Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Giải mã hiện tượng trẻ khó ngủ trong giai đoạn dưới 12 tháng tuổi

(VOH) – Có nhiều trẻ dưới 12 tháng tuổi gặp phải tình trạng khó ngủ, thường thức giấc khiến ba mẹ rất lo lắng. Vậy vì sao trẻ khó ngủ và tình trạng này có ảnh hưởng đến sự phát triển của bé hay không?

1. Nguyên nhân trẻ khó ngủ?

Bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang (Phòng khám Đa khoa Quốc tế CMI) cho biết, đối với những trẻ dưới 12 tháng tuổi giấc ngủ của bé thường dài hơn so với trẻ lớn. Các bé thường ngủ khoảng 16 tiếng/1 ngày và giấc ngủ sẽ không liên tục, có thể hay thức giấc giữa chừng (vài tiếng lại thức giấc 1 lần), không ngủ một giấc dài,...và đó được xem là hiện tượng bình thường.

Do đó, những nguyên nhân khiến trẻ khó ngủ thường là:

1.1 Trẻ bị đói

Nguyên nhân đầu tiên và thường gặp nhấy là do bé bị đói và thức giấc để bú sữa. Theo BS Phan Thiệu Xuân Giang, dạ dày của trẻ sơ sinh thường rất bé, sữa mẹ lại dễ tiêu nên sau khi bú sữa mẹ chỉ một thời gian ngắn sẽ được tiêu hóa hết khiến bé thường xuyên đói bụng.

1.2 Trẻ bị bệnh

giai-ma-hien-tuong-tre-kho-ngu-trong-giai-doan-duoi-12-thang-tuoi-voh

Trẻ khó ngủ cũng có thể do mắc phải một bệnh lý nào đó (Nguồn: Internet)

Một số trường hợp trẻ khó ngủ, thức giấc nhiều lần, hay giật mình, quấy khóc, dễ bị kích thích (một tiếng động nhỏ cũng làm trẻ thức giấc) là do trẻ bị bệnh. Những bệnh lý có thể khiến trẻ khó ngủ, chẳng hạn như:

  • Bệnh cúm thông thường.
  • Một số bệnh lý về thần kinh.
  • Nhiễm trùng.
  • Viêm hô hấp.
  • Các bệnh lý khác nhau trên cơ thể...

1.3 Trẻ có khuyết tật về phát triển thần kinh

Nếu hiện tượng trẻ khó ngủ không xuất phát từ vấn đề bệnh lý, thì cha mẹ cũng cần phải theo dõi vì bé có thể có những khuyết tật về phát triển thần kinh. 

Các nghiên cứu về khí chất, nhịp điệu sinh học của trẻ thấy rằng, những trẻ có khuyết tật về phát triển thần kinh (thường rất nhạy cảm, khó dỗ dành giấc ngủ và ăn uống khó khăn) nhưng không phải do bệnh gây ra thì khi lớn lên bé có thể sẽ gặp phải những vấn đề như: khả năng tự điều chỉnh kém, gặp khó khăn trong các mối quan hệ với người khác... Đồng thời, việc chăm sóc và nuôi dạy những em bé này cũng khó khăn hơn, khiến ba mẹ bị stress nhiều hơn.

Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trẻ bị tăng động giảm chú ý cũng thường hay gặp khó khăn về giấc ngủ. Mặc dù hiện tại trong cái tài liệu y văn không xem hiện tượng trẻ khó ngủ là tiêu chí để chẩn đoán tăng động kém chú ý, tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một tỷ lệ tương đối rõ ràng về việc trẻ tăng động kém chú ý có vấn đề về giấc ngủ, bởi vì khi giấc ngủ không tốt thì chắc chắn những hoạt động ban ngày của trẻ cũng sẽ không tốt. 

2. Những dấu hiệu cho thấy giấc ngủ trẻ không bình thường 

Theo BS Phan Thiệu Xuân Giang trẻ dưới 1 tháng tuổi sẽ ngủ rất nhiều nhưng cứ khoảng 2 đến 3 tiếng bé sẽ thức giấc một lần để bú sữa mẹ, sau đó lại ngủ tiếp. Trẻ càng lớn thì thời gian ngủ cũng bắt đầu ít đi, dần dần bé sẽ chuyển sang các giấc ngủ sâu và dài vào ban đêm nhiều hơn ban ngày. 

giai-ma-hien-tuong-tre-kho-ngu-trong-giai-doan-duoi-12-thang-tuoi-1-voh

Trẻ thường xuyên quấy khóc khi đang ngủ là một dấu hiệu bất thường mẹ cần lưu ý (Nguồn: Internet)

Do đó, nếu ba mẹ thấy trẻ có những giấc ngủ bất thường, ví dụ như: 

  • Ngủ quá nhiều không thức dậy để đòi bú/ăn.
  • Ngủ một cách mệt mỏi không đánh thức được.
  • Khi ngủ hay có những hiện tượng như: thức giấc một cách đột ngột, giật mình, quấy khóc quá mức...
  • Trong khi ngủ có những bất ổn ví dụ như: gồng cơ, hoặc giật các cơ.
  • Có bất thường về các tư thế khi ngủ.

Với những trường hợp này ba mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ. Ngoài ra, phụ huynh phải luôn để ý đến giấc ngủ của con bằng cách theo dõi, và đặt con ngủ ở tư thế thoải mái, dễ chịu nhất.

Lưu ý: Hạn chế việc cho trẻ nằm sấp khi ngủ (ngủ sấp) vì có nguy cơ gây ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. 

Bạn có thể nghe lại câu trả lời trực tiếp của bác sĩ từ video dưới đây:

 
Bình luận