Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Hiến máu có tốt không, có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

(VOH) - Nhiều người băn khoăn không biết hiến máu có tốt không, có ảnh hưởng đến sức khỏe không, nên khá do dự trong việc hiến máu. Bài viết dưới đây sẽ giúp nhiều người giải đáp được thắc mắc này.

Hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp mà bạn dễ dàng thực hiện nhằm giúp đỡ những người cần phải truyền máu khi nguy kịch. Người nhận máu có thể là một người dưng, nhưng cũng có thể là người thân trong gia đình bạn. Tuy là hiến máu là hành động cao đẹp nhưng một số bạn còn lo lắng vì nghĩ rằng sau khi biến máu, cơ thể sẽ mất đi một lượng máu lớn, sức đề kháng yếu, dễ mắc bệnh tật,…Vậy điều này có hoàn toàn đúng, có nên đi hiến máu không?

1. Hiến máu có tốt không?

Thực tế, hiến máu không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp đối với người nhận mà hành động này còn mang lại nhiều lợi ích cho người hiến máu.

Bác sĩ Nguyễn Phước Bích Hạnh, khoa tiếp nhận máu Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM, khẳng định hiến máu rất tốt cho sức khỏe nếu đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn hiến máu.

hien-mau-co-tot-khong-co-anh-huong-den-suc-khoe-khong-voh-1

Hiến máu không chỉ cứu người mà còn giúp mình (Nguồn: Internet)

Theo bác sĩ Hạnh, cơ thể chuyển biến như thế nào, tốt hay xấu phụ thuộc vào chế độ ăn uống, nghỉ dưỡng sau khi hiến máu. Nó không hoàn toàn phụ thuộc vào lượng máu bạn cho đi. Nếu sau khi hiến máu, bạn ăn nhiều, ngủ đủ trong thời gian dài thì sẽ tăng cân hoặc nếu luôn lo lắng, suy nghĩ bản thân sẽ mắc một bệnh nào đó thì dễ sụt cân, cơ thể yếu ớt,…

Do đó, để sức khỏe ổn định trở lại sau khi hiến máu, bạn cần biết điều chỉnh chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt hợp lý. Điều chỉnh này phải tốt hơn mọi ngày hoặc như mọi ngày.

2. Lợi ích của việc hiến máu có thể bạn chưa biết

Cũng theo bác sĩ Hạnh, hiến máu có lợi cho sức khỏe bởi những lý do sau:

  • Làm giảm lượng sắt dư thừa trong cơ thể, đồng thời những chất thải, chất oxy hóa cũng được loại bỏ.
  • Người hiến máu được khám và kiểm tra sức khỏe miễn phí như đo huyết áp, nhịp tim, cân nặng, lượng hồng cầu trong máu,…Nếu đạt được những yêu cầu này, nhân viên y tế mới tiến hành lấy máu.
  • Sau khi hiến máu, cơ thể sẽ huy động các tế bào máu mới để bù đắp lượng máu đã mất đi. Máu mới giúp cơ thể khỏe mạnh, tinh thần phấn chấn, vui vẻ hơn,…
  • Mỗi lần hiến máu sẽ tiêu tốn 650 kcal. Điều này giúp bạn kiểm soát cân nặng của mình.
  • Hiến máu vừa cứu sống người khác, vừa là cách kiểm tra sức khỏe định kỳ cho bản thân. Hơn nữa, sau khi hiến máu, máu của bạn sẽ được sàng lọc và kiểm tra, giúp bạn nhận biết sớm hơn nguy cơ mắc bệnh.
  • Được cấp giấy chứng nhận hiến máu.

Vì thế, nếu cơ thể luôn khỏe mạnh thì bạn nên tham gia các hoạt động hiến máu nhân đạo để vừa giúp đỡ người khác, vừa có thể bảo vệ sức khỏe cho chính mình.

3. Một số lưu ý khi đi hiến máu

Để nhận lại những lợi ích của hiến máu, bạn nên lưu ý một số điều sau:

hien-mau-co-tot-khong-co-anh-huong-den-suc-khoe-khong-voh-2

Bữa tối trước ngày hiến máu bạn cần ngủ sớm và ngủ đủ giấc (Nguồn: Internet)

  • Đêm trước ngày hiến máu bạn không nên thức khuya, nên ăn nhẹ và không uống rượu bia.
  • Uống nhiều nước có đường (bằng hoặc hơn lượng máu hiến) trước và sau hiến máu để ổn định tuần hoàn.
  • Trong 2 – 3 ngày đầu sau hiến máu nên sinh hoạt nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường, tránh các hoạt động gắng sức, các trò chơi mang tính đối kháng, đòi hỏi tốn nhiều thể lực như đá bóng, tập tạ,…
  • Những ngày đầu sau khi hiến máu, các chỉ số máu có thay đổi một chút nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường nên bạn đừng quá lo lắng.
  • Dù việc hiến máu là tốt nhưng nếu bạn đang không khỏe hay nhiễm virus nào đó như HIV hay viêm gan B thì bạn không nên đi hiến máu.
  • Phụ nữ rất dễ bị thiếu máu và thiếu sắt, vì thế nếu biết mình bị thiếu máu thì không nên đi hiến máu cho đến khi khối lượng hồng cầu của bạn đã trở về mức bình thường. Nếu thật sự muốn hiến máu thì bạn có thể uống một viên sắt trước khi đi hiến máu.
  • Người hiến máu phải đủ 18 tuổi và không quá 60 tuổi, đối với nữ cân nặng phải từ 42kg, nam giới từ 45kg trở lên.
  • Các lần hiến máu phải cách nhau hơn 3 tháng, một năm hiến máu tối đa 4 lần.

Hy vọng những thông tin này đã giúp các bạn có câu trả lời cho thắc mắc có nên hiến máu không. Nhìn chung, hiến máu nhân đạo luôn là một nghĩa cử tốt đẹp rất đáng được nhân rộng để giúp đỡ những người kém may mắn. Bạn sẽ cứu được 3 người với mỗi lần hiến máu, do đó đừng ngần ngại tham gia vào hoạt động cao đẹp này và cũng nên lưu ý kỹ những điều cần ghi nhớ để đảm bảo sức khỏe cho chính mình.

Bình luận