Chờ...

Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì? Nguyên nhân và cách cải thiện

(VOH) – Nhiều phụ nữ cảm thấy có nhiều sự thay đổi về cảm xúc, thể chất, tâm lý trước kỳ kinh và nghĩ đó là dấu hiệu bình thường. Nhưng thực chất có thể bạn đang gặp phải hội chứng tiền kinh nguyệt.

Hầu hết phụ nữ sẽ cảm thấy hơi “phiền phức” một chút trước kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy có sự thay đổi khác lạ quá mức về thể chất hoặc tâm lý trước khi "bà dì" tới và những triệu chứng này cứ xảy ra đều đặn hàng tháng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của bạn thì có nhiều khả năng bạn đang bị hội chứng tiền kinh nguyệt.

1. Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?

Hội chứng tiền kinh nguyệt (Premenstrual Syndrome – PMS) là một tập hợp những rối loạn về cảm xúc, thể chất, tâm lý và tâm trạng trong khoảng thời gian trước khi có kinh nguyệt.

Những triệu chứng của hội chứng này thường xảy ra 1 – 2 tuần trước khi có hiện tượng hành kinh và mất đi khi kì kinh kết thúc. Các triệu chứng có xu hướng tái xuất hiện theo một chu trình nhất định, tuy nhiên, những thay đổi về mặt cảm xúc và thể chất có thể dao động từ không quá rõ ràng cho đến dữ dội.

Hội chứng tiền kinh nguyệt tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị, tình trạng này có thể sẽ tiến triển nặng hơn, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hôn nhân cũng như những hoạt động hàng ngày.

hoi-chung-tien-kinh-nguyet-la-gi-nguyen-nhan-va-cach-cai-thien-voh-0
Hội chứng tiền kinh nguyệt ảnh hưởng đến đời sống hôn nhân (Nguồn: Internet) 

2. Đối tượng mắc hội chứng tiền kinh nguyệt

Bất cứ phụ nữ nào cũng đều có thể gặp phải hội chứng tiền kinh nguyệt, nhưng những đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ cao hơn:

  • Trong độ tuổi từ 20 – 40: Phụ nữ trong độ tuổi từ 20 – 40 tuổi có thể rất hay gặp phải các triệu chứng tiền kinh nguyệt. Đặc, biệt hội chứng này có thể nghiêm trọng hơn ở những người từ 40 tuổi trở lên.
  • Từng mang thai: Những phụ nữ đã mang thai ít nhất 1 lần cũng có khả năng bị hội chứng tiền tiền kinh nguyệt.
  • Tiền sử trầm cảm: Phụ nữ có tiền sử trầm cảm hoặc các rối loạn tâm trạng khác dễ mắc phải hội chứng mà không nhận ra. 

Xem thêm: Biểu hiện của bệnh trầm cảm, cần biết để bảo vệ bản thân và gia đình

3. Nguyên nhân hội chứng tiền kinh nguyệt

Hiện nay, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt ở phụ nữ, nhưng có một số yếu tố có thể góp phần gây ra tình trạng này, đó là:

  • Di truyền: Người có người thân trong gia đình đã từng mắc hội chứng tiền kinh nguyệt sẽ có thể gặp phải hội chứng này.
  • Sức khỏe thần kinh yếu: Có vấn đề về thần kinh, thường xuyên gặp stress, căng thẳng...
  • Lười vận động: Không có chế độ tập luyện thể dục đều đặn, máu huyết không lưu thông.
  • Chế độ ăn mất cân bằng: Chế độ ăn uống thiếu vitamin B6, canxi và magie. Ăn nhiều đồ ăn chiên xào chứa nhiều dầu mỡ, uống không đủ nước mỗi ngày. 
  • Lạm dụng chất kích thích: Sử dụng quá nhiều chất có chứa cafein làm ức chế khả năng sản xuất hormone estrogen. 

4. Dấu hiệu hội chứng tiền kinh nguyệt

Khi chuẩn bị bước vào kì kinh nguyệt, cơ thể người phụ nữ thường khá nhạy cảm, lượng hormone estrogen sẽ biến động. Bản thân chị em có thể quan sát và nhận ra những bất thường của cơ thể mình. 

Nhiều phân tích y khoa cho thấy, triệu chứng tiền kinh nguyệt ở phụ nữ có thể phân thành 2 loại: rối loạn dạng thể chất và rối loạn dạng cảm xúc.

Những rối loạn thể chất

  • Chướng bụng: Giai đoạn này bạn sẽ rất thèm ăn, tuy nhiên hệ tiêu hóa lại hoạt động không hiệu quả, thường xuyên cảm thấy chướng bụng. 
  • Thay đổi khẩu vị: Nếu bình thường bạn không thích ăn đồ ngọt, thì trước khi tới kì kinh, bạn có thể rất “hảo ngọt”, thậm chí là ăn nhiều mà không ngán. 
  • Nổi mụn trứng cá: Vì xảy ra tình trạng rối loạn nồng độ nội tiết tố, nên mụn trứng cá sẽ mọc nhiều tại vùng trán, cằm và cánh mũi. 
  • Đau bụng dưới: Đây là một trong những dấu hiệu điển hình mà nữ giới thường gặp phải vì tử cung co thắt nhiều hơn để chuẩn bị dồn máu ra ngoài. 
  • Căng ngực: Vòng 1 sẽ căng hơn bình thường, đôi lúc sẽ thấy đau nhức và ngứa ngáy ở đầu ti.

Xem thêm: Ngứa đầu ti – 10 nguyên nhân gây ngứa khiến chị em không thể ngờ!

