Chờ...

Mất ngủ và những điều nên biết trước khi sức khỏe ‘xuống cấp’

(VOH) - Ai cũng muốn có một giấc ngủ ngon để sáng thức dậy thật tỉnh táo và khỏe khoắn. Tuy nhiên, hiện nay, không ít người gặp phải chứng mất ngủ, trằn trọc cả đêm không ngủ được dù rất muốn ngủ.

Để hiểu rõ hơn về chứng mất ngủ, nguyên nhân và biện pháp khắc phục, bạn có thể theo dõi những thông tin dưới đây đã được PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) chia sẻ trong chương trình Phòng mạch FM.

Mất ngủ là gì?

Bác sĩ Bay cho biết, thông thường, người trưởng thành, mỗi đêm phải ngủ từ 6 – 8 tiếng, kèm theo đó là chất lượng giấc ngủ được đảm bảo, tức là sáng thức dậy cảm thấy khỏe khoắn trong người. Trường hợp này được gọi là “ngủ ngon” hay không bị mất ngủ.

Như vậy, để đánh giá bạn có bị mất ngủ hay không cần dựa vào thời lượng ngủ và chất lượng của giấc ngủ. Tức là, có thể hiểu, mất ngủ là tình trạng mỗi đêm không ngủ đủ 6 – 8 tiếng và sáng thức dậy cảm thấy mệt mỏi, khó tập trung, đau đầu, chóng mặt,…

Mất ngủ nếu không được khắc phục sẽ khiến sức khỏe ngày càng “xuống cấp”, tinh thần không còn phấn chấn, não kém linh hoạt, rối loạn tâm lý, trầm cảm, dễ béo phì, nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch,…Nhìn chung, mất ngủ dù hiện tại chưa báo động điều gì nhưng nó có thể ảnh hưởng sức khỏe nặng nề sau này nên tuyệt đối không chủ quan.  

mat-ngu-va-nhung-dieu-nen-biet-truoc-khi-suc-khoe-xuong-cap-voh-1

Mất ngủ một đêm khiến bạn mệt mỏi, khó chịu vào ngày hôm sau (Nguồn: Internet)

Dấu hiệu của mất ngủ

Mất ngủ thường có những biểu hiện sau đây:

  • Ngủ không đủ giấc;
  • Tỉnh dậy nhiều lần giữa đêm và khó ngủ lại;
  • Cả đêm thức trắng;
  • Thấy mệt mỏi sau khi thức dậy;
  • Khó đi vào giấc ngủ;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây mất ngủ

Bác sĩ Bay cho biết, có rất nhiều nguyên nhân cũng như yếu tố nguy cơ gây mất ngủ. Cụ thể là:

  • Sinh hoạt thiếu khoa học

Thức khuya để làm việc, quyết tâm làm cho xong công việc rồi mới đi ngủ hay xem cho hết bộ phim, đọc cho xong quyển sách,…dẫn đến quá giấc và khi đi ngủ thì không ngủ được nữa hoặc khó đi vào giấc ngủ. 

  • Dùng thức uống chứa chất kích thích trước khi ngủ

Trước khi đi ngủ, uống những thức uống chứa chất kích thích như trà, cà phê,…sẽ khiến tinh thần hưng phấn trỗi dậy và đến giờ đi ngủ thì bạn không ngủ được. 

Hoặc ăn tối quá khuya, cận giờ đi ngủ hay ăn những thức ăn khó tiêu cũng khiến bạn bị mất ngủ.

  • Do giờ giấc làm việc

Mất ngủ thường xảy ra ở những công nhân làm việc theo ca đêm, thức khuya làm việc nên mỗi đêm ngủ không đủ giấc. Lâu dần sẽ tạo thành thói quen và khi đêm đến thì không ngủ được.

  • Do bệnh lý

Một số bệnh có thể khiến bạn bị mất ngủ như đau răng, đau dạ dày, các bệnh viêm nhiễm như nhọt, lở ngứa ngoài da,…

  • Do thuốc

Sử dụng thuốc kháng viêm mạnh, dùng kháng sinh dài ngày để chữa bệnh có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây rối loạn giấc ngủ khiến bạn bị mất ngủ. 

