Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Một lòng với bệnh nhân!

(VOH) – Cùng Tiến sĩ Lê Khánh Điền – Trưởng khoa phục hồi chức năng – Bệnh viện An Bình tìm hiểu về âm ngữ trị liệu giúp đỡ bệnh nhân sau đột quỵ.

Nếu chứng kiến một bệnh nhân sau đột quỵ muốn diễn tả được nỗi lòng hay ước muốn người thân làm gì đó cho mình quả thật là muôn vàn khó khăn vì giọng nói hầu như không phát ra thành tiếng tròn vành rõ chữ. Nhiều trường hợp không chỉ bệnh nhân vì không thỏa được ước muốn họ cáu gắt, trầm cảm về mặt tâm lý mà cả người nhà cũng rất khổ sở khi không hiểu người thân mình cần gì. Bởi thế mới thấy, âm ngữ trị liệu quan trọng đến dường nào.

Âm ngữ trị liệu là một chuyên ngành khó, hầu như ít cơ sở y tế triển khai nhưng Tiến sĩ Lê Khánh Điền – Trưởng khoa phục hồi chức năng – Bệnh viện An Bình – Phó Chủ tịch Hội ngôn ngữ trị liệu Châu Á – Thái Bình Dương đã ấp ủ và nhận được học bổng toàn phần của Úc để học chuyên ngành này. 

Ra nước ngoài với ước mơ sẽ tích lũy kiến thức, kinh nghiệm về âm ngữ trị liệu để về giúp bệnh nhân của mình. Và khi trở về, dù nhận nhiều lời mời từ các cơ sở y tế tư nhân nhưng Tiến sĩ Lê Khánh Điền vẫn một lòng với bệnh nhân. Tiến sĩ không thôi trăn trở về vấn đề âm ngữ trị liệu ở bệnh nhân sau đột quỵ hay với những trẻ em chậm phát triển ngôn ngữ, thì hiện tại, Tiến sĩ Điền đã có cơ hội hiện thực hóa ước mơ của mình. 

a
Tiến sĩ Lê Khánh Điền khám bệnh cho bệnh nhân. 

Phóng viên Nhất Hương đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Lê Khánh Điền - người tiên phong ra nước ngoài học để về phục vụ quê hương, phục vụ bệnh nhân về chuyên ngành âm ngữ trị liệu: 

*VOH: Xin chào Tiến sĩ Lê Khánh Điền - Trưởng khoa Phục hồi chức năng vật lý trị liệu của Bệnh viện An Bình. Thưa tiến sĩ, cơ duyên nào đẩy tiến sĩ sang Úc để học chuyên ngành âm ngữ trị liệu và sau 4 năm thì tiến sĩ lại quay trở lại phục vụ cho bệnh nhân bà con tại Bệnh viện An Bình. Tiến sĩ có thể chia sẻ cho đọc giả của VOH biết được không?

- Tiến sĩ Lê Khánh Điền: Có một cơ duyên lớn vào năm 2010 tại Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, giáo sư Dung hiện nay là Chủ tịch Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh, lúc đó cô đang là Hiệu trưởng Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, cô Dung đã thiết lập một chương trình với tổ chức của Úc để đào tạo khóa học 2 năm tại Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch. Tôi đã theo học khóa học đầu tiên về ngôn ngữ trị liệu Việt Nam tại đây. 

Rồi sau đó tôi có học bổng Học mãi của Chính phủ Úc, tôi qua Úc 3 tháng thì thấy họ làm được những điều tuyệt vời giúp cho người bệnh có thể giao tiếp, nuốt được. Mình cứ nghĩ tại sao trong y khoa lại có một cái ngành chỉ tập trung điều trị phục hồi hai khả năng của con người thôi là giao tiếp và nuốt. Như vậy khi hai khả năng đó có vấn đề sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến những nhu cầu cơ bản. Ví dụ một bệnh nhân muốn ăn canh khổ qua dồn thịt, khi nói suốt một buổi mà người nhà không hiểu bệnh nhân muốn ăn gì. Chúng ta thấy chỉ có một chuyện đơn giản như vậy thôi nhưng quá khó khăn cho người nhà và bệnh nhân. 

Bây giờ trên thế giới người ta còn nghiên cứu đến tâm lý của gia đình vì người thân muốn chăm sóc người bệnh mà không hiểu ý người bệnh muốn gì sẽ rất khó. Trong khi đó, người bệnh muốn diễn tả cho người thân cũng không diễn tả được. Từ những vấn đề đó có thể thấy việc giao tiếp rất quan trọng đối với người bệnh, điều đó đã thôi thúc tôi đi học. Khi kết thúc học bổng 3 tháng ở Úc tôi quay về An Bình làm việc. Sau đó, tôi lại tiếp tục nhận được học bổng toàn phần để học tiến sĩ ở Úc. Đây là cơ duyên giúp tôi học chuyên sâu về lĩnh vực ngôn ngữ trị liệu rồi quay về Việt Nam để tiếp tục làm việc.

