Luyện cách giảm đưa tay lên mặt để phòng dịch COVID-19

(VOH) - Phải đến khi bùng phát dịch bệnh COVID-19, chúng ta mới nhận ra rằng tay mình sờ lên mặt mình quá nhiều. Và để giảm thói quen không có lợi này, ta cần luyện tập.

 Chúng ta sờ lên mặt vô số lần mỗi ngày. Gãi mũi, dụi mắt, chống cằm và dí tay lên khóe miệng… cứ thế mà sờ tay lên mặt một cách vô thức.

Theo một nghiên cứu thực hiện cách đây vài năm, mọi người chạm tay vào mặt trung bình từ 9 đến 23 lần/giờ. Ta chạm lên mặt nhiều hơn khi ta lo lắng, bối rối, căng thẳng.

Tay chạm mặt làm giảm những khó chịu nhất thời như ngứa và căng cơ. Những khó chịu này thường hết trong vòng một phút, nhưng chạm vào mặt mang lại sự thả lỏng tức thì, điều này dần dà biến nó thành một phản ứng theo thói quen, theo The Conversation.

Theo bà Susan Michie, Giám đốc Trung tâm Thay đổi hành vi tại Đại học College London, so với biện pháp rửa tay, đứng cách nhau 2m thì không chạm vào mặt bạn sẽ khó khăn hơn nhiều. Khuôn mặt, cụ thể là vùng chữ T trên mặt bao gồm mắt, mũi và miệng, là đường lây truyền chính của virus gây COVID-19.

Để khắc phục những thói quen ăn sâu này, bà Michie khuyên bạn nên cố gắng để giữ cho bàn tay của mình ở dưới vai mọi lúc và rèn luyện bản thân để chống lại sự thôi thúc chạm tay vào khuôn mặt.

Ông Robert West, giáo sư tâm lý học y tế tại Đại học College London, cho rằng, cách tiếp cận tốt nhất để bỏ thói quen này là thực hành, ngay cả khi bạn ở nhà, đã tắm hoặc rửa tay, thậm chí có thể đeo mặt nạ; luyện bàn tay sao cho khi chuẩn bị đưa lên mặt thì ta nhớ ngay và đưa lên tóc... Cũng có thể sử dụng xà phòng thơm, kem dưỡng da một ít nước hoa trên tay hoặc cổ tay vì khi đó tay của bạn có mùi, bạn có thể dễ nhận thấy hơn khi sắp chạm vào mặt và có thể đảo ngược hành vi.

cách giảm đưa tay lên mặt, COVID-19

Ảnh minh họa: Internet

Một cách khác là cần chú ý cách ta chạm tay vào mặt, sự thôi thúc hoặc cảm giác xảy ra trước đó, tình huống, thể lý và cảm xúc khi đó để tránh phạm phải. Để làm được điều này, chúng ta có thể nhờ người khác nói cho biết những lần tay ta chạm mặt. Lập một bản ghi nhớ, mô tả ngắn gọn từng trường hợp chạm mặt, theo The Conversation.

Ví dụ: Gãi mũi bằng ngón tay, cảm thấy ngứa, khi ở bàn làm việc; Khóe mắt, mắt râm ran, bực bội; Cằm tựa vào lòng bàn tay, đau cổ, khi đọc sách.

Chúng ta có thể ngăn chặn việc này bằng cách ngồi lên tay, ấn lòng bàn tay lên đầu gối hoặc duỗi thẳng tay sang hai bên. Nên giữ vị trí này ít nhất một phút. Dùng nó chừng nào sự thôi thúc chạm vào khuôn mặt vẫn còn.

Khi chúng ta gặp tình huống bối rối, lo lắng, thay vì đưa tay lên mặt thường xuyên, hãy để bàn tay bận rộn với thứ khác. Ví dụ: cầm bút, bóp bóng giảm căng thẳng (stress ball)

Vài lưu ý khác, nếu bạn đang ngồi ở bàn, tránh đặt khuỷu tay lên bàn. Thay vào đó, đặt hai bàn tay dưới bàn hoặc ngồi khoanh tay để giảm thói quen đưa bàn tay lên mặt. Chuẩn bị sẵn sàng các vật dụng vệ sinh như giấy hoặc khăn khi cần đưa tay lên mặt gãi, che khi hắt xì hoặc lau mặt.

Điều quan trọng nhất là dù bạn có thường xuyên đưa tay lên mặt hay không, hãy năng rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch kháng khuẩn.

Làm sao để khử nhanh mùi cồn sau khi uống rượu bia?: Từ khi Luật phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, điều mà không ít cánh tài xế lo lắng là làm sao để loại bỏ mùi cồn nhanh nhất để có thể tỉnh táo tham gia giao thông

 

Mẹo từ chối uống rượu, bia để tránh bị CSGT xử phạt: Để tránh bị CSGT xử phạt vì điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia, tài xế chỉ còn cách giảm uống và tốt nhất là từ chối uống bia, rượu. Tuy nhiên, từ chối sao thì hợp ...