Những rối loạn dạng cảm xúc

  • Nóng giận vô cơ: Cảm giác bứt rứt, khó chịu trong người sẽ khiến phái nữ khó kiểm soát được cảm xúc của mình, có thể nổi nóng và bật khóc mà không rõ lý do.
  • Khó tập trung: Cơ thể cảm giác nặng nề và có phần đau mỏi hơn nên tinh thần sẽ không thoải mái, khó tập trung giải quyết công việc. 
  • Ngại gặp gỡ: Thời gian này, chị em sẽ ngại gặp gỡ và không muốn tiếp xúc nhiều người, ít hứng thú tham gia các hoạt động đông người. 

Lưu ý: Hội chứng tiền kinh nguyệt gây ra những sự thay đổi tâm trạng, thể chất, cảm xúc của phụ nữ. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng tiền kinh nguyệt kéo dài và trở nên nghiêm trọng, gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân hay công việc thì rất có thể bạn đang bị hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (một dạng nghiêm trọng của rối loạn tiền kinh nguyệt).

hoi-chung-tien-kinh-nguyet-la-gi-nguyen-nhan-va-cach-cai-thien-voh-1
Mắc hội chứng tiền kinh nguyệt khiến chị em ngại gặp gỡ (Nguồn: Internet) 

5. Chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt

Các bác sĩ phụ khoa sẽ chẩn đoán và xác định hội chứng tiền kinh nguyệt dựa trên những thông tin bạn cung cấp. 

Cần nắm rõ chu kì kinh nguyệt của bản thân, nếu thấy những thay đổi cảm xúc và thể trạng xuất hiện trong vòng 5 ngày trước khi kỳ kinh bắt đầu, lặp lại liên tục trong ít nhất ba kì liên tiếp thì cần đến thăm khám để nhận tư vấn khắc phục. 

6. Điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt

Các bác sĩ cho biết, việc điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Nếu hội chứng tiền kinh nguyệt chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ đến trung bình thì có thể được giải quyết bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống. Nếu các biểu hiện tiền kinh nguyệt trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh thì sẽ được điều trị bằng thuốc.

Dưới đây là một số phương pháp có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt.

6.1. Tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên với các động tác tăng cường nhịp thở và nhịp tim sẽ giúp làm giảm các triệu chứng tiền nguyệt. Ngoài ra, việc tập thể dục cũng giúp làm giảm mệt mỏi và ngăn ngừa xảy ra trầm cảm. Bạn có thể kết hợp thực hiện bài tập thể dục bao gồm: đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe và bơi lội.

Xem thêm: Điều gì sẽ xảy ra khi bạn đạp xe đạp mỗi ngày? Chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên với kết quả nhận được

6.2. Thư giãn và giải tỏa căng thẳng

hoi-chung-tien-kinh-nguyet-la-gi-nguyen-nhan-va-cach-cai-thien-voh-2
Hãy dành thời gian thư giãn nghỉ ngơi (Nguồn: Internet) 

Stress, căng thẳng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hội chứng tiền kinh nguyệt. Vì thế, bạn cần thư giãn đầu óc, giảm căng thẳng khi đang mắc phải hội chứng này.

Bạn có thể áp dụng các liệu pháp thư giãn như các bài tập thở, thiền hay tập yoga. Bên cạnh đó, liệu pháp massage cũng là một hình thức trị liệu đơn giản và hiệu quả. Ngoài ra, ngủ đủ giấc chính là một yếu tố quan trọng giúp phụ nữ có đầy đủ sức khỏe để chống lại các vấn đề xảy ra của hội chứng tiền kinh nguyệt.

6.3. Thay đổi chế độ ăn uống

Hội chứng tiền kinh nguyệt có thể được giảm nhẹ nhờ những thay đổi đơn giản trong chế độ ăn uống hàng ngày. 

  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi và chất xơ như sữa chua và rau xanh lá vào thực đơn hàng ngày.
  • Giảm lượng chất béo, muối và đường.
  • Tránh tiêu thụ rượu, bia và các loại thực phẩm chứa nhiều cafein.
  • Giữ lượng đường trong máu luôn ổn định cũng là một cách giúp giảm bớt các triệu chứng tiền kinh nguyệt.
  • Nên đa dạng thực phẩm có chứa nhiều carbohydrate phức hợp, bởi đây là một chất có thể làm dịu các triệu chứng bất thường trong tâm trạng và cảm giác thèm ăn. Carbohydrate phức hợp thường có nhiều trong ngũ cốc nguyên hạt, gạo nâu, đậu lăng.

Xem thêm: Đậu lăng: "siêu thực phẩm" chứa đến 12 công dụng tốt cho sức khỏe

6.4. Sử dụng thực phẩm bổ sung

Hiện nay trên thị trường có khá nhiều các sản phẩm chức năng có thể giúp hỗ trợ điều trị chứng tiền kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu muốn dùng thực phẩm chức năng, bạn cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng, nhằm hạn chế những tác dụng có thể xảy ra.

6.5. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn bác sĩ

Các loại thuốc ngăn ngừa sự rụng trứng, chẳng hạn như thuốc tránh thai nội tiết tố có thể làm giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt liên quan đến thể chất. Thuốc chống trầm cảm cũng giúp ích ổn định thần kinh trong việc điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt. Một số loại thuốc an thần, thuốc chống viêm, thuốc lợi tiểu cũng có tác dụng tương tự.

Hy vọng những chia sẻ trong bài viết sẽ giúp chị em biết cách yêu thương và chăm sóc cơ thể mình một cách khoa học, sớm vượt qua hội chứng "rắc rối" này.