*VOH: Thưa tiến sĩ, rõ ràng bệnh lý đột quỵ đang là một bệnh rất là gia tăng trong cộng đồng. Và sau đột quỵ người ta thường có xu thế hướng đến tập vật lý trị liệu ở phần tay, chân, cốt làm sao cho bệnh nhân di chuyển, đi lại được. Nhưng mà trong đó, yếu tố ngôn ngữ cũng như cơ nuốt của bệnh nhân lại ít có sự chú trọng. Khôi phục lại giọng nói cũng như chức năng nuốt của bệnh nhân sau đột quỵ điều đó quan trọng như thế nào thưa tiến sĩ?

- Tiến sĩ Lê Khánh Điền: Hai vấn đề giao tiếp và nuốt rất quan trọng với người bệnh, giúp cho người bệnh giao tiếp được ít nhất là với gia đình, với người thân, bạn bè, với nhân viên y tế, với xã hội. Khi người bệnh không giao tiếp được sẽ làm cho người bệnh bức xúc, khó chịu, nhiều người bệnh có thể lên cơn cao huyết áp do nói nhưng người khác không hiểu. Nuốt cũng là vấn đề quan trọng nếu chúng ta nuốt không được. Giống như chúng ta đi, dù không nghĩ tới chuyện đi chúng ta vẫn đi. Nhưng khi người bệnh bị đột quỵ thì sau đột quỵ có nhiều người bệnh mong ước bước được một bước thôi cũng rất khó khăn. Chúng ta đi quá dễ dàng đôi khi chúng ta không để ý, nhưng người bệnh phấn đấu đi một bước, hai bước, ba bước đã là rất quý. 

Đôi khi chúng ta ăn cơm, chúng ta uống nước, chúng ta không nghĩ đến chúng ta đang ăn, đang uống nhưng với người bệnh chỉ một ngụm nước cũng khiến họ vui mừng.

Khả năng nuốt là một vấn đề nguy hiểm nếu bệnh nhân nuốt mà người nhà không biết cách cho ăn, nuốt không tốt có thể gây sặc, gây viêm phổi, thậm chí gây tử vong. Đây là những vấn đề cần được quan tâm để cho người bệnh an toàn. Rất may là Bộ Y tế ngày càng quan tâm đến lĩnh vực ngôn ngữ trị liệu. Hy vọng trong tương lai gần Việt Nam sẽ có nhiều sinh viên được đào tạo về lĩnh vực ngôn ngữ trị liệu để giúp người bệnh giao tiếp và nuốt được hiệu quả và an toàn.

*VOH: Thưa Tiến sĩ Lê Khánh Điền, Nhất Hương cũng được biết là sau khi mà học tập chuyên ngành này ở Úc trở về cũng có nhiều lời mời từ các cơ sở y tế tư nhân, nhưng mà động lực nào, yếu tố nào đã thôi thúc bác sĩ gắn bó với Bệnh viện An Bình phục vụ bà con, nhất là những bà con nghèo mà không may có những hoàn cảnh rơi vào trường hợp mắc phải về ngôn ngữ trị liệu này. Tiến sĩ Điền có thể chia sẻ về tâm tư của mình như thế nào?

- Tiến sĩ Lê Khánh Điền:Tôi làm ở An Bình đã hơn 25 năm. Nhiều bạn bè nói tôi đi học từ học bổng của Úc tại sao không đi ra ngoài làm? Vì tôi không có sự ràng buộc, ví dụ như học bổng của tôi từ bệnh viện, hoặc từ Thành phố sẽ có sự ràng buộc. Nhưng mà mình cứ quay về nơi mình xuất phát đã, bây giờ cố gắng làm sao để làm tốt thôi. Trước mắt tôi vẫn gắn bó với Bệnh viện An Bình, Ban giám đốc Bệnh viện An Bình luôn hỗ trợ giúp tôi phát triển, áp dụng được những cái đã học được từ nước ngoài về để giúp cho người dân. May mắn là có được sự hỗ trợ từ Ban giám đốc, từ các khoa lâm sàng khác, các đồng nghiệp cũng rất ủng hộ tôi, cùng nhau hỗ trợ giúp đỡ bệnh nhân. Thành ra điều đó làm cho tôi vẫn còn gắn kết với An Bình”. 

*VOH: Xin cảm ơn Tiến sĩ Lê Khánh Điền.

Bình luận