‘Mách mẹ’ 6 cách tăng sức đề kháng cho bé khi đi nhà trẻ

(VOH) – Trẻ bắt đầu đi nhà trẻ, mẫu giáo là giai đoạn dễ ốm nhất, bởi hệ miễn dịch trẻ chưa hoàn thiện lại phải tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Vậy làm cách nào để tăng sức đề kháng cho bé?

Vì sao trẻ dễ bị ốm khi bắt đầu đi nhà trẻ?

Căng thẳng tâm lý là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ bị ốm khi bắt đầu đi nhà trẻ. Đa số các bé lần đầu đến môi trường mới đều cảm thấy sợ hãi, khóc nhiều, bám lấy mẹ và phản kháng. Những vấn đề tâm lý này khiến trẻ không muốn ăn, khóc đến khản đặc họng, những tổn thương tâm lý này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

mach-me-6-cach-tang-suc-de-khang-cho-tre-khi-di-nha-tre-voh

Trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ rất dễ bị ốm (Nguồn: Internet)

Theo các chuyên gia, việc trẻ được người lạ chăm sóc khi ở nhà trẻ cũng có thể làm tăng hormone cortisol – một loại hormone gây stress. Nồng độ chất cortisol tăng đột biến sẽ làm giảm đề kháng của trẻ đối với những mầm bệnh viêm nhiễm hàng ngày.

Nguyên nhân tiếp theo khiến bé đi nhà trẻ dễ bị ốm là do hệ miễn dịch của bé chưa phát triển hoàn thiện, còn rất non yếu trước các tác nhân gây bệnh. Vì thế, trẻ rất dễ dàng mắc bệnh khi chuyển sang môi trường mới, đặc biệt là các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tai mũi họng, các bệnh do virus...

Một số nghiên cứu cho thấy, trẻ đi mẫu giáo, nhà trẻ trước 2.5 tuổi sẽ dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp và viêm tai nhiều hơn so với các bé được chăm sóc tại nhà. Trường và nhà là 2 môi trường hoàn toàn khác nhau. Khi đến trường, bé được tiếp xúc với nhiều bạn bè, dùng chung đồ cá nhân như chăn, gối hoặc đồ chơi.... nên có thể bị lây bệnh dễ dàng.

Làm sao để tăng sức đề kháng cho bé khi đi nhà trẻ?

Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ ít ốm hơn khi đi nhà trẻ cha mẹ có thể áp dụng một vài cách sau đây:

  1. Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn

Bé đi nhà trẻ hay ốm thường do vệ sinh không được sạch sẽ như ở nhà. Trẻ học tập, vui chơi cùng bạn bè có nguy cơ phải “chạm trán” với nhiều mầm bệnh. Tuy nhiên, ở trường thường các bé chỉ rửa tay trước khi ăn và khi chuẩn bị được đón về. Với các trẻ nhỏ như thế là chưa đủ.

Vì thế, để giúp bé tăng cường sức đề kháng, ít ốm khi đi nhà trẻ, cha mẹ hãy dạy trẻ cách tự rửa tay bằng xà phòng khi ở nhà trẻ. Mẹ có thể mua cho bé một “bánh” xà bông có hình dáng ngộ nghĩnh để tạo cho bé sự hứng thú với việc rửa tay. Nhắc nhở trẻ phải rửa tay trước khi ăn, sau khi chơi xong để tạo cho bé thói quen. Khi đến trường bé vẫn giữ được thói quen đó.

mach-me-6-cach-tang-suc-de-khang-cho-tre-khi-di-nha-tre-1-voh

Tập cho bé thói quen rửa tay bằng xà phòng ngay từ bé (Nguồn: Internet)

Với các bé nhỏ hơn, chưa thể tự vệ sinh cá nhân, cha mẹ hãy nhờ đến sự hỗ trợ của giáo viên. Thông thường một ngày ở trường, bé nên rửa tay trung bình từ 3 – 4 lần. Nếu bé có thể thực hiện tốt việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn có thể sẽ giúp bé giảm ốm đến 30%.

  1. Chuẩn bị bình nước riêng cho bé

Cha mẹ nên chuẩn bị bình nước riêng cho bé khi bé đi nhà trẻ. Việc làm này có 2 tác dụng:

Giúp con uống đủ nước

Nước giúp mang oxy đến các tế bào cơ thể của bé, dẫn đến hệ thống cơ quan trong cơ thể hoạt động trơn tru hơn. Nước còn giúp loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, vì vậy uống đủ nước sẽ giúp ngăn chặn độc tố tích tụ, từ đó làm tăng sức đề kháng của trẻ.

Mẹ có thể tính được lượng nước bé cần uống mỗi ngày theo cách như sau:

  • Bước 1: Lấy 100ml nhân với cân nặng của trẻ.
  • Bước 2: Lấy thể tích đó trừ đi lượng nước từ thức ăn, hoặc sữa, nước hoa quả con uống. Kết quả là lượng nước bé cần.

Mẹ hãy cho lượng nước tính được vào bình nước riêng của bé. Có thể theo dõi hàng ngày để tăng lên và giảm đi, vì nếu trẻ vận động nhiều, trẻ có thể uống tăng lượng nước so với dự kiến, và ngược lại. Thông thường cha mẹ có thể quan sát trẻ uống đủ nước hay không bằng cách nhìn màu nước tiểu của bé. Nước tiểu màu vàng đặc, tức là trẻ thiếu nước. Nếu nước tiểu màu trắng hơi ngà ngà chứng tỏ trẻ đã uống đủ nước.

