Hội chứng nhiễm trùng là gì? Cách chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả

(VOH) - Nếu từ ‘nhiễm trùng’ đã quá quen với nhiều người thì thuật ngữ ‘hội chứng nhiễm trùng’ lại rất ít người biết. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thuật ngữ ‘hội chứng nhiễm trùng’ là gì?

1. Hội chứng nhiễm trùng là gì?

Hội chứng nhiễm trùng không phải là bệnh mà nó là tập hợp của nhiều triệu chứng bệnh nhiễm trùng khác nhau. Hội chứng này gặp ở hầu hết các bệnh nhiễm khuẩn.

hoi-chung-nhiem-trung-la-gi-cach-chan-doan-va-dieu-tri-benh-hieu-qua-voh-0

Hội chứng nhiễm trùng có thể do nhiều tác nhân (Nguồn: Internet)

Những triệu chứng của hội chứng nhiễm trùng có thể thuộc hệ hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, tiết niệu hay những triệu chứng toàn thân. Trong số những triệu chứng toàn thân, có 3 triệu chứng thường gặp nhất là sốt, rét run và đổ mồ hôi.

2. Biểu hiện thường gặp của hội chứng nhiễm trùng

2.1 Sốt

Nhiều người khi thấy cơ thể bị sốt sẽ vô cùng lo lắng, tuy nhiên đối với người lớn sốt là biểu hiện tốt của cơ thể trước sự xâm nhập của vi khuẩn, virus,…Nó làm tăng phản ứng nhiễm khuẩn của cơ thể. Ở trẻ nhỏ, nếu trẻ bị bệnh cúm có triệu chúng sốt sẽ gây hậu quả xấu như gây co giật toàn thân, hôn mê, tổn thương thần kinh và để lại di chứng nặng, gây mất nước, giảm khả năng thải nhiệt, giảm khả năng đề kháng của cơ thể.

hoi-chung-nhiem-trung-la-gi-cach-chan-doan-va-dieu-tri-benh-hieu-qua-voh-1

Sốt là triệu chứng phổ biến ở những người bị nhiễm trùng (Nguồn: Internet)

Thông thường, để đánh giá người bệnh có sốt hay không thì cần phải đo nhiệt độ ở nách. Nếu nhiệt độ từ 36.5 – 37 độ C thì không sốt, từ 37.5 – 38.9 độ C là sốt vừa, trên 39 độ C là sốt cao.

Nguyên nhân khiến cơ thể bị sốt có thể do:

  • Sốt do nhiễm khuẩn: Những bệnh như viêm phổi, viêm tai mũi họng, viêm màng não, thương hàn, lỵ trực khuẩn,….được xếp vào loại sốt do nhiễm khuẩn.
  • Sốt do nhiễm virus: Những bệnh như viêm não Nhật Bản B, sốt xuất huyết, viêm gan siêu vi, viêm phổi do virus,…sẽ gây ra triệu chứng sốt do nhiễm virus.
  • Sốt do nhiễm ký sinh trùng, điển hình nhất là sốt rét.

2.2 Rét run

Rét run thường là dấu hiệu khởi đầu của bệnh lý nhiễm trùng, rét run chỉ thấy trong những cơn sốt khởi đầu đột ngột. Nếu rét run tái diễn nhiều lần có thể nghĩ đến tình trạng nhiễm trùng máu.

2.3 Đổ mồ hôi

Triệu chứng đổ mồ hôi xuất hiện khi thân nhiệt giảm. Trong lúc sốt, đổ mồ hôi nhiều có thể hướng đến một số chẩn đoán bệnh Hodgkin, Brucellose…

3. Chẩn đoán và điều trị hội chứng nhiễm trùng

3.1 Chẩn đoán

Để chẩn đoán hội chứng nhiễm trùng cần làm xét nghiệm và khám đầy đủ, toàn diện, đặc biệt là khám da, niêm mạc. Cụ thể:

  • Khám da: Khám da để tìm những hồng ban, những vết nhiễm trùng, nang nhiễm trùng, nốt nhiễm trùng, nhọt mủ, đinh râu,…
  • Khám niêm mạc: Khám niêm mạc vùng miệng (mặt trong má, lưỡi, hầu, họng,…) có thể mang lại giá trị chẩn đoán cao.
  • Khám mô dưới da: Tìm những vùng nung mủ dưới da.
  • Khám bụng: Khám bụng rất có giá trị trong sốt thương hàn.
  • Khám phổi: Những bệnh nhiễm trùng có thể khởi nguồn từ phổi nên cần khám một cách có hệ thống.
  • Khám hệ thần kinh: Ở bệnh nhân có sốt, khám thần kinh để chẩn đoán viêm màng não.

Ngoài ra, trong một số trường hợp có thể xét nghiệm máu để chẩn đoán hội chứng nhiễm trùng.

3.2 Điều trị

hoi-chung-nhiem-trung-la-gi-cach-chan-doan-va-dieu-tri-benh-hieu-qua-voh-2

Nhiễm trùng thường được điều trị bằng thuốc (Nguồn: Internet) 

Thông thường, cơ thể sẽ tự chống lại nhiễm trùng nhưng khi hệ miễn dịch suy yếu, các tác nhân sẽ tấn công và gây bệnh. Khi đó, người bệnh sẽ điều trị bằng cách dùng thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, kháng nấm, kháng động vật nguyên sinh và trị giun sán.

Như vậy, hội chứng nhiễm trùng là tập hợp những triệu chứng như sốt, rét run, đổ mồ hôi, mệt mỏi, chán ăn,…mà những triệu chứng này có thể xuất phát từ nhiều bệnh khác nhau nên gây khó khăn trong việc chẩn đoán. Do đó, nếu có dấu hiệu cơ thể bị nhiễm trùng thì bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám, thực hiện các chẩn đoán nhằm xác định chính xác nguyên nhân và điều trị đúng cách.

Bình luận