Polyp cổ tử cung vốn là một căn bệnh phụ khoa lành tính, tuy nhiên nếu không phát hiện bệnh và điều trị sớm thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như khả năng sinh sản của phụ nữ sau này.
1. Polyp cổ tử cung là gì?
Polyp cổ tử cung là các khối u nhỏ, dài phát triển trên cổ tử cung (phần hẹp ở dưới cùng của tử cung kéo dài đến âm đạo).
Khối u nhỏ nằm ở cổ tử cung của phụ nữ (Nguồn: Internet)
Cổ tử cung là phần nối khoang tử cung với phần trên của âm đạo. Nó có chức năng như là lối đi cho tinh trùng đến gặp trứng và thụ tinh. Khi mẹ bầu sinh con, cổ tử cung sẽ mỏng và rộng hơn để em bé có thể dễ dàng chui qua.
Polyp là cấu trúc dễ vỡ, phát triển từ cuống bắt nguồn từ bề mặt của cổ tử cung hoặc bên trong của ống cổ tử cung. Nếu bị polyp, bạn thường có một, hai hoặc nhiều nhất 3 khối u trên cổ tử cung.
2. Dấu hiệu polyp cổ tử cung
Chị em phụ nữ có thể nhận biết bệnh polyp cổ tử cung thông qua những dấu hiệu sau đây:
2.1 Chu kỳ kinh nguyệt không đều
Nếu thường xuyên bị chậm kinh, kinh xuất hiện 2 lần trong 1 tháng hoặc kinh ít, thậm chí mất hẳn kinh nguyệt thì đó là dấu hiệu của bệnh polyp tử cung.
2.2 Chảy máu âm đạo bất thường
Nếu thấy vùng kín xuất hiện máu không nằm trong ngày hành kinh thì hãy chú ý và đi khám phụ khoa ngay. Bởi khi bị polyp tử cung, bạn sẽ có triệu chứng chảy máu âm đạo bất thường.
2.3 Ra khí hư bất thường
Nếu dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn bình thường, kèm theo màu vàng và có mùi hôi tanh, khó chịu thì đây chính là dấu hiệu cảnh báo tử cung đang gặp vấn đề, có thể là tình trạng tử cung có nhiều khối polyp bao quanh.
2.4 Đau bụng dưới, tiểu tiện gặp khó khăn
Đau bụng dưới thường xuyên là dấu hiệu của bệnh polyp tử cung (Nguồn: Internet)
Khi bị polyp tử cung, một số người sẽ gặp phải tình trạng đau bụng dữ dội, đặc biệt là trong những ngày kinh nguyệt diễn ra và sau khi quan hệ tình dục.
Tình trạng này sẽ tăng dần lên theo thời gian, kéo theo sau đó là biểu hiện tiểu buốt, tiểu gấp, tiểu nhiều lần trong ngày nhưng lượng nước tiểu không nhiều. Nếu để lâu, người bệnh có thể gặp phải tình trạng bí tiểu.
3. Nguyên nhân polyp tử cung?
Nguyên nhân gây ra polyp cổ tử cung hiện giờ vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, sự hình thành của polyp cổ tử cung thường được cho là có liên quan đến:
- Tăng nồng độ estrogen.
- Viêm mãn tính cổ tử cung, âm đạo hoặc tử cung.
- Mạch máu bị tắc.
Hàm lượng estrogen tự nhiên luôn dao động trong suốt cuộc đời mỗi phụ nữ. Nồng độ estrogen cao nhất trong những năm sinh đẻ và trong những tháng bắt đầu mãn kinh. Hoá chất nhân tạo giống với estrogen xuất hiện trong các sản phẩm thịt và sữa ngoài thị trường, đồng thời nó cũng có thể được giải phóng vào thức ăn khi hộp đựng được làm bằng nhựa. Đó là những nguyên nhân làm tăng nồng độ estrogen, nâng cao khả năng xuất hiện polyp cổ tử cung.
4. Polyp tử cung ảnh hưởng gì đến khả năng sinh sản?
Polyp tử cung thường sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, nhất là đối với vấn đề sinh sản của chị em. Cụ thể là khi polyp nhỏ sẽ làm cản trở quá trình di chuyển của tinh trùng tìm đến gặp trứng, còn nếu như polyp quá lớn thì dễ dàng làm tắc nghẽn tử cung.
Tuy nhiên, khi bị polyp tử cung không có nghĩa là chị em phụ nữ mất hoàn toàn khả năng sinh sản mà chỉ là việc thụ thai gặp nhiều khó khăn.
5. Điều trị polyp tử cung bằng cách nào?
Đôi khi, polyp cổ tử cung sẽ tự rời khỏi vị trí của nó khi phụ nữ trong thời kì kinh nguyệt hoặc khi quan hệ tình dục.
Các bác sĩ thường không loại bỏ polyp trừ khi chúng gây ra các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân.
Trong trường hợp buộc phải loại bỏ polyp tử cung thì sẽ áp dụng các phương pháp sau đây:
- Xoắn polyp trên bề mặt da.
- Buộc dây phẫu thuật quanh gốc polyp và cắt bỏ nó đi.
- Sử dụng vòng kẹp để loại bỏ polyp khỏi âm đạo.
Các phương pháp loại bỏ phần gốc của polyp cổ tử cung bao gồm:
- Nito lỏng.
- Kim điện làm nóng.
- Phẫu thuật bằng tia lazer.
Sau phẫu thuật, chị em sẽ cảm thấy đau đớn và chuột rút nhẹ khoảng vài giờ. Một hai ngày sau, nếu có phát hiện máu từ âm đạo cũng là điều hết sức bình thường.
6. Cách phòng ngừa polyp tử cung
Để phòng ngừa polyp cổ tử cung chị em phụ nữ nên chú ý những lời khuyên sau đây:
- Thường xuyên vệ sinh âm đạo sạch sẽ, nhất là sau khi quan hệ tình dục.
- Không được nạo phá thai bừa bãi vì nguy cơ nhau thai còn sót lại trong tử cung gây nên polyp.
- Đi khám sức khỏe phụ khoa định kỳ 6 tháng/ lần để nhanh chóng phát hiện ra những điều bất thường và kịp thời điều trị.
Trên đây là những thông tin về cách nhận biết, điều trị và phòng tránh bệnh polyp tử cung, hy vọng sẽ giúp chị em có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe và khả năng làm mẹ của mình.