Sưng đau họng là bệnh thường gặp theo mùa phổ biến ở cả trẻ em và người lớn, tỷ lệ mắc bệnh cao thường ở nhóm trẻ em dưới 7 tuổi.
Nhiều người còn chủ quan trọng việc phòng ngừa và điều trị khiến bệnh ngày càng nặng, ảnh hưởng sức khỏe và gây khó khăn cho việc việc trị sau này
Để người bệnh hiểu đúng về Sưng đau họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã có những chia sẻ để người bệnh hiểu đúng và có giải pháp điều trị bệnh này.
Những nguyên nhân phổ biến gây sưng đau họng
Theo ThS BS. Văn Thị Hải Hà, đau họng thường là triệu chứng của viêm họng cấp, phổ biến trong cộng đồng, khởi phát do tác nhân gây bệnh tại niêm mạc hầu họng.
Thời điểm giao mùa là điều kiện khiến virus và vi khuẩn phát triển mạnh dễ xâm nhập đặc biệt ở các bệnh nhân có cơ địa suy giảm miễn dịch (HIV, Hóa trị), người lớn tuổi (>65 tuổi), trẻ em (<2 tuổi), phụ nữ có thai. Hoặc người có bệnh kèm theo như phổi mãn tính, bệnh tim mạch/thận/máu/thần kinh, đái tháo đường, xơ hóa đa nang, béo phì…
Người bệnh thường có một số biểu hiện như đau họng, ho, sốt, mệt mỏi… Các triệu chứng nặng cần được thăm khám tích cực như: ho ra máu, thở ngắn hoặc thở khò khè, khó nuốt nặng, chảy dãi hoặc giọng nói bị bóp nghẹt, cổ sưng một bên không liên quan đến nổi hạch, sốt rất cao hoặc đổ mồ hôi về đêm.
Tùy theo diễn tiến thời gian mắc bệnh, có thể phân loại bệnh thành bốn giai đoạn là viêm họng cấp tính, viêm họng cấp tính tái phát, đợt cấp viêm họng mạn tính và viêm họng mạn tính.
ThS BS. Văn Thị Hải Hà cho biết, nguyên nhân gây ra viêm họng cấp thường do virus, phổ biến nhất như cảm cúm, bệnh sẽ tự khỏi sau 3 - 5 ngày. Viêm họng do vi khuẩn, thường là do liên cầu khuẩn Streptococcus, có thể để lại biến chứng nguy hiểm cần điều trị đúng và đặc hiệu.
Một số nguyên nhân gây viêm họng mạn là do viêm họng cấp điều trị không hiệu quả, do dị ứng (thường kèm theo ho, ngứa họng…), do thời tiết và môi trường sống (giao mùa, ô nhiễm khói bụi…), do bệnh lý liên quan khác (viêm amidan, nhiễm trùng xoang, viêm đường hô hấp, trào ngược dạ dày…), do cơ địa bệnh lý đặc biệt (bệnh nội khoa khác, bệnh dịch, thuốc lá…) và do tác nhân gây bệnh không đặc hiệu (nấm họng…).
Các tác nhân ảnh hưởng đến viêm họng khả năng cao sẽ ảnh hưởng đến tai, mũi và ngược lại.
Cần cân nhắc sử dụng kháng sinh trong điều trị sưng đau họng
Thực tế, khi bị sưng đau họng người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi, uống nước ấm đủ, sử dụng các giải pháp làm giảm triệu chứng. Nếu bệnh không thuyên giảm sau 3 - 7 ngày, người bệnh cần tới gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị. Trường hợp sử dụng kháng sinh cần sử dụng đúng lộ trình và đủ thời gian.
ThS BS. Văn Thị Hải Hà cho biết, tự dùng thuốc kháng sinh có thể dẫn đến tái phát bệnh, đề kháng kháng sinh, gây ra các biến chứng khác như: viêm họng mạn, viêm đường hô hấp dưới, áp xe, giảm sức đề kháng…
Ngoài ra, tình trạng đề kháng kháng sinh còn dẫn đến hậu quả như: Tử vong và bệnh tật ở người bệnh; Tăng nguy cơ hoặc khả năng thất bại với phẫu thuật, sinh mổ; Tăng chi phí điều trị, cần thuốc đắt tiền hơn; Không thể/rất khó điều trị một số nhiễm trùng do thiếu thuốc điều trị (ví dụ nhóm ESKAPE); Gánh nặng kinh tế và áp lực lên y tế do bệnh kéo dài; Tăng nguy cơ lây lan cho người khác do nhiễm dai dẳng.
Xem thêm: Mỗi ngày có khoảng 3.500 người chết do nhiễm trùng bởi kháng kháng sinh
Để điều trị viêm họng, điều trị giảm nhẹ ở các triệu chứng như: giảm đau hạ sốt, kháng viêm chống phù nề, giảm ho. Điều trị đặc hiệu ở các nguyên nhân như: kháng sinh, kháng dị ứng, chống trào ngược. Cần loại trừ các yếu tố nguy cơ và phòng ngừa tái phát.
Các chuyên gia khuyên người bệnh khi bị sưng đau họng nên nghỉ ngơi tại nhà, uống nước ấm, nước trái cây, thường xuyên súc miệng với nước muối ấm, ngậm thuốc trị đau họng, tránh khói (thuốc lá), bụi, nơi ô nhiễm không khí và cần giữ ấm cơ thể.
Về chế độ dinh dưỡng, người bệnh nên ăn các thức ăn mềm, trái cây, tránh đồ ăn để lạnh, nghỉ ngơi tại giường, rửa tay chân thường xuyên và súc miệng thường xuyên.
Khi xuất hiện các triệu chứng tiến triển mạn tính và trở nặng như: Đau họng dai dẳng, họng nóng rát; Tăng vướng mắc, tăng chèn ép cổ, nuốt đau hay khó nuốt; Ho nhiều, ho đờm kéo dài; Khàn giọng, khó thở; Sưng cổ, nổi hạch; Các dấu hiệu toàn thân khác như: sốt cao, đau ngực, đau khớp… thì người bệnh cần tới gặp các bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và điều trị sớm nhất.