Tiêu điểm: Nhân Humanity

7 thói quen xấu khiến trẻ kém thông minh ngay khi còn nhỏ

(VOH) – Những thói quen xấu tuy đơn giản nhưng nó lại có thể cản trở sự phát triển của não bộ, khiến trẻ dần trở nên kém thông minh khi còn rất nhỏ. Hãy cùng xem những thói quen xấu đó là gì nhé!

Sự phát triển trí não của trẻ trong giai đoạn đầu đời vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thông minh của trẻ khi lớn lên. Tuy nhiên, những giai đoạn đầu đời vì chiều theo mong muốn, sở thích của con nhiều ông bố bà mẹ đã vô tình tập cho con trẻ những thói quen xấu đều đặn mỗi ngày dẫn đến hệ quả là trẻ dần kém thông minh.

1. Những thói quen xấu khiến trẻ kém thông minh

Một số thói quen xấu khiến trẻ kém thông minh hơn mỗi ngày mà cha mẹ cần phải đặc biệt lưu ý và giúp con sửa chữa ngay:

1.1 Thức khuya, ngủ không đủ giấc

Giấc ngủ và nghỉ ngơi rất quan trọng đối với sự phát triển của não bộ. Việc trẻ thường xuyên thức khuya, không đi ngủ đúng giờ sẽ gây hại rất lớn cho hoạt động của não cũng như toàn cơ thể.

Theo nhiều nghiên cứu, sau 9 giờ tối trí não của trẻ cần được nghỉ ngơi để tái tạo, chuẩn bị năng lượng cho ngày hôm sau. Việc thường xuyên thức khuya sẽ dẫn đến tình trạng thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc, não bộ mệt mỏi. Trẻ ngủ ít gây ảnh hưởng đến thị lực, khả năng tiếp thu và học tập. Thậm chí còn có thể gây ra các vấn đề về hiếu động thái quá và mất kiểm soát.

Vì thế, cha mẹ nên cố gắng tập cho trẻ thói quen đi ngủ trước 9 giờ tối để đảm bảo thời gian cũng như chất lượng của giấc ngủ, giúp cải thiện chức năng não bộ và sự phát triển sức khỏe toàn diện.

1.2 Tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử

Điện thoại, tivi, máy tính là những thiết bị cần phải để ngoài tầm với của trẻ nhỏ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc trẻ ngồi trước màn hình máy tính, tivi, điện thoại nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bảo gồm cả tổ chức kỹ năng, sự tập trung và hoạt động thân thể.

nhung-thoi-quen-xau-khien-tre-kem-thong-minh-ngay-khi-con-nho-voh

Tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kỹ năng, sự tập trung và hoạt động thân thể (Nguồn: Internet)

Mỗi ngày chỉ nên cho con tiếp xúc với các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, máy tính... khoảng 2 giờ là đủ.

1.3 Lười tiếp xúc với người thân, bạn bè

Ngôn ngữ được phát triển ở thùy não. Việc nói chuyện và liên lạc thường xuyên sẽ giúp cải thiện và làm cho chức năng của não hoạt động tốt hơn. Quá trình giao tiếp phong phú cũng góp phần kích thích não bộ của trẻ “tập thể dục” từ đó hạn chế việc trẻ kém thông minh.

Vì thế, cha mẹ nên dành thời gian để chủ động trò chuyện với con hoặc cho trẻ tham gia vào các hoạt động cộng đồng để trẻ có thể phát triển kỹ năng giao tiếp.

1.4 Ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt

Ăn quá nhiều đồ ngọt như các loại bánh, kẹo ngọt sẽ có xu hướng làm cho chỉ số IQ của trẻ giảm đáng kể. Đặc biệt, nếu con ăn càng nhiều thì cảm giác thèm ăn sẽ càng tăng thêm dẫn đến hàm lượng protein tăng cao, hàm lượng vitamin giảm xuống. Kết quả là não bộ bị suy dinh dưỡng và ảnh hưởng nghiêm trọng.

1.5 Nhịn bữa sáng

nhung-thoi-quen-xau-khien-tre-kem-thong-minh-ngay-khi-con-nho-1-voh

Bỏ qua bữa sáng sẽ gây thiếu hụt các chất dinh dưỡng và có hại cho não bộ (Nguồn: Internet)

Bỏ qua bữa sáng sẽ làm cho lưu lượng đường trong máu thấp hơn so với tỷ lệ bình thường của cơ thể. Khi chất dinh dưỡng bị thiếu hụt sẽ gây hại cho não trong một thời gian dài, hậu quả là trẻ có thể sẽ bị kém thông minh.

1.6 Ăn quá no

Trẻ ăn quá no trong một thời gian dài có thể làm tích lũy một số tế bào gây hại cho sự phát triển của não bộ, dần dần dẫn đến xơ cứng động mạch não. Càng về sau, các tế bào não sẽ thiếu oxy và chết dần đi, chức năng của não sẽ giảm, thậm chí giảm mạnh.

1.7 Lười suy nghĩ

Tư duy là cách tốt nhất để làm “bài tập” cho não. Thường xuyên sử dụng bộ não để suy luận và xử lý sẽ giúp trí thông minh của trẻ phát triển tốt hơn. Ngược lại, nếu lười suy nghĩ sẽ làm thoái hóa não bộ một cách nhanh chóng và khiến trẻ dần kém thông minh hơn.

2. Trẻ chậm nói có kém thông minh?

“Trẻ chậm nói kém thông minh hay thông minh hơn” là một trong những câu hỏi được khá nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, việc trẻ chậm nói không phản ánh sự thông minh hay kém thông minh của trẻ. Không có bằng chứng nào chứng minh trẻ chậm nói sẽ kém thông minh và ngược lại.

Để đánh giá trẻ có thông minh hay không cần phải dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, cho nên việc kết luận trẻ chậm nói có kém thông minh là không có cơ sở và không chính xác.

Trên đây là những thông tin cực kỳ hữu ích dành cho các bậc phụ huynh có con em còn nhỏ, đang trong quá trình phát triển ngôn ngữ và nhận thức. Hi vọng bài viết này sẽ có thể giúp cha mẹ xây dựng một phương pháp nuôi dạy trẻ hoàn thiện hơn.

Bình luận