Tránh uống chung cốc

Lợi ích tiếp theo khi chuẩn bị bình nước riêng cho trẻ là tránh được tình trạng uống chung cốc. Mặc dù ở trường mầm non, mỗi trẻ sẽ có một cốc nước riêng, tuy nhiên, đôi khi sau giờ hoạt động ngoài trời, trẻ ra nhiều mồ hôi, các bé khát và vội vàng uống nước mà không để ý đến cốc của ai. Việc dùng chung cốc có thể khiến trẻ dễ bị lây ốm hơn.

  1. Chú trọng bữa sáng của trẻ

Thói quen của người Việt Nam là coi nhẹ bữa sáng, tuy nhiên tất cả các chuyên gia đều khuyến cáo, không nên bỏ qua hoặc xem nhẹ bữa ăn này vì nó cung cấp năng lượng cho cả ngày hoạt động. Buổi sáng cũng là thời điểm dạ dày tiết enzym tiêu hóa nhiều nhất nên đây là thời điểm hấp thu dinh dưỡng tốt nhất.

Vì thế, để tăng cường sức đề kháng cho trẻ trong giai đoạn này cha mẹ nên cho trẻ ăn sáng như một bữa ăn chính (một bữa ăn chính phải đầy đủ 4 nhóm: đường, béo, đạm, vitamin và khoáng chất). Nếu bé chưa có thói quen ăn sáng, cha mẹ nên kiên trì rèn dần dần cho bé. Nếu trong bữa chính không thể đầy đủ các nhóm chất, mẹ có thể bổ sung cho bé vào các bữa ăn phụ.

  1. Cho bé ăn các loại hoa quả giàu chất chống oxy hóa

Cam, bưởi, chanh leo, dâu tây... đều là những hoa quả giàu vitamin C – một chất chống oxy hoá có tác dụng trung hòa gốc tự do. Uống nước trái cây hoặc ăn trực tiếp đều giúp trẻ tăng cường sức đề kháng tự nhiên. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích trẻ ăn trực tiếp thay vì chỉ uống nước.

mach-me-6-cach-tang-suc-de-khang-cho-tre-khi-di-nha-tre-2-voh

Ăn trái cây là cách giúp bé tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ khuyến cáo về việc sử dụng nước ép hoa quả cho bé từ 0 – 6 tuổi như sau:

  • Tuyệt đối không dùng nước ép hoa quả cho trẻ dưới 6 tháng, trừ trường hợp trẻ táo bón (không quá 25ml/ngày, tuần không quá 4 lần).
  • Trẻ từ 6 tháng – 1 tuổi, ngày không dùng quá 100ml, tuy nhiên cha mẹ nên hoà với nước tỷ lệ 1:1.
  • Trẻ từ 1 – 3 tuổi có thể uống từ 120 – 150ml/ngày, trên 3 tuổi từ 150 – 180 ml/ngày. Tuy nhiên không nên uống gần bữa ăn, hoặc uống quá nhiều vì khiến trẻ chướng bụng, ăn ít.
  • Khuyến khích trẻ ăn hoa quả cả cái sẽ tốt hơn là dùng nước ép vì sẽ lấy được nhiều chất dinh dưỡng hơn.
  1. Cho bé dùng thêm thực phẩm bổ sung như vitamin hay men vi sinh

Trong giai đoạn đầu trẻ đi nhà trẻ, cha mẹ có thể cho bé dùng thêm các loại vitamin tổng hợp để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Nếu trẻ được bổ sung đầy đủ vitamin sẽ giúp hệ miễn dịch hoạt động nhạy bén hơn.

Bên cạnh đó, mẹ cũng cần chú ý đến vai trò của hệ vi sinh đường ruột. Các tế bào lympho tập trung đến 85% tại đường ruột và chúng chỉ được kích hoạt nếu hệ vi sinh đường ruột cân bằng. Men vi sinh có thể giúp đường ruột bé tốt hơn trong thời điểm này. Đặc biệt, bé nào đi nhà trẻ ốm nhiều, phải dùng nhiều thuốc, đặc biệt là kháng sinh thì cha mẹ đừng coi nhẹ men vi sinh.

Cha mẹ có thể tham khảo thêm ý kiến bác sĩ y khoa về việc bổ sung vitamin tổng hợp và men vi sinh cho trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ, để đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của con.

  1. Thường xuyên trao đổi với giáo viên nếu có trẻ trong lớp bị ốm

Môi trường tập thể khiến các bé dễ lây bệnh cho nhau, đặc biệt là các bệnh do virus như cảm cúm, sởi, thủy đậu... Vì thế, cha mẹ có thể chủ động bằng cách thường xuyên trao đổi với giáo viên về tình hình sức khỏe của các bé.

Trong trường hợp, bé bị ốm nhưng cha mẹ vẫn cho bé đi học thì có thể nhờ giáo viên cho bé đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với các bạn khác. Việc vệ sinh cá nhân cho trẻ cũng cần được quan tâm hơn.

Tài liệu tham khảo

  1. Trang trungtamsuckhoenhikhoa.com
  2. Trang vn.theasianparent.com
Những biện pháp phòng bệnh mùa mưa cho trẻ : Mùa mưa khí hậu ẩm thấp là điều kiện cho siêu vi, vi khuẩn, nấm,…phát triển. Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên dễ mắc bệnh. Vậy làm sao để phòng bệnh cho trẻ khi mùa mưa đến?
Có thể tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách nào? : Sức đề kháng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường chưa hoàn chỉnh nên rất dễ trở thành đối tượng bị virus, vi khuẩn tấn công. Vậy làm cách nào để tăng cường sức đề kháng cho trẻ trong giai đoạn đầu đời?
Bình luận