1. Các giai đoạn của HIV
Theo bác sĩ Lương Trường Sơn (Phó Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TPHCM), khi bị nhiễm virus HIV, người bệnh sẽ phải trải qua 3 giai đoạn.
1.1 Giai đoạn 1:
Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn nhiễm trùng cấp tính, thường từ 2 – 6 tuần sau khi tiếp xúc hoặc bị lây nhiễm. Lúc này, người bệnh có một vài triệu chứng sớm để nhận biết.
1.2 Giai đoạn 2:
Ở giai đoạn này, người bệnh không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Giai đoạn này kéo dài, thậm chí nhiều năm.
1.3 Giai đoạn cuối:
Ở giai đoạn cuối, người bệnh chuyển sang AIDS với nền tảng suy giảm miễn dịch nặng với rất nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Giai đoạn đầu tiên còn được gọi là giai đoạn cửa sổ. Nhận biết bệnh ở giai đoạn này có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị HIV.
2. Dấu hiệu nhiễm HIV
Bạn có biết, trong vòng một hoặc hai tháng sau khi HIV xâm nhập vào cơ thể, có khoảng 40% đến 90% người bệnh có triệu chứng giống cảm cúm. Tuy nhiên, đôi khi dấu hiệu nhiễm HIV sau 1 năm không xuất hiện, thậm chí là 10 năm, kể từ khi bạn nhiễm phải virus.
Bạn nên đi xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt nếu có quan hệ tình dục không an toàn hoặc vô tình dẫm phải kim tiêm. Bạn có thể tham khảo một số dấu hiệu nhiễm HIV sau đây để kịp thời nhận biết.
2.1 Sốt nhẹ
Sốt nhẹ là dấu hiệu của HIV giai đoạn sớm (Nguồn: Internet)
Một trong những dấu hiệu nhiễm HIV giai đoạn đầu là sốt nhẹ khoảng 39 độ C. Cơn sốt thường kèm theo các triệu chứng nhẹ như mệt mỏi, sưng to hạch bạch huyết và đau họng.
2.2 Mệt mỏi
Khi virus HIV bắt đầu xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ tạo ra phản ứng viêm để bảo vệ cơ thể. Phản ứng viêm do hệ miễn dịch cũng khiến bạn cảm thấy thường xuyên mệt mỏi. Khác với mệt mỏi do làm việc nhiều hay thiếu ngủ, bạn sẽ cảm thấy cơ thể bị kiệt sức ngay cả khi ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ.
Mệt mỏi có thể là triệu chứng của một số bệnh thông thường khác. Do đó, nhiều người đã bỏ qua dấu hiệu của nhiễm HIV giai đoạn sớm này.
2.3 Bị sưng hạch
Dấu hiệu nhiễm HIV giai đoạn đầu thường bị nhầm lẫn với bệnh cúm hoặc nhiễm virus khác, thậm chí là giang mai hoặc viêm gan. Nguyên nhân là do các bệnh này có nhiều triệu chứng giống nhau, bao gồm đau ở các khớp, cơ bắp và sưng hạch bạch huyết.
Các hạch bạch huyết là một phần của hệ thống miễn dịch của cơ thể và có xu hướng bị viêm khi có nhiễm trùng. Các hạch ở nách, bẹn và cổ sưng to là dấu hiệu cho thấy bạn có thể nhiễm HIV.
2.4 Ra mồ hôi trộm
Nếu bạn đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm hoặc ra mồ hôi mà không phải do làm việc gắng sức hoặc do nhiệt độ phòng cao, rất có thể đây là dấu hiệu nhiễm HIV giai đoạn đầu.
2.5 Bị đau họng
Đau họng và nhức đầu có thể là dấu hiệu phơi nhiễm HIV. Do đó, nếu gần đây bạn có những hành vi nguy cơ nhiễm HIV, tốt nhất nên tiến hành xét nghiệm và điều trị phơi nhiễm HIV vì lợi ích của chính mình, người thân và cộng đồng.
2.6 Bị phát ban
Phát ban da có thể do các bệnh về da hoặc do da bạn bị dị ứng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là triệu chứng nhiễm HIV trong vòng 2 đến 3 tuần hoặc dấu hiệu nhiễm HIV sau 3 tháng (tùy vào khả năng miễn dịch của mỗi người) sau khi bị virus xâm nhập.
2.7 Buồn nôn, nôn và tiêu chảy
Có khoảng 30% đến 60% người bị nhiễm HIV có triệu chứng buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy trong thời gian ngắn ở giai đoạn sớm của HIV.
2.8 Sụt cân
Sụt cân nghiêm trọng là dấu hiệu bệnh nặng hơn và có thể do tiêu chảy mức độ nặng. Nếu bạn đã sụt cân, điều đó có nghĩa là hệ thống miễn dịch của bạn đang gặp nhiều vấn đề.
Nếu bạn sụt cân nhiều ngay cả khi bạn vẫn ăn uống bình thường hay khẩu phần ăn nhiều hơn thì rất có thể là dấu hiệu bạn đã bị lây nhiễm HIV.
2.9 Thay đổi về móng tay
Một dấu hiệu của nhiễm HIV muộn là những thay đổi về móng tay, chẳng hạn như bạn bị bệnh móng tay dùi trống (dày và cong móng), tách móng hoặc đổi màu, móng có đường màu đen hoặc màu nâu hoặc theo chiều dọc hoặc chiều ngang.
Thường thì các triệu chứng bất thường của móng tay là do nhiễm nấm. Những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu khi nhiễm HIV sẽ dễ bị nhiễm nấm hơn và móng tay, móng chân xuất hiện các dấu hiệu bệnh lạ.
2.10 Nhiễm trùng nấm
Nhiễm trùng nấm thường xảy ra ở những giai đoạn muộn của bệnh HIV, có thể gây tưa miệng, nhiễm trùng miệng. Các loại nhiễm trùng có thể do Candida, một loại nấm men gây nên. Đây là một loại nấm rất phổ biến và gây nhiễm trùng âm đạo ở phụ nữ. Chúng có xu hướng xuất hiện trong miệng hoặc thực quản, gây ra triệu chứng khó nuốt.
2.11 Rối loạn kinh nguyệt
HIV trở nặng có thể làm tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn kinh nguyệt. Đây là dấu hiệu nhiễm HIV ở nữ cũng cần được chú ý.
2.12 Khó tập trung
Các vấn đề về nhận thức có thể là dấu hiệu của bệnh mất trí nhớ liên quan đến HIV, thường xảy ra muộn trong quá trình bệnh. Một số bệnh nhân nhiễm HIV còn sa sút tinh thần và có dấu hiệu trầm cảm.
Trên đây là một số dấu hiệu nhiễm HIV phổ biến, bạn có thể có những dấu hiệu khác mà không được đề cập tới. Để có kết quả chính xác có bị nhiễm HIV hay không thì bạn nên đến bệnh viện xét nghiệm. Nếu trước đó có hành vi nguy cơ nhiễm HIV hoặc dẫm phải kim tiêm hay bị người lạ đâm bằng vật nhọn gây chảy máu thì bạn nên đến bệnh viện xét nghiệm và điều trị càng sớm càng tốt.
Xét nghiệm và điều trị phơi nhiễm HIV sớm sẽ có cơ hội âm tính với HIV (Nguồn: Internet)
3. Nhiễm HIV sống được bao lâu?
Những người có chẩn đoán nhiễm HIV cần phải dùng thuốc suốt đời để ngăn ngừa nó chuyển thành AIDS, thường gây tử vong.
Trước đây, những người có HIV dương tính được cho là có tuổi thọ ngắn hơn vì thuốc và hệ miễn dịch suy yếu khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng gây tử vong. Ngày nay, có nhiều loại thuốc điều trị HIV hơn, thuốc cho phép những người có HIV dương tính sống lâu như những người bình thường. Thuốc cũng có thể ức chế lượng virus đến mức không thể phát hiện và không thể lây truyền được, có nghĩa là có thể có mối quan hệ thân mật mà không truyền virus. Do đó, nếu tuân thủ nghiêm ngặt theo phác đồ điều trị của bác sĩ thì người bệnh có thể sống lâu hơn.
Như vậy, thay vì hoang mang vì bị nhiễm HIV thì bạn nên đến bệnh viện thăm khám để được các bác sĩ hướng dẫn điều trị thích hợp. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên che giấu người thân mà hãy chia sẻ để được hỗ trợ điều trị hiệu quả hơn.