  • Do căng thẳng tâm lý

Bị stress do mất người thân, gặp thất vọng lớn trong nghề nghiệp, bị phản bội, bị hiểu lầm,…sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, cảm xúc và giấc ngủ. Nếu không khắc phục, có thể đưa đến tình trạng trầm cảm sau này.

Ngoài ra, có một số trường hợp bị mất ngủ không rõ nguyên nhân. Như vậy, có khá nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến mất ngủ. Xác định chính xác nguyên nhân sẽ giúp bạn có cách khắc phục hợp lý và hiệu quả. 

Những giải pháp khắc phục chứng mất ngủ

Theo bác sĩ Bay, để giải quyết chứng mất ngủ một cách khoa học thì trước tiên, bạn nên áp dụng các phương pháp không dùng thuốc. Nếu những giải pháp đó không mang lại hiệu quả thì bạn mới nghĩ đến việc dùng thuốc chữa trị. 

Dưới đây là một số cách có thể giúp bạn khắc phục được chứng mất ngủ tại nhà:

  1. Tạo thói quen sinh hoạt khoa học

  • Ban ngày, tập trung làm việc, sau khi về nhà, dành thời gian thư giãn. Sau bữa ăn chiều, có thể đi bộ nhẹ nhàng hay thư giãn đầu óc bằng cách nghe nhạc, xem phim.
  • Thiết lập cho mình một giờ ngủ cố định và tuân thủ nghiêm ngặt.
  • Trước khi đi ngủ không xem phim, đọc sách, lướt điện thoại hay dùng thiết bị điện tử,…
  • Trước giờ đi ngủ có thể tắm nước ấm, khi nằm xuống ngủ hãy hít sâu và thở chậm, tập trung vào hơi thở.
  • Phòng ngủ luôn ấm áp, không cho gió lùa vào phòng, không chỉnh máy quạt hay máy lạnh quá lạnh, chọn giường ngủ êm ái.
  • Trước khi đi ngủ có thể uống một ly nước ấm pha một chút mật ong.

Những việc làm trên đây sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn và từ từ ‘tạm biệt’ được chứng mất ngủ.

  1. Sử dụng các dược liệu hỗ trợ giấc ngủ

mat-ngu-va-nhung-dieu-nen-biet-truoc-khi-suc-khoe-xuong-cap-voh-2

Tim sen hỗ trợ an thần và cải thiện giấc ngủ (Nguồn: Internet)

Nếu những thói quen trên vẫn không giúp bạn khắc phục được chứng mất ngủ thì có thể sử dụng đến các thảo dược. Theo bác sĩ Bay, những thảo dược như tim sen, lá dâu, lạc tiên, vông nem, củ bình vôi,…có tác dụng hỗ trợ giấc ngủ rất tốt. 

Bạn có thể sử dụng các dược liệu trên để nấu nước uống như trà hàng ngày. Buổi tối, trước khi đi ngủ khoảng 1 – 2 tiếng, bạn có thể uống các loại nước này để tạo giấc ngủ ngon hơn.

Nếu những biện pháp trên vẫn không giúp bạn khắc phục được chứng mất ngủ thì hãy tìm đến các chuyên gia để được hướng dẫn và tư vấn chữa trị. Những trường hợp mất ngủ trầm trọng có thể sử dụng thuốc, tuy nhiên hãy lưu ý rằng các loại thuốc ngủ an thần, có tác dụng gây ngủ đều có tính lệ thuộc, gây nghiện, nếu sau này bỏ thuốc bạn sẽ rất khó ngủ. 

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới:

Ngủ ngon hơn nhờ ăn canh đinh lăng hạt sen: Hiện có rất nhiều cách để bạn có được một giấc ngủ thật ngon, tuy nhiên, cách đơn giản nhất là hãy thường xuyên nấu món canh đinh lăng hạt sen để ăn. Đây là chia sẻ từ một chuyên gia Đông y.
Bật mí 4 cách tắm đúng nhất để có một giấc ngủ ngon: Mất ngủ khiến bạn dễ cáu kỉnh, hay quên, hiệu quả công việc giảm sút. Một cách để cải thiện tình trạng mất ngủ là dựa vào cách tắm trước khi đi ngủ.