Chờ...

Hội chứng HELLP trong sản khoa là gì?

(VOH) - Hội chứng HELLP là một biến chứng sản khoa có thể đe dọa tính mạng sản phụ. Đây là hội chứng gì, có thể phòng ngừa bằng cách nào? hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Hội chứng HELLP là gì?

Hội chứng HELLP là hội chứng thiếu máu tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu ở thai phụ, thường xảy ra ở giai đoạn cuối thai kỳ, đôi khi xảy ra sau sinh. Đây là một biến thể của tình trạng tiền sản giật ở bà bầu, có thể đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé.

hoi-chung-hellp-trong-san-khoa-la-gi-voh-1

Hội chứng HELLP là biến chứng hiếm gặp trong thai kỳ (Nguồn: Internet)

HELLP là tên viết tắt của các từ:

  • H: Hemolysis (tan máu).
  • EL: Elevated liver enzymes (tăng men gan).
  • LP: Low platelets (giảm tiểu cầu).

Hội chứng HELLP là một rối loạn hiếm gặp, ảnh hưởng dưới 1% phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, đây là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng cho cả mẹ và thai nhi.

2. Vì sao thai phụ mắc hội chứng HELLP?

Nguyên nhân chính xác của hội chứng HELLP chưa được biết rõ. Tuy nhiên, tiền sản giật là yếu tố nguy cơ lớn nhất. Tình trạng này được đặc trưng bởi huyết áp cao và phù nề, thường xảy ra trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tất cả phụ nữ mang thai bị tiền sản giật đều sẽ phát triển hội chứng HELLP.

Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Thai phụ trên 30 tuổi.
  • Thai phụ người da trắng.
  • Thai phụ thừa cân.
  • Đã mang thai các lần trước.
  • Thai phụ có chế độ ăn uống không dinh dưỡng.
  • Thai phụ mắc bệnh tiểu đường.
  • Trong quá khứ đã bị tiền sản giật.

3. Dấu hiệu nhận biết hội chứng HELLP

Triệu chứng và dấu hiệu của hội chứng HELLP có thể khác nhau ở các trường hợp nhưng phổ biến nhất là:

  • Cảm thấy mệt mỏi.
  • Đau bụng.
  • Buồn nôn, ói mửa.
  • Nhức đầu.
  • Phù nề, đặc biệt là ở bàn tay, chân hoặc mặt.
  • Đau bụng.
  • Tăng cân đột ngột và quá mức.
  • Chảy máu quá mức không rõ nguyên nhân.
  • Thị lực giảm.
  • Đau vai.
  • Đau khi thở sâu.

Trong các trường hợp hiếm gặp có thể bị nhức đầu, lú lẫn và co giật.

Đông máu nội mạch lan tỏa gặp ở khoảng 20% phụ nữ bị hội chứng HELLP và ở 84% trường hợp nếu hội chứng HELLP đi kèm với suy thận cấp.

4. Phương pháp chẩn đoán hội chứng HELLP

Bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng và yêu cầu các xét nghiệm khác nếu nghi ngờ hội chứng HELLP. Trong quá trình khám, bác sĩ có thể cảm thấy bụng bạn nhạy cảm, gan to và phù nề quá mức đâu đó. Đây có thể là các dấu hiệu của vấn đề ở gan. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra huyết áp.

Một số xét nghiệm cũng có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bao gồm:

  • Xét nghiệm máu để đánh giá mức độ tiểu cầu và số lượng hồng cầu.
  • Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra men gan và các protein bất thường.
  • Chụp MRI để xác định xem có chảy máu trong gan không.

5. Điều trị hội chứng HELLP như thế nào?

Nếu các triệu chứng của hội chứng HELLP nhẹ hoặc nếu thai nhi ít hơn 34 tuần tuổi, bác sĩ có thể khuyên các mẹ bầu nên:

  • Nghỉ ngơi tại giường ở nhà hay trong bệnh viện.
  • Truyền máu để điều trị thiếu máu và nồng độ tiểu cầu thấp.
  • Dùng magie sulfate để ngăn ngừa co giật.
  • Dùng thuốc hạ huyết áp để kiểm soát huyết áp.
  • Dùng thuốc corticosteroid giúp phổi của bé trưởng thành trong trường hợp sinh sớm.

Trong thời gian điều trị, bác sĩ sẽ theo dõi mức độ tế bào hồng cầu, tiểu cầu và men gan.

hoi-chung-hellp-trong-san-khoa-la-gi-voh-2

Mổ lấy thai là phương pháp điều trị hội chứng HELLP phổ biến (Nguồn: Internet)

Bạn có thể được dùng thuốc giúp kích thích chuyển dạ, nếu bác sĩ xác định tình trạng của bạn cần đưa thai nhi ra ngay, bạn có thể phải sinh mổ. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra các biến chứng nếu bạn có vấn đề về đông máu do nồng độ tiểu cầu thấp.

6. Hội chứng HELLP có phòng tránh được không?

Hội chứng HELLP không thể phòng ngừa vì nguyên nhân gây ra tình trạng này chưa được tìm ra. Tuy nhiên, các mẹ bầu có thể phòng ngừa bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ như:

  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, đầy đủ các chất, đặc biệt là thực phẩm tốt cho tim như ngũ cốc, rau, trái cây và thịt nạc.
  • Khám thai định kỳ.
  • Kiểm soát đường huyết nếu mắc bệnh tiểu đường.
  • Thông báo cho bác sĩ nếu có dấu hiệu bất thường trong thai kỳ.