấu hiệu gan bị nhiễm độc nặng nề.
  • Nóng trong người.
  • Cảm giác đau tức bên hông sườn.
  • Sau khi thức dậy thường mệt mỏi, không muốn làm việc.

Tất cả những dấu hiệu này đều báo động tình trạng nhiễm độc ở gan. Mặc dù, những dấu hiệu đó có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nếu có nhiều triệu chứng như trên xuất hiện cùng lúc thì có thể gan báo hiệu đã quá tải hoặc đã bị nhiễm độc. Khi đó, bạn nên đến gặp bác sĩ hoặc thầy thuốc để thăm khám cũng như thử máu để kiểm tra tình trạng gan như thế nào. Nếu chẩn đoán gan nhiễm độc thì nên tìm cách giải độc gan ngay để “trả lại” cho gan sự khỏe mạnh và duy trì được những chức năng quan trọng trong cơ thể.

Xem nội dung bài viết nhanh hơn tại video này:

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới:

Gan nhiễm mỡ uống gì?: Dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng đối với bệnh nhân gan nhiễm mỡ. Dưới đây là những chia sẻ của bác sĩ về chế độ ăn và uống cho người bị gan nhiễm mỡ.
8 thực phẩm tốt cho thận và gan nhất định bạn phải biết: Gan và thận đóng vai trò quan trọng trong hệ tiêu hóa, giúp giải độc và sản xuất hoomone cho cơ thể. Khi chúng hoạt động không tốt sẽ gây mệt mỏi, các vấn đề về hệ tiêu hóa,...