Hành động rung lắc trẻ sơ sinh nguy hiểm thế nào?

Nhiều cha mẹ cứ nghĩ rằng việc rung lắc trẻ sơ sinh chỉ là cách để dỗ trẻ nín khóc hoặc nhằm mục đích chơi đùa với trẻ. Tuy nhiên, hành động này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.

1. Hội chứng rung lắc trẻ sơ sinh là gì ?

Trong thời gian gần đây, nhiều người thường nghe đến Hội chứng rung lắc trẻ. Hội chứng rung lắc trẻ (Shaken Baby Syndrome – SBS) được cho là một hình thức bạo hành, ngược đãi trẻ em. Hành động này diễn ra khi người lớn cầm vai, tay hay chân trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh và lắc một cách rất bạo lực.

Qua các tài liệu y khoa trong những năm gần đây thống kê lại, việc cha mẹ thường xuyên rung lắc, thậm chí tưng trẻ lên cao dù chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn cũng sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể gây tử vong cho trẻ.

Theo Bác sĩ Cam Ngọc Phượng – Trưởng khoa sơ sinh, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc, vùng đầu trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi thường còn rất mềm, nếu bị lắc ra sau, ra trước và lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến trẻ có thể bị xuất huyết não.

rung-lac-tre-so-sinh-nguy-hiem-the-nao-VOH

Hành động rung lắc trẻ sơ sinh có thể làm tổn thương não của bé (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân là do tất cả các trẻ sơ sinh trong giai đoạn mới sinh cho đến 3 tháng tuổi phần cơ cổ còn yếu, đầu trẻ lại to hơn và nặng (chiếm đến 25% cơ thể), chính vì thế, khi cha mẹ thực hiện các động tác rung lắc trẻ sơ sinh hoặc tưng bé lên cao thì phần cơ cổ trẻ không thể đỡ nổi phần đầu.

Đồng thời, xương sọ của trẻ còn mềm, màng não mỏng, giữa não và xương sọ lại có khoảng trống nên sẽ khiến cho phần não dễ va vào xương sọ làm tổn thương não.

Bác sĩ Phượng cho biết, một số trường hợp trẻ bị rung lắc mạnh sẽ gây ra chảy máu não và các tổn thương não vĩnh viễn. Đây là một động tác cực kỳ nguy hiểm mà bác sĩ Phượng khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên làm đối với con của mình.

2. Rung lắc trẻ sơ sinh như thế nào sẽ gây tổn thương?

  • Tất cả những động tác làm thay đổi tư thế trẻ nhanh đột ngộ như: trẻ đang nằm được bế thốc dậy, nhấc bổng trẻ lên cao rồi hạ xuống nhanh…
  • Cho trẻ ngủ võng và đưa võng thật mạnh.
  • Đùa giỡn với con bằng cách tát hoặc đánh vào tai, vào đầu, vào mặt trẻ.

Cha mẹ là người ở bên cạnh trẻ nhiều nhất, đặc biệt là trong giai đoạn 6 tháng đầu tiên. Do đó, cha mẹ cần nắm vững các kỹ năng chăm sóc trẻ và lưu ý tránh để hội chứng này này xảy ra với bé.

Để nghe lại câu trả lời của bác sĩ, bạn có thể nghe tại audio bên dưới: