Viêm tiểu phế quản là bệnh rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hiện nay, số trẻ bị viêm tiểu phế quản có tần suất nhập viện cao, chiếm khoảng 40% bệnh nhi nhập viện tại các khoa nhi.
1. Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh là gì?
Viêm tiểu phế quản là bệnh hô hấp cấp tính thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Bệnh thường do virus tấn công gây viêm tắc các đường hô hấp nhỏ (hay còn gọi là tiểu phế quản) và có thể bội nhiễm dẫn đến viêm phế quản. Đồng thời, viêm tiểu phế quản dễ bị tái đi tái lại, dễ bị biến chứng nguy hiểm, thậm chí có trường hợp tử vong.
Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? (Nguồn: Internet)
2. Nguyên nhân viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh
Theo các chuyên gia y tế, tác nhân làm cho trẻ bị viêm tiểu phế quản thường là do các virus như virus hợp bào hô hấp (VRS), có khả năng lây lan rất mạnh nên bệnh có nguy cơ xảy ra thành dịch, virus này chiếm khoảng 30 – 50% các trường hợp mắc bệnh.
Virus cúm cũng gây bệnh chiếm khoảng 25% số trẻ bị viêm tiểu phế quản. Ngoài ra, phải kể đến Adenovirus với 10% số ca mắc phải.
Viêm tiểu phế quản là bệnh viêm nhiễm cấp tính của các phế quản kích thước nhỏ, có đường kính dưới 2mm hay còn gọi là các tiểu phế quản.
3. Biểu hiện khi trẻ bị viêm tiểu phế quản?
Trẻ bị viêm tiểu phế quản thường có những biểu hiện sau đây:
- Bệnh thường được báo hiệu trước bởi nhiễm khuẩn hô hấp trên như ho, sốt, chảy mũi. Sau vài ngày thì xuất hiện thở nhanh và suy hô hấp.
- Co rút lồng ngực thường xảy ra sớm. Tím tái xảy ra khi bệnh nặng lên.
- Sốt có thể có hoặc không, thở ra kéo dài.
- Lồng ngực của trẻ trở nên căng phồng.
Ho là một trong những dấu hiệu nhận biết viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh (Nguồn: Internet)
Khi trẻ có một trong các dấu hiệu như bú kém, li bì, cơn ngừng thở, thở nhanh từ 70 lần/phút trở lên, thở rên, phập phồng cánh mũi, co rút lồng ngực nặng, tím tái thì cha mẹ cần đưa trẻ nhập viên ngay vì đây là dấu hiệu chứng tỏ bệnh đang càng ngày càng nặng và nguy hiểm.
4. Cách chữa trị cho trẻ bị viêm tiểu phế quản
Thuốc kháng sinh sẽ không có tác dụng trong trường hợp này, vì viêm tiểu phế quản do virus gây nên. Phần lớn trẻ nhỏ viêm tiểu phế quản RSV nhẹ thường bị ho và khò khè một chút, trẻ vẫn ăn uống tốt thì trong vài ngày, bệnh sẽ tự khỏi.
Trong trường hợp nghiêm trọng, trẻ có biểu hiện thở khò khè và ra nhiều dịch nhầy, ngăn cản không khí tới các phế nang của phổi. Lúc này, cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện để khám ngay.
Đối với các thể thông thường, không có suy hô hấp thì ngay khi vào viện các bác sĩ sẽ tiến hành hút thông đường thở, giải phóng các chất xuất tiết. Dùng khí dung ẩm thuốc giãn phế quản kết hợp với lý liệu pháp hô hấp, vỗ rung, hút đờm.
Những trẻ sốt cao, nôn, thở nhanh được bù đủ nước và điện giải theo nhu cầu cơ thể trẻ.
Đối với những trường hợp nặng có suy hô hấp thì trẻ được sử dụng liệu pháp oxygen, hút thông đường hô hấp trên, dùng thuốc giãn phế quản đường khí dung ẩm, truyền nước, điện giải,…Nếu những biện pháp trên không cải thiện tình trạng suy hô hấp, trẻ sẽ được tiến hành đặt nội khí quản và các biện pháp hô hấp hỗ trợ khác.
5. Cách điều trị viêm tiểu phế quản nhẹ tại nhà
Nếu trẻ bị bệnh nhẹ thì cha mẹ có thể áp dụng các cách sau đây:
- Cho trẻ uống đủ nước để làm loãng đờm, dịu ho.
- Sát khuẩn mũi, họng cho trẻ bằng dung dịch nước muối 0,9%.
- Điều trị triệu chứng nếu có (uống thuốc hạ sốt khi trẻ bị sốt).
- Có thể uống thuốc trị ho, long đờm theo chỉ định của bác sĩ. Chú ý tuyệt đối không tự mua thuốc kháng sinh để điều trị để phòng tránh nguy cơ kháng kháng sinh.
- Tránh khói thuốc lá vì có thể làm bệnh của trẻ nặng hơn.
- Để giảm ho, long đờm có thể sử dụng mật ong hấp với quả quất xanh hoặc mật ong hấp lá hẹ.
Xem thêm: Mách mẹ cách tiêu đờm cho trẻ sơ sinh
6. Các biện pháp phòng ngừa viêm tiểu phế quả ở trẻ
Để phòng ngừa viêm tiểu phế quản ở trẻ cần chăm sóc trẻ đúng cách, tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Cụ thể:
Khi trẻ có dấu hiệu viêm phế quản nặng cần đưa trẻ nhặp viện ngay (Nguồn: Internet)
- Cho trẻ bú mẹ ngay từ lúc mới sinh đến 2 tuổi. Điều quan trọng là người mẹ cần duy trì chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh để đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng và năng lượng. Trong suốt thời kỳ cho con bú, cần lưu ý đặc biệt tới các loại thực phẩm giàu canxi như các chế phẩm từ sữa, ngũ cốc nguyên cám, rau lá xanh, các loại hạt hay các loại cá. Các chế phẩm bổ sung vitamin sẽ giúp tăng thêm nguồn vitamin trong sữa mẹ.
- Khi trẻ được 6 tháng, cần cho trẻ ăn dặm đúng cách. Tùy thể trạng từng trẻ, có thể tập cho trẻ ăn dặm từ từ, bắt đầu từ 5 – 6 tháng tuổi trở đi, bữa ăn của trẻ bao gồm đầy đủ bốn nhóm dinh dưỡng chính là tinh bột, chất đạm, rau, trái cây, dầu thực vật. Cho trẻ uống đủ nước.
- Chú ý mặc quần áo thích hợp cho trẻ, thoáng mát về mùa hè, giữ ấm trong mùa đông, khi thời tiết giao mùa chuyển nóng sang lạnh đột ngột cần thường xuyên thay quần áo phù hợp, không để trẻ bị lạnh hay ra quá nhiều mồ hôi.
- Giữ cho môi trường trẻ ở được trong lành, không cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần rửa tay thường xuyên vì virus gây bệnh lây lan chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp. Tránh để trẻ tiếp xúc gần gũi với người lớn đang bị viêm đường hô hấp.
- Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Hy vọng với những thông tin trên đây đã giúp các ông bố bà mẹ tìm hiểu đầy đủ thông tin về bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh. Từ đó, có thể điều trị đúng cách cũng như phòng bệnh cho con một cách an toàn